Thực phẩm Sao Ta (FMC) báo lãi gần 80 tỷ đồng trong quý III, vay nợ tăng hơn 90%

17/10/2022 18:57 GMT+7
Trong quý III/2022, Thực Phẩm Sao Ta (Fimex; FMC) lãi gần 80 tỷ đồng, tăng 25,5%; trong đó lãi của công ty mẹ đạt 77 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ.

Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) vừa công bố BCTC hợp nhất quý III/2022 với doanh thu thuần đạt 1.752,5 tỷ đồng, tăng gần 8% so với cùng kỳ; giá vốn bán hàng tăng 6% lên 1.562 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 191 tỷ đồng, tăng 26,26% so với cùng kỳ.

Doanh thu hoạt động tài chính tăng 25,3% lên 20,7 tỷ đồng; chi phí bán hàng đạt hơn 92 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 24,6 tỷ đồng, lần lượt tăng 8,6% và 511% so với cùng kỳ.

Kết quả, quý III Thực Phẩm Sao Ta lãi gần 80 tỷ đồng, tăng 25,5%; trong đó lãi của công ty mẹ đạt 77 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu FMC đạt 4.491 tỷ đồng, tăng 20%; lãi trước thuế đạt 247,3 tỷ đồng,tăng 36,8%; lãi sau thuế đạt 240,5 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ.

Thực phẩm Sao Ta (FMC) báo lãi gần 80 tỷ đồng trong quý III; vay nợ tăng hơn 90% - Ảnh 1.

BCTC quý III của FMC

Năm 2022, mục tiêu doanh thu Fimex đạt ra khoảng 5.290 tỷ đồng, tăng 11,3%; lợi nhuận trước thuế ít nhất 320 tỷ đồng, tăng 10,7% so với thực hiện 2021. Như vậy, sau 9 tháng, FMC thực hiện được 85% mục tiêu doanh thu và 77% mục tiêu lợi nhuận trước thuế.

Về hoạt động nuôi tôm, Công ty đang tiến hành thu tỉa và thu hoạch phục vụ chế biến. Nhìn chung tôm phát triển không bằng mùa thuận nhưng so mặt bằng chung thì tốt hơn hẳn, có lãi. Đồng thời tiến hành cải tạo khu mới 203 hecta để có thể thả nuôi ở quý II/2023.

Về hoạt động xây dựng, Sao Ta đang nỗ lực hoàn tất nhà máy mới. Công ty cho biết tình hình đang có chút chậm trễ do bên cung ứng thiết bị, máy móc nước ngoài giao chậm vì thiếu vật tư sản xuất và khâu vận chuyển chậm trễ. Tuy nhiên, việc này không gây áp lực vì hiện sản lượng nguyên liệu chỉ mức vừa phải.

Đánh giá về tình hình kinh doanh từ nay đến cuối năm, FMC cho biết do ảnh hưởng lạm phát toàn cầu nên sức tiêu thụ không cao. Từ đó, doanh số tiêu thụ không tăng mạnh ở những tháng cuối năm nhưng vẫn bảo đảm hoàn thành kế hoạch doanh số và lợi nhuận.

Tổng tài sản của FMC tính đến cuối tháng 9/2022 đạt 3.158 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Trong đó tài sản ngắn hạn chiếm 70% với 2.207 tỷ đồng; trữ tiền giảm 34,3% so với cùng kỳ xuống 505,7 tỷ đồng; đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn giảm 55,7% xuống 11 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng 69,7% lên 520,6 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng 6,7% lên hơn 1 tỷ đồng.

Nợ phải trả tăng 55% lên 1.112 tỷ đồng, toàn bộ là nợ ngắn hạn. Phải trả người bán ngắn hạn tăng 56% lên 153 tỷ đồng; vay nợ ngắn hạn tăng tới 92% lên hơn 798 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/10, cổ phiếu FMC tăng 1,55% lên 39.300 đồng/cp.


Ong Lý
Cùng chuyên mục