Tiền lương của người lao động năm 2022 thay đổi như thế nào?

19/07/2021 16:01 GMT+7
Cho dù gần nửa năm nữa mới bước sang năm 2022, tuy nhiên thông tin về tiền lương trong năm tới vẫn luôn được quan tâm, đặc biệt là sau hai năm liền người lao động gặp nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19.

Lương tối thiểu vùng 2022 có tăng?

Đến thời điểm hiện tại, gần như chắc chắn lương tối thiểu vùng 2021 không tăng do những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khiến cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Tăng lương tối thiểu vùng năm 2021 ở thời điểm này không khác gì tạo thêm gánh nặng cho các doanh nghiệp.

Còn về thông tin lương tối thiểu vùng 2022 tăng không, hiện nay gần như cũng chưa thể có câu trả lời chính xác. Tuy nhiên, mới đây, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 1517 gửi các địa phương, yêu cầu rà soát tình hình triển khai thực hiện mức lương tối thiểu trên địa bàn.

Đồng thời, đánh giá khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong việc áp dụng mới lương tối thiểu vùng và trả lương cho người lao động, trong bối cảnh diễn ra dịch bệnh Covid-19. Từ đó, làm cơ sở để đề xuất với Chính phủ về phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong thời gian tới, mà cụ thể là năm 2022.

Nếu như mức lương tối thiểu vùng tăng, người lao động sẽ được hưởng lợi: Được tăng lương nếu như mức lương đang ở dưới mức tối thiểu; tăng tiền lương ngừng việc; tăng mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…

Tiền lương của người lao động năm 2022 thay đổi như thế nào? - Ảnh 1.

Nhiều thay đổi về tiền lương của người lao động từ 01/7/2022. Ảnh minh họa

Nhiều thay đổi về tiền lương của người lao động từ 01/7/2022

Nếu như không có đại dịch Covid-19, việc cải cách tiền lương theo tinh thần của Nghị quyết 27/NQ-TW của Bộ Chính trị đã được triển khai từ đầu năm 2021. Tuy nhiên, do dịch bệnh, Bộ Chính trị đã họp và quyết định lùi thời điểm cải cách tiền lương vào ngày 01/7/2022.

Theo Nghị quyết 27, chính sách về tiền lương của người lao động trong các doanh nghiệp sẽ có những thay đổi như sau:

- Bổ sung tiền lương tối thiểu vùng theo giờ. Điều này phù hợp với tinh thần của Bộ luật Lao động 2019 khi khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này quy định “Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ”.

- Sẽ có mức tiền lương bình quân trên thị trường đối với các ngành nghề do Nhà nước công bố. Đồng thời, Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ cung cấp thông tin về thị trường lao động và không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp mà do doanh nghiệp và người lao động tự thỏa thuận.

- Đối với doanh nghiệp Nhà nước, sẽ khoán chi phí tiền lương gắn với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh đến năm 2025 và từ đến năm 2030, sẽ giao khoán nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

- Cơ chế tiền lương của người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được tự chủ theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp

- Những người lao động làm công việc thừa hành, phục vụ trong các cơ quan Nhà nước (yêu cầu trình độ đào tạo dưới trung cấp) không còn được áp dụng bảng lương của công chức, viên chức như hiện nay mà ký hợp đồng lao động và thực hiện chế độ tiền lương như mọi người lao động trong doanh nghiệp…


Lan Vũ
Cùng chuyên mục