Thương hiệu thời trang Forever 21 nộp đơn xin phá sản

30/09/2019 11:33 GMT+7
Forever 21 chính thức nộp đơn xin phá sản với khoản nợ ước tính lên tới 10 tỷ USD. Việc nộp đơn xin phá sản của Forever 21 được cho là phía công ty đã phải chịu áp lực từ giá thuê mặt bằng cao và sự cạnh tranh từ đối thủ các hãng thời trang khác.
 Thương hiệu thời trang Forever 21 nộp đơn xin phá sản - Ảnh 1.

Một của hàng Forever 21 tại Quảng trường Thời đại, New York (Ảnh: Bloomberg).

Forever 21 Inc. cho biết công ty đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản và như vậy sẽ có thêm một thương gia thời trang lớn vào danh sách các nhà bán lẻ thời trang không thể trụ lại trên thị trường với giá thuê mặt bằng cao và sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ.

Theo hồ sơ nộp cho tòa án ở quận Delaware (Mỹ), Forever 21 đã ước tính các khoản nợ dựa trên cơ sở hợp nhất từ 1 tỷ đến 10 tỷ USD. Việc nộp hồ sơ xin phá sản theo Chương 11 cho phép công ty có trụ sở tại Los Angeles tiếp tục hoạt động trong khi Forever 21 lên kế hoạch thanh toán cho các chủ nợ và xoay quanh hoạt động kinh doanh.

Forever 21 đã nhận được khoản trợ cấp vốn từ ngân hàng cho vay JPMorgan Chase & Co. cùng 75 triệu USD từ quỹ TPG Sixth Street Partners và các quỹ liên kết của nó.

"Khoản trợ cấp của JPMorgan và TPG Sixth Street Partners sẽ hỗ trợ cho Forever 21 thực hiện các thay đổi quan trọng ở Mỹ và nước ngoài để khôi phục thương hiệu và thúc đẩy sự phát triển của chúng tôi, cho phép chúng tôi tổ chức lại hoạt động kinh doanh và tái định vị thương hiệu" bà Linda Chang, phó chủ tịch điều hành của Forever 21 cho biết trong một tuyên bố.

Việc nộp đơn xin phá sản có thể giúp Forever 21 loại bỏ các cửa hàng không có lợi nhuận và gây quỹ mới. Điều này có thể là vấn đề gây rắc rối cho các chủ sở hữu trung tâm mua sắm lớn của Hoa Kỳ bao gồm Simon Property Group Inc. và Brookfied Property Partners LP. Bởi vì Forever 21 là một trong những công ty thuê mặt bằng kinh doanh tại trung tâm mua sắm lớn nhất vẫn hoạt động sau làn sóng phá sản.

Simon tính rằng Forever 21 là khách hàng thuê mặt bằng lớn thứ sáu của họ, không bao gồm các cửa hàng bách hóa với 99 cửa hàng có diện tích gần 140.000 m2 tính đến ngày 31/3.

Được thành lập vào năm 1984, Forever 21 vận hành với hơn 800 cửa hàng tại Mỹ, Châu Âu, Châu Á và Châu Mỹ Latinh. Điểm nổi bật của Forever 21 là chuyên về thời trang nhanh, các sản phẩm hợp thời trang, bắt kịp xu hướng, giá rẻ. Các đối thủ cạnh tranh của Forever 21 bao gồm Zara, H&M và Amazon.com.

Người đồng sáng lập Forever 21 Do Won Chang cho biết ông đã tập trung vào việc kiểm soát duy trì cổ phần Forever 21 trong khi điều này đang cản trở nỗ lực tái cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp.

Thu Trà
Cùng chuyên mục