Tiếp tục tăng 5 USD/tấn, giá gạo xuất khẩu Việt Nam dẫn đầu thế giới

22/12/2022 14:33 GMT+7
Trên thị trường xuất khẩu, gạo 5% tấm của Việt Nam tiếp tục tăng 5 USD/tấn, dẫn đầu thế giới...

Giá lúa gạo hôm nay 22/12: Tăng 5 USD/tấn, giá gạo xuất khẩu dẫn đầu thế giới 

Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục điều chỉnh tăng. Cụ thể, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm đang ở mức 458 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn. Trong khi đó, gạo 25% tấm duy trì ở mức 438 USD/tấn.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, chất lượng và độ an toàn thực phẩm của gạo Việt Nam ngày được nâng cao nên được nhiều thị trường cao cấp trên thế giới lựa chọn; các nước nhập khẩu gạo lớn gồm Trung Quốc, châu Phi và khu vực Đông Nam Á như Philippines, Indonesia… đang có nhu cầu lớn mua gạo Việt Nam. Trong đó, thị trường Philippines chuộng mua các loại gạo như: DT8, OM18 và OM5451, vì ngoài chất lượng và an toàn thực phẩm thì gạo Việt Nam do tính chất mùa vụ nên luôn đảm bảo độ tươi mới.

Cuối năm nhiều nước có nhu cầu nhập khẩu nhưng do tỷ giá USD/VND tăng xấp xỉ 25.000 đồng nên họ chưa dám mua vào vì sợ lỗ dẫn đến thiếu gạo phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, hiện nay tỷ giá USD/VND đã về dưới mức 24.000 đồng, cộng với nhu cầu thị trường nhập khẩu từ cuối năm 2022 sẽ là yếu tố đẩy giá lúa gạo vụ Đông Xuân 2022-2023 tăng cao hơn so với với vụ Đông Xuân trước.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng của năm 2022 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đã đạt trên 6,68 triệu tấn, tương đương trên 3,24 tỷ USD, tăng 16% về khối lượng, tăng 6,7% về kim ngạch so với 11 tháng năm 2021.

Về giá, theo ước tính, giá xuất khẩu bình quân gạo của Việt Nam trong tháng 11/2022 đạt 493 USD/tấn, tăng 3,1% so với tháng 10/2022, nhưng giảm 5,8% so với tháng 11/2021. Tính chung 11 tháng năm 2022, giá xuất khẩu bình quân gạo đạt 485 USD/tấn, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Về thị trường, 11 tháng qua, Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 44,9% trong tổng lượng và chiếm 42,9% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt gần 3 triệu tấn, tương đương 1,39 tỷ USD, giá trung bình 463 USD/tấn, tăng 30% về lượng, tăng 18% về kim ngạch so với cùng kỳ.

Tiếp đến là thị trường Trung Quốc chiếm trên 12% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt 807.947 tấn, tương đương 408,49 triệu USD, giá trung bình 505,6 USD/tấn, giảm 19,2% về lượng và giảm 17,4% kim ngạch.

Bờ Biển Ngà đứng thứ 3 đạt 655.593 tấn, tương đương 294,28 triệu USD, giá 448,9 USD/tấn, tăng mạnh 83% về lượng và tăng 61,3% kim ngạch nhưng giảm 11,9% về giá so với cùng kỳ. Thị trường này hiện chiếm trên 9% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Xuất khẩu sang khối các thị trường RCEP 11 tháng qua đạt 4,42 triệu tấn, tương đương trên 2,09 tỷ USD, tăng 17% về lượng, tăng 9,1% kim ngạch; khối CPTTP đạt 543.913 tấn, tương đương 263,13 triệu USD, tăng 31,5% về lượng và tăng 19,8% kim ngạch; khối EU đạt 26.668 tấn, tương đương trên 17,84 triệu USD, tăng 17% về lượng, tăng 0,4% kim ngạch.

Với kết quả của 11 tháng qua, VFA ước tính rằng kết thúc năm 2022 sản lượng xuất khẩu gạo của cả nước sẽ đạt khoảng 7 triệu tấn với trị giá ước tính khoảng 3,5 tỷ USD. Đây là một kết quả đầy ấn tượng trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động.

Tiếp tục tăng 5 USD/tấn, giá gạo xuất khẩu Việt Nam dẫn đầu thế giới - Ảnh 1.

Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục điều chỉnh tăng.

Thực tế, năm 2022 là một năm có rất nhiều biến động trên thị trường, khi đầu năm giá gạo đi xuống và phải đến quý III giá gạo mới tăng lên. Tuy nhiên có thể khẳng định năm 2022 vẫn tiếp tục là một năm khá thành công của những nhà xuất khẩu và sản xuất lương thực Việt Nam. Theo đó, ước đến hết năm 2022 Việt Nam xuất khẩu được trên 7 triệu tấn gạo, con số không ai nghĩ sẽ đạt.

Cũng theo VFA, trong năm 2022 gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đã nhiều lần vượt qua Thái Lan và đứng đầu thế giới. Đơn cử, trong tháng 11/2022, trong khi giá chào bán gạo 5% tấm của Thái Lan chỉ ở mức 440 USD/tấn còn Việt Nam ghi nhận mức 447 USD/tấn. 

Không chỉ có gạo trắng mà các loại gạo thơm, gạo japonica... của Việt Nam đã nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu với giá tốt. Giá gạo thơm xuất khẩu cho thị trường Trung Đông, châu Âu trong năm 2022 đạt mức bình quân 650 USD/tấn, riêng loại gạo ST24, ST25 có giá trên 1.000 USD/tấn.

Nhận định về triển vọng của ngành lúa gạo trong năm 2023, VFA cho biết, xuất khẩu gạo của Việt Nam dự báo sẽ thuận lợi bởi giá gạo trong ngắn hạn vẫn duy trì ở mức cao do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu thu mua lương thực tăng lên.

Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp sản xuất - xuất khẩu lương thực nói riêng sẽ phải đối mặt với một số thách thức liên quan đến vốn và room tín dụng. Câu chuyện tài chính đang là khó khăn lớn nhất với các doanh nghiệp, ảnh hưởng tới những doanh nghiệp muốn mở rộng hoặc thu mua dự trữ. Chưa kể là hiện nay Ngân hàng Nhà nước dù bắt đầu mở thêm room tín dụng nhưng mức độ nó rất nhỏ, dẫn tới rủi ro cho doanh nghiệp.

Theo khảo sát tại An Giang của VFA, giá lúa hôm nay (22/12) tiếp tục đi ngang, hiện dao động trong khoảng 6.500 - 12.000 đồng/kg.

Cụ thể, lúa IR 50404 và lúa OM 5451 tiếp tục có giá trong khoảng 6.500 - 6.700 đồng/kg. Lúa OM 18 tiếp tục được thu mua với giá trong khoảng 6.600 - 6.700 đồng/kg. Giá lúa Đài thơm 8 duy trì trong khoảng 6.800 - 7.000 đồng/kg. Lúa Nàng Hoa 9 có giá trong khoảng từ 6.900 đồng/kg đến 7.100 đồng/kg. Lúa Nhật tiếp tục được thương lái thu mua với giá trong khoảng 7.800 - 7.900 đồng/kg. Lúa Nàng Nhen (khô) có giá dao động trong khoảng 11.500 - 12.000 đồng/kg. 

Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm giảm nhẹ. Hiện giá gạo nguyên liệu trong khoảng 9.200 – 9.300 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; giá gạo thành phẩm vào khoảng 10.000 – 10.100 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg.

Tại chợ An Giang, mặt hàng gạo không ghi nhận biến động về giá. Theo đó, gạo thường có giá trong khoảng 11.500 - 12.500 đồng/kg, gạo Sóc thường có giá từ 13.500 đồng/kg đến 14.500 đồng/kg, giá gạo trắng thông dụng ở mức 14.000 đồng/kg, gạo thơm Jasmine có giá trong khoảng 15.000 - 16.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa neo tiếp tục được bán với giá 17.500 đồng/kg,giá gạo Sóc Thái và gạo thơm thái hạt dài duy trì cùng mức 18.000 đồng/kg, gạo Hương Lài tiếp tục có giá là 19.000 đồng/kg. Gạo Nàng Nhen, gạo thơm Đài Loan và gạo Nhật tiếp tục được bán với giá 20.000 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, giá cám duy trì trong khoảng 9.000 - 10.000 đồng/kg.

Tiếp tục tăng 5 USD/tấn, giá gạo xuất khẩu Việt Nam dẫn đầu thế giới - Ảnh 2.

Việt Nam vẫn là nhà cung cấp gạo hàng đầu của Philippines, chiếm phần lớn trong tổng khối lượng với gần 3 triệu tấn.

Được biết, để kiềm chế lạm phát và tăng nguồn cung lương thực trong nước, Philippines đã quyết định kéo dài việc giảm thuế suất nhập khẩu gạo ở mức 35%, ngô là 5 - 15% và thịt heo là 15 - 25%.

Theo đó, Tổng thống Philippines đã chấp thuận khuyến nghị của Bộ Kinh tế về việc kéo dài thời gian giảm thuế đối với gạo và các mặt hàng thực phẩm khác đến cuối năm sau. 

Trước đó, việc áp thuế dự kiến sẽ hết hạn vào cuối năm 2022 nhưng Philippines đang đối mặt với lạm phát cao nhất trong vòng 14 năm qua nên các mức thuế sẽ được kéo dài đến 31/12/2023.

Theo đó, thuế nhập khẩu với gạo vẫn ở mức 35% (mức trước đó là 40-50%) và thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm ngô và thịt heo sẽ giữ nguyên ở mức 5 - 15% và 15 - 25%. 

Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế Philippines cho biết: "Thông qua chính sách này, chúng tôi sẽ tăng nguồn cung lương thực trong nước, đa dạng hóa nguồn lương thực thiết yếu và giảm bớt áp lực lạm phát phát sinh từ nguồn cung hạn chế...". 

Philippines có thể cần nhập khẩu ít nhất 3 triệu tấn gạo vào năm tới do tình trạng thiếu hụt đang diễn ra khi sản lượng gạo ở mức thấp hơn so với nhu cầu.

Dự báo của Liên đoàn Nông dân Tự do (FFF) cho biết lượng gạo dự trữ sẽ ở mức âm khoảng 427.000 tấn vào quý III/2023. Sau đó có thể tăng vào cuối năm nhưng chỉ ở mức "không đáng kể" là 321.000 tấn, chỉ đủ dùng trong 9 ngày. 

Chủ tịch FFF cho biết: "Áp lực tăng giá sẽ diễn ra từ tháng 7/2023 vì lượng hàng tồn kho chỉ tương đương với nguồn cung trong một tháng".

Nhóm nông dân cho biết dự trữ gạo giảm do sản lượng gạo năm 2022 thấp trong khi dự kiến nhu cầu lương thực sẽ tăng 1,3% trong năm tới, với mức tăng dân số là 1,3%.

Do đó, nước này có thể cần nhập khẩu ít nhất 3 triệu tấn vào năm tới để giải quyết tình trạng thiếu hụt. "Chúng tôi sẽ cần nhập khẩu từ 3 - 3,4 triệu tấn gạo trong năm tới để có đủ hàng tồn kho trong 90 ngày vào cuối năm 2023", FFF cho biết.

Dữ liệu từ Cục Công nghiệp Thực vật (BPI) cho thấy tính đến ngày 8/12, Philipines đã nhập khẩu 3,54 triệu tấn gạo, tăng 27,8% so với mức gần 2,8 triệu tấn của cả năm 2021.

Việt Nam vẫn là nhà cung cấp gạo hàng đầu của Philippines, chiếm phần lớn trong tổng khối lượng với gần 3 triệu tấn. 


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục