Thừa Thiên Huế: Chủ khách sạn Hương Giang "lay lắt" trên đống đất vàng

07/12/2021 10:50 GMT+7
Tuy kết quả kinh doanh bết bát, nhưng đáng chú ý khi CTCP Du lịch Hương Giang (UPCoM: HGT) sở hữu quỹ đất vàng khổng lồ tại TP Huế, với tổng diện tích lên đến 49.157,5 m2.

CTCP Du lịch Hương Giang (UPCoM: HGT) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3/2021 với doanh thu thuần đạt 1,2 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ; doanh nghiệp báo lỗ sau thuế 7,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 8 tỷ đồng.

Giải trình cho kết quả kinh doanh thua lỗ trong kỳ, phía HGT cho biết nguyên nhân chủ yếu là do dịch bệnh Covid-19 kéo dài từ năm 2020 đến nay.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, HGT ghi nhận 11,1 tỷ đồng, giảm 50% so với năm 2020, đồng thời doanh nghiệp báo lỗ sau thuế 26,5 tỷ đồng, cùng kỳ báo cáo tài chính năm ngoài HGT lỗ hơn 30,8 tỷ đồng.

Đáng chú ý, đây là quý thứ 7 liên tiếp HGT ghi nhận kết quả kinh doanh âm trong thời gian qua. Đưa mức lỗ lũy kế doanh nghiệp tính đến cuối tháng 9/2021 lên 91,9 tỷ đồng.

Thừa Thiên Huế: Chủ khách sạn Hương Giang "lay lắt" trên đống đất vàng - Ảnh 1.

Trụ sở Khách sạn Hương Giang tại Huế.

Được biết, HGT tiền thân là Công ty Khách sạn Hương Giang được UBND TP Huế thành lập ngày 3/10/1994 tại TP. Huế. Ngày 2/11, doanh nghiệp được UBND TP. Huế đổi tên thành CTCP Du lịch Hương Giang và chính thức đi vào hoạt động theo hình thức Công ty Cổ phần từ ngày 1/1/2008.

Tháng 3/2016, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ 12,572 triệu cổ phần, tương đương 62,86% phần vốn nhà nước tại CTCP Du lịch Hương Giang cho Tập đoàn Bitexco, giúp tập đoàn này nâng tỷ lệ sở hữu 70,48%.

Trước đó, Bitexco đã sở hữu 7,62% từ khi Du lịch Hương Giang được cổ phần hóa năm 2007.

Chỉ hơn 3 tháng sau, ngày 24/10/2016, tập đoàn của doanh nhân Vũ Quang Hội đã chuyển nhượng 5,758 triệu cổ phần Hương Giang cho một doanh nghiệp Hồng Kông là Công ty TNHH Kei Sei (nay là Công ty TNHH Crystal Treasure), qua đó giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 41,74%.

Về phần mình, Kei Sei còn mua gom thêm từ một số cổ đông khác và nâng tỷ lệ nắm giữ từ 12,95% lên 45,24%, vượt qua Bitexco để trở thành cổ đông lớn nhất của Du lịch Hương Giang. Ngoài ra, Hương Giang còn một cổ đông lớn là bà Lê Thị Ngọc Thuý, nắm 7% cổ phần.

Tuy nhiên, theo báo cáo thường niên 2020, cơ cấu cổ đông HGT thì Tập đoàn Bitexco chỉ còn sở hữu 9,11%; Công ty TNHH Thạch Anh Trắng sở hữu 9,63%; doanh nghiệp Hong Kong là Crystal Treasure Limited sở hữu 45,5%; công ty TNHH Tấn Trường sở hữu 20% và cá nhân bà Lê Thị Ngọc Thủy sở hữu 7%.

Thừa Thiên Huế: Chủ khách sạn Hương Giang "lay lắt" trên đống đất vàng - Ảnh 2.

Nguồn: Bản Báo cáo Bạch HGT.

Tuy kết quả kinh doanh bết bát, nhưng đáng chú ý khi theo bản cáo bạch của doanh nghiệp, HGT sở hữu quỹ đất vàng khổng lồ tại TP Huế, với tổng diện tích lên đến 49.157,5 m2.

Đơn cử trong đó như 166.50m2 đất sở hữu lâu dài tại số 2 Nguyễn Công Trứ, TP Huế; 6.248,30 m2 nhà hàng Festival số 11 Lê Lợi, TP Huế; 14.188,60m2 khách sạn Hương Giang tại 51 Lê Lợi TP Huế; 17.036m2 khách sạn Azerai Laresidence số 5 Lê Lợi; 3.221m2 Biệt Thự Morin & Nguyễn Văn Lễ tại Vườn Quốc gia Bạch Mã...

Chưa kể, trong hệ thông công ty liên kết, HGT còn sở hữu phần lớn trên 30% vốn điều lệ của nhiều công ty lữ hành, du lịch có quỹ đất đẹp khác như Công ty TNHH Saigon Morin-Huế (sở hữu 50%); Công ty TNHH Khách sạn Kinh Thành (sở hữu 30%); Công ty TNHH Du lịch Lăng Cô (sở hữu 40%)..


Quang Dân
Cùng chuyên mục