Khi còn giữ chức Phó Tổng thống Mỹ dưới trướng ông Obama, Joe Biden từng hỏi CEO Apple Tim Cook: Tại sao Apple không thể sản xuất iPhone tại Mỹ?
Đó là vào tháng 1/2012, 3 tháng sau cái chết của huyền thoại Steve Jobs và Tim Cook lên giữ chức CEO Apple, đồng thời điểm bộ đôi Obama và Biden đang chuẩn bị cho chiến dịch tái tranh cử nhiệm kỳ mới. Cuộc gặp gỡ ở Palo Alto hôm đó có mặt nhiều nhà lãnh đạo công nghệ kỳ cựu như Giám đốc điều hành Netflix Reed Hastings, Chủ tịch điều hành Google Eric Schmidt và Giám đốc điều hành Facebook Sheryl Sandberg. Tất cả những ai có mặt đều hiểu rằng ý tưởng sản xuất iPhone hay bất kỳ thiết bị điện tử tiêu dùng tiên tiến nào tại Mỹ trên quy mô lớn là một điều khó khăn.
Những nhà sản xuất hợp đồng lớn ở châu Á, đối tác chính của Apple, đã xây dựng nhiều nhà máy quy mô lớn ở Trung Quốc với hàng trăm ngàn lao động lành nghề. Quy mô tương tự với chi phí sản xuất rẻ tương đối tại Mỹ là điều không thể. Người lao động tại Trung Quốc thường làm thêm giờ với mức lương thấp hơn tương đối so với công nhân tại Mỹ.
Rõ ràng, câu hỏi của ông Biden khi đó đã đặt CEO Tim Cook vào một tình thế khó xử. Ông Tim Cook chính là “kiến trúc sư” đứng sau kế hoạch thuê ngoài sản xuất cho Apple tại Trung Quốc. Tất nhiên, không vì thế mà Tim Cook làm mất lòng Biden. Vào cuối năm đó, Cook tuyên bố Apple sẽ bắt đầu sản xuất một số dòng Macbook tại Mỹ.
Nhưng từ đó đến nay, sau 8 năm, sự phụ thuộc của Apple vào Trung Quốc ngày càng lớn - ngay cả dưới nhiệm kỳ Trump, khi ông Trump đắc cử Tổng thống với một chiến lược mạnh tay với Trung Quốc, châm ngòi chiến tranh thương mại và xung đột công nghệ.
Ông Trump kỳ vọng mang việc làm từ Trung Quốc trở lại Mỹ. Những tưởng chiến lược của Trump sẽ đưa CEO Tim Cook vào một vị thế chính trị khó xử hơn, nhưng thực tế là Apple đã phát triển mạnh mẽ dưới thời Trump.
Tháng 8/2018, giá trị thị trường Apple lần đầu vượt ngưỡng 1 nghìn tỷ USD. 24 tháng sau, bất chấp những lời kêu gọi dịch chuyển dây chuyền sản xuất về nước của ông Trump, vốn hoá thị trường Apple tiếp tục vượt mốc 2 nghìn tỷ USD.
Tất cả nhân viên Apple và nhà lãnh đạo các công ty đối thủ đều thừa nhận rằng đây là kết quả từ chính sách quản lý khôn ngoan của Tim Cook. Ông vừa tận dụng quyền lực thị trường của Apple để thu hút những đặc quyền từ cựu Tổng thống Trump, vừa làm hài lòng Bắc Kinh và thúc đẩy doanh thu khổng lồ từ thị trường tỷ dân. Cách xử lý linh hoạt của Tim Cook dưới thời Trump đồng nghĩa rằng ông có thể chèo lái con thuyền Apple thêm mạnh mẽ trong nhiệm kỳ hiện tại của tân Tổng thống Joe Biden. Trong 4 năm tiếp theo tại Nhà Trắng, Tim Cook vừa có thể thúc đẩy sản xuất một số linh kiện tại Mỹ, vừa nâng cao các cam kết quyền riêng tư như một liều thuốc xoa dịu những lo ngại của các nhà lập pháp về vị thế thị trường quá lớn của gã khổng lồ công nghệ này.
Tim Cook bắt đầu bước chân vào Apple từ năm 1998, sau hơn 1 thập kỷ cống hiến cho IBM Corp. và sáu tháng làm việc tại Compaq. Ông làm việc 18 giờ mỗi ngày và gửi email suốt đêm. Không giống như Steve Jobs, Tim Cook chưa bao giờ mơ ước trở thành nghệ sĩ. Cuộc sống của ông về cơ bản xoay quanh công việc. Thời gian rảnh rỗi, người ta thường bắt gặp Cook ở phòng tập thể dục. Nếu nói Steve Jobs thổi hồn vào văn hoá Apple, thì Tim Cook là người biến các sản phẩm Apple thành một xu hướng kinh tế - văn hoá thời thượng như ngày nay khi thúc đẩy sản xuất các dòng sản phẩm đó với số lượng lớn mà không làm “mất giá” thương hiệu nhà Táo Khuyết.
Dưới thời Cook, chuỗi cung ứng toàn cầu của Apple được mở rộng nhưng cải thiện đáng kể so với các phương pháp sản xuất của những đối thủ phân khúc tầm trung như Dell và Compad. Các thương hiệu PC lớn thường thuê ngoài cả sản xuất và thiết kế, dẫn đến dòng laptop giá rẻ thường không có đặc tính đặc biệt. Sự đổi mới quan trọng của Cook nằm ở chỗ buộc các đối tác như Foxconn sản xuất theo thông số kỹ thuật và thiết kế mang tính thẩm mỹ cực kỳ cao mà Jobs và giám đốc thiết kế công nghiệp Jony Ive yêu cầu. Chính tay các kỹ sư của Apple sẽ tạo ra những thiết kế sản phẩm và thiết bị sản xuất chuyên dụng. Họ cũng thường xuyên đi công tác tại Trung Quốc, trực tiếp dành thời gian trong nhà máy để tìm cách cải tiến phần cứng và nâng cao hiệu năng sản xuất.
Tim Cook cũng đặc biệt quan tâm đến thời gian thực hiện. Jon Rubinstein, phó chủ tịch cấp cao phụ trách kỹ thuật phần cứng của Apple từng kể lại một lần “suýt lên cơn đau tim” khi cùng Tim Cook có chuyến thị sát tới Thâm Quyến để tìm nhà máy sản xuất iPod Nano. Chỉ vài tháng sau, một nhà máy với dây chuyền sản xuất lớn đã được hoàn thành tại đây dựa trên sự thúc đẩy quyết liệt từ Tim Cook. “Tại Mỹ, bạn thậm chí khó có thể xin được giấy phép chấp thuận xây dựng trong khoảng thời gian ngắn như vậy” - ông Jon cho hay.
Bên cạnh đó, vấn đề chi phí sản xuất cũng được Tim Cook đặc biệt quan tâm. iPhone 6 ra mắt năm 2014 chính là đứa con tinh thần từ sự cải cách quyết liệt về chi phí sản xuất. Mặc dù iPhone 6 có thành phần linh kiện phức tạp và màn hình lớn hơn, thiết kế của nó đã loạt bỏ các cạnh được đánh bóng và phần kính mặt sau được cắt chính xác - vốn rất khó sản xuất. Ngay cả trụ sở Apple, thiết kế vốn được Steve Jobs trực tiếp phê duyệt, cũng bị Tim Cook và các nhà quản lý Apple mạnh tay cắt giảm chi phí, bao gồm cả mặt kính cong bao quanh tòa nhà mà tờ Wall Street Journal đưa tin ban đầu dự kiến tiêu tốn tới 1 tỷ USD.
Vào ngày 27/1 vừa qua, Apple tuyên bố hiện có hơn 1 tỷ iPhone đang hoạt động trên toàn thế giới. “Đó là một thành tựu xuất sắc của Tim Cook khi điều hướng chuỗi cung ứng của Apple tại thời điểm căng thẳng công nghệ Mỹ - Trung lên cao. Nếu bạn nhìn lại vài năm qua, bạn sẽ thấy nhiều nhà đầu tư từng bi quan về tương lai của Apple và cho rằng gã khổng lồ công nghệ này rồi sẽ bị cuốn vào xung đột” - nhà phân tích Dan Ives của Wedbush Securities Inc. nhận định. Ông Dan Ives dự đoán vốn hoá thị trường của Apple có thể chạm ngưỡng 3 nghìn tỷ USD trong 12 tháng tiếp theo.
Tất nhiên, ngay cả khi Tim Cook nỗ lực đa dạng hoá chuỗi cung ứng của Apple, sự phụ thuộc của nó vào Trung Quốc vẫn ngày càng lớn. Cách duy nhất để thúc đẩy nền kinh tế theo quy mô và tính nhất quán trong sản xuất là tập trung ngày càng nhiều sản lượng sản xuất của Apple vào các khu vực như Thâm Quyến - vốn được mệnh danh là “thung lũng Silicon của Trung Quốc”. Vào tháng 11 năm 2019, một năm trước cuộc bầu cử Tổng thống 2020, Trump đã bay đến Austin để gặp Tim Cook và tham quan nhà máy Mac Pro của Apple. Khi đó, Tim Cook đã gọi Mac Pro, chiếc máy tính trị giá 5.999 USD chuyên dụng là “một ví dụ về thiết kế của Mỹ, sản xuất tại Mỹ, thể hiện sự khéo léo của người Mỹ”.
Tại một thời điểm khác, truyền thông bắt được hình ảnh Trump và Cook kề sát vai nhau thân thiết khi Cook giải thích các thành phần của máy tính còn Trump gật đầu tán thành. CEO Apple nhấn mạnh rằng nhiều bộ phận máy tính được sản xuất tại những nơi như Arizona và Pennsylvania - các bang xoay quanh trọng điểm nơi Trump đã hứa mang lại nhiều việc làm trong lĩnh vực sản xuất. Trump thì nhắc đến nhà máy như sự hoàn thành một cam kết trong lời hứa tranh cử. “Tôi đã nói một ngày nào đó chúng ta sẽ thấy Apple xây dựng các nhà máy ở quê hương Mỹ, không phải ở Trung Quốc. Và đó là những gì đang xảy ra. Tất cả đều đang trở thành hiện thực. Đó là giấc mơ của người Mỹ ”. Nhưng Tim Cook đã không đề cập đến một sự thật hiển nhiên, rằng nhà máy này đã hoạt động được 6 năm, trước cả khi Trump kêu gọi Tim Cook dịch chuyển dây chuyền cung ứng của Apple về Mỹ.
Cook sẵn sàng làm những gì cần thiết để bảo vệ chuỗi cung ứng tập trung vào Trung Quốc của Apple, ngay cả khi điều đó có nghĩa là dồn Trump vào tình thế “tung tin giả”. Trump từng nói trên tờ Wall Street Journal vào giữa năm 2017 rằng ông kỳ vọng Apple sẽ xây dựng 3 nhà máy tại Mỹ, nhưng Apple từ chối phản hồi về tin tức này. Trump cũng từng tweet sẽ thúc đẩy một nhà máy sản xuất lớn của Apple tại Texas, và Apple cũng lặng thinh. Thực tế, nhà máy ở Texas đã hoạt động từ lâu, nhưng bản thân nhà máy này là một nỗi thất vọng. Một cựu quản lý cấp cao cho biết: “Đó là một thử nghiệm để chứng minh rằng chuỗi cung ứng của Mỹ có thể hoạt động tốt như của Trung Quốc, nhưng nó đã thất bại thảm hại”.
Tim Cook ý thức rõ ràng rằng chính sách mạnh tay với Trung Quốc của Trump có thể làm tổn thương Apple, vậy nên ông đã khéo léo sử dụng sức mạnh thị trường của Apple hay những lời hứa nước đôi với Tổng thống để giành lấy cho Apple một vị thế tốt. Một cựu quan chức cấp cao của chính quyền Trump cho biết: “Tim đã rất giỏi trong việc vẽ ra con đường sáng cho Tổng thống, vì Apple là một thương hiệu tiêu dùng mang tính biểu tượng”. Còn tất nhiên, thực tế thì khác hoàn toàn.
Khó mà tưởng tượng được Tim Cook đã thành công trong việc xây dựng mối quan hệ thân thiết đến thế với Trump, bởi CEO Apple từng ủng hộ bà Hillary Clinton trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016. Tim Cook không đồng tình với cách tiếp cận của Trump trong vấn đề nhập cư, phân biệt chủng tộc và biến đổi khí hậu. Nhưng ông đã tham dự mọi hội nghị thượng đỉnh CEO do Trump khởi xướng, có mặt tại nhiều bữa tối ở Nhà Trắng, đặt chỗ tại các CLB golf của Tổng thống ở Bedminster hay giữ mối quan hệ thân thiết với các thành viên gia đình Trump như con gái Ivanka và con rể Jared Kushner. Gary Cohn, cố vấn kinh tế chính của Trump, ước tính rằng cho đến năm 2018, Cook đến Washington từ bốn đến sáu tuần một lần. “Ông ấy đã biến nó thành một phần trong chương trình nghị sự của mình”.
Thực tế là “màn kịch” của Tim Cook với Trump đã mang về cho Apple những lợi ích chính trị lớn. Vào tháng 9/2019, Tổng thống Trump quyết định miễn trừ phần lớn thuế nhập khẩu nhiều bộ phận quan trọng cho Mac Pro. Trong chuyến tham quan nhà máy của Apple tại Austin vào tháng 11/2019, Trump tiếp tục tuyên bố sẽ xem xét giảm thuế quan nhiều hơn cho hàng loạt sản phẩm của Apple như iPhone, iPad và Apple Watch.
Đại dịch Covid-19 rõ ràng đã đặt Apple vào một tình thế mới khi chuỗi cung ứng phụ thuộc phần lớn vào Trung Quốc lộ rõ nhiều nhược điểm. Minh chứng rõ ràng nhất: nhà máy Foxconn tại đại lục đóng cửa vì đại dịch hồi đầu năm 2020 đã buộc Apple lùi ngày ra mắt dòng iPhone mới. Apple hiện đang thúc đẩy dịch chuyển một số dây chuyền AirPods sang Việt Nam và iPhone sang Ấn Độ.
Việc đa dạng hóa sản xuất trên quy mô lớn hơn có thể sẽ mất nhiều năm, nhưng được dự đoán là một xu hướng tất yếu. Nhất là khi Tim Cook đối diện với hàng loạt áp lực giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc do hàng loạt vấn đề như kiểm duyệt, điều kiện lao động tại các nhà máy ở đại lục. Tuy nhiên, ít nhất cho đến thời điểm hiện tại, một nhà quản lý kỳ cựu ở Apple cho hay: “Không có cách nào rời khỏi Trung Quốc lúc này, đặc biệt với khối lượng sản xuất khổng lồ của Apple”.