Thủy sản Thuận Phước "xé nháp", kỳ vọng doanh thu xuất khẩu đạt 150 triệu USD vào năm 2022

31/12/2021 06:56 GMT+7
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Thủy sản Thuận Phước cho biết doanh nghiệp sẽ khép lại một năm 2021 đầy sóng gió bởi COVID-19, cước tàu và bắt đầu năm 2022 với niềm tin doanh thu xuất khẩu tôm đạt trên 150 triệu USD.

Chỉ còn vài ngày nữa năm 2021 với nhiều sóng gió sắp khép lại. Người viết đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT CTCP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Mã: THP), một trong những doanh nghiệp đầu ngành tôm về những điều "được và mất" trong năm 2021 và những kỳ vọng trong năm 2022.

 - Ảnh 1.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT CTCP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước. (Ảnh: Bizlive)

Giai đoạn 2020 – 2021, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp mang đến cả thách thức và cơ hội cho ngành thủy sản. Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông đánh giá như thế nào về "được và mất"?

- Ông Trần Văn Lĩnh: Thực tế, dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ khiến chuỗi cung ứng toàn cầu gãy đổ, những đối thủ xuất khẩu thủy sản của Việt Nam "mắc kẹt" trong dịch bệnh.

Ngành thủy sản Việt Nam nhanh chóng chớp lấy thời cơ, gia tăng thị phần ở các thị trường lớn như Mỹ, EU....

Xuất khẩu tăng vọt cả về số lượng và giá trị, tạo được uy tín trên thị trường dù trong quý III, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam bị gián đoạn bởi giãn cách xã hội ở các tỉnh ĐBSCL.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2021 vẫn tăng trưởng tốt, đạt 8,9 tỷ USD, vượt qua cả kỳ vọng của chúng ta sau một năm kinh hoàng, mệt mỏi vì dịch bệnh.

Với kết quả này, Việt Nam vẫn chắc chân trong top các nhà xuất khẩu thủy sản lớn của thế giới.

Dù xuất khẩu thủy sản tăng trưởng tốt nhưng doanh nghiệp "khó vui" vì cước vận tải đã ăn mòn lợi nhuận.

Chưa bao giờ trong lịch sử, giá cước vận và phụ phí lại tăng đột biến, gấp 10 lần so với thay vì tăng 5-10%/năm như thông thường. Một container đi Âu – Mỹ đang dao động 20.000 USD/cont thay vì 2.000 USD như trước đây.  

Cước tàu tăng đột biến, vượt quá tầm kiểm soát, doanh nghiệp không kịp trở tay với những đơn hàng đã ký từ cuối năm trước, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ thua lỗ vì gồng cước.

Liệu đây có phải đòn giáng mạnh nhất đối với Thuận Phước, thưa ông?

- Ông Trần Văn Lĩnh: Chắc chắn. Điều này thể hiện rõ nhất trong báo cáo tài chính quý III của chúng tôi.

Theo đó, doanh thu thuần của công ty đạt 645 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ 9% vì công ty tạm ngừng hoạt động tháng 8 và nửa đầu tháng 9 để chống dịch COVID-19.

Cước vận tải biển tăng 188% đã nhấn chìm lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp xuống còn 1,9 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ năm 2020.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của THP đạt 1.960 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 47%, đạt gần 19 tỷ đồng.

 - Ảnh 2.

Báo cáo giải trình lợi nhuận sau thuế của thủy sản Thuận Phước. (Nguồn: Website Thuận Phước)

Chúng tôi dự kiến doanh thu cả năm 2021 ước đạt 115 triệu USD tăng 10% so với năm ngoái nhờ quý I, II, IV kinh doanh tốt, gồng gánh cho quý III.

Dù doanh thu tăng nhưng doanh nghiệp gần như không có lợi nhuận vì cước vận tải ăn cả vào chi phí vốn.

Cụ thể, giá cước vận tải hàng về cũng tăng dẫn đến giá vật tư như bao bì, thức ăn thủy sản, chất bảo quản… tăng mạnh. Cùng với đó, người dân ít thả nuôi vào mùa dịch khiến giá tôm nguyên liệu tăng 80 – 90%.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng oằn lưng gánh chi phí phòng chống dịch bệnh, tính chung từ tháng 6 đến tháng 11, chúng tôi tiêu tốn 20 tỷ đồng cho chi phí xét nghiệm, ba tại chỗ, một cung đường hai điểm đến...

Ngay ở thời điểm này, trong trạng thái bình thường mới, chúng tôi vẫn phải kiểm dịch 20-30% dù tất cả công nhân đã chích ngừa vắc xin hai mũi.

Song, mỗi địa phương lại có quy định khác nhau, có nơi cho F1 làm việc, có nơi yêu cầu F1 cách ly tại nhà khi nhà máy có F0. 

Do đó, số lượng công nhân của THP giảm gần một nửa, chỉ duy trì khoảng 1.400 người thay vì 2.500 – 3.000 người như mọi năm.

Mọi chi phí đều đổ lên đầu doanh nghiệp. Năm nay lãi đậm là điều không thể xảy ra, cầm hòa được đã là may mắn.

Đến thời điểm này, Thuận Phước đã ký được nhiều đơn hàng xuất khẩu cho năm 2022 và mục tiêu doanh thu của doanh nghiệp như thế nào, thưa ông?

- Ông Trần Văn Lĩnh: Đến thời điểm này, Thuận Phước chưa ký nhiều hợp đồng cho năm 2022, điều hiếm gặp trong nhiều năm kinh doanh của công ty.

Bởi, ở điều kiện bình thường mới, chúng tôi vẫn chưa trả hết các đơn hàng cho năm 2021. Do đó, doanh nghiệp sẽ gấp rút sản xuất, chế biến để kịp giao hàng cho khách.

Bên cạnh đó, biến thể Omicron diễn biến phức tạp ở Mỹ, châu Âu cùng với giá cước vận tải biển leo thang, chúng tôi đang đàm phán mức giá an toàn, dự kiến tăng khoảng 20-30% so với giá tôm xuất khẩu năm 2021 để đảm bảo lợi nhuận và hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các đối tác chỉ chấp nhận mức tăng tối đa 10-15% vì dù nhu cầu vẫn cao nhưng thu nhập của người dân giảm, họ không thể chấp nhận mức giá thực phẩm quá cao.

Người mua chưa sẵn sàng mở hầu bao để chấp nhận mức giá mới, trong khi người bán cũng không thể nào bán mức giá quá thấp vì giá nguyên liệu, giá cước đều tăng. Đến thời điểm này, chúng tôi vẫn đang trong quá trình đàm phán, chưa ký mới.

 - Ảnh 3.

Giá tôm xuất khẩu có thể hình thành mặt bằng mới. (Ảnh: VASEP)

Về doanh thu, thực chất Thuận Phước đặt mục tiêu doanh thu năm 2021 sẽ đạt 150 triệu USD vì chúng tôi mới đưa vào hoạt động thêm một nhà máy chế biến tôm ở Tiền Giang.

Tuy nhiên, nhà máy chỉ hoạt động được 3 tháng thì gặp dịch COVID-19 nên mọi thứ đều đang ở mức khởi động.

Do đó, chúng tôi chuyển mục tiêu doanh thu 150 triệu USD từ năm 2021 sang năm 2022.

Năm 2022, thủy sản Thuận Phước sẽ nhắm vào thị trường nào, thưa ông?

- Ông Trần Văn Lĩnh: Đối với Thuận Phước, châu Âu vẫn là thị trường tiêu thụ ổn định và hiệu quả nhất, chiếm hơn 50% lượng hàng xuất khẩu của doanh nghiệp.

Trong nhiều năm qua, Thuận Phước đã xây dựng được uy tín, chỗ đứng và trở thành bạn hàng quen thuộc của thị trường này.

Sau EU, Thuận Phước tiếp tục hướng đến thị trường Nhật Bản bởi tôi đánh giá đây là thị trường ổn định, an toàn về thanh toán tài chính.

Song bất an nhất là thị trường này đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp cần cẩn trọng về các khiếu nại về kỹ thuật.

Thị trường quan trọng thứ ba là Mỹ. Dù nhu cầu tiêu thụ của Mỹ tốt nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao.

Bên cạnh đó, thị trường này vô cùng cạnh tranh với Ecuador và Ấn Độ. Thị trường Mỹ không có thói quen hợp tác đường dài như khu vực châu Á.

Nếu thị trường nào có sản phẩm chất lượng tốt, giá rẻ hơn, họ sẵn sàng bỏ mình ngay cả khi đã ký hợp đồng, mở agency.

Ông nghĩ sao về thị trường Trung Quốc?

- Ông Trần Văn Lĩnh: Tôi cho rằng Trung Quốc là thị trường tiềm năng, đặc biệt với mặt hàng tôm.

Bởi nhu cầu tiêu thụ cao, thu nhập của người dân cao trong khi Trung Quốc có xu hướng giảm diện tích nuôi trồng. Đây là cơ hội cho ngành tôm Việt Nam.

Nhiều người cho rằng Trung Quốc đang "khó tính" với nông sản Việt Nam. Nhưng theo quan điểm của tôi, việc khó tính này tốt cho nông dân Việt Nam, buộc nông dân phải thay đổi để tạo ra nền nông nghiệp trách nhiệm, có kiểm soát, sản xuất hàng hóa theo quy mô lớn, chứ không phải theo kiểu "buôn thúng, bán nia" như trước đây.

Thứ tôi mong chờ ở thị trường này là những thay đổi trong phương thức nhập khẩu theo thông lệ quốc tế. Nếu theo luật chơi mới của quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Phạm Mơ
Cùng chuyên mục