Tín dụng tiêu dùng: "Ế" vốn cũng không thể cho vay bằng mọi giá

26/08/2020 09:21 GMT+7
Dù được Thống đốc Lê Minh Hưng “bật đèn xanh” thúc đẩy tín dụng tiêu dùng song theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, mức độ tăng trưởng của lĩnh vực này đến đâu phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Các ngân hàng phải cân đối giữa lợi nhuận và rủi ro. Dù “ế” vốn cũng không thể cho vay bằng mọi giá.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã có chỉ đạo các tổ chức tín dụng, đặc biệt là công ty tài chính tiêu dùng, triển khai mạnh mẽ các gói tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân với mức lãi suất hợp lý trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

NHNN thúc đẩy tín dụng tiêu dùng trong dịch Covid-19

Văn bản chỉ đạo nói trên được Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng ban hành trong văn bản số 5596 /NHNN-VP, yêu cầu toàn ngành ngân hàng triển khai nhiệm vụ trong nửa cuối năm, dưới diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã và đang tác động tiêu cực lên nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.

Theo đó, các TCTD nói chung và các công ty tài chính cho vay tiêu dùng, Agribank nói riêng cần triển khai mạnh mẽ, hiệu quả các chương trình, sản phẩm tín dụng tiêu dùng với lãi suất hợp lý. Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và chỉ đạo của NHNN trong cho vay tiêu dùng.

Rà soát, hoàn thiện các quy định nội bộ và tăng cương kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật và quy định nội bộ của TCTD. Đổi mới, cải cách mạnh mẽ thủ tục cấp tín dụng và dịch vụ ngân hàng; đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian thẩm định cho vay nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật.

NHNN cũng yêu cầu các công ty tài chính cho vay tiêu dùng, các quỹ tín dụng nhân dân thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về huy động, cho vay, thu nợ, bảo đảm minh bạch, an ninh, an toàn hoạt động.

Cho vay tiêu dùng dễ hay khó?

Việc thúc đẩy cho vay tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay theo yêu cầu của Thống đốc NHNN cũng không quá bất ngờ bởi trong không ít phiên họp của Chính phủ và các Bộ ban ngành trong thời gian qua đã xác định, tiêu dùng là một trong ba động lực quan trọng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế giai đoạn hiện nay và trong thời gian tới. Không chỉ là động lực tăng trưởng kinh tế mà tín dụng tiêu dùng cũng góp phần quan trọng giúp các ngân hàng duy trì lợi nhuận trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Trên thực tế, tín dụng tiêu dùng đã trở thành thế mạnh của một số ngân hàng trong thời gian qua. Đơn cử như tại VIB, 85% dư nợ là cho vay cá nhân mua nhà, ô tô đã giúp cho thu nhập từ hoạt động tín dụng của VIB tăng trưởng 24% trong quý II/2020, cho thấy ngân hàng này đang khai thác hiệu quả lĩnh vực cho vay tiêu dùng.

Theo chia sẻ của lãnh đạo VIB, trong thời gian tới ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh cho vay mua nhà, ô tô và tập trung vào phân khúc khách hàng có chất lượng, có tài sản đảm bảo tốt, có tiềm năng sử dụng nhiều sản phẩm của ngân hàng.

Hay như tại Techcombank, lãnh đạo ngân hàng này cho biết, sẽ tiếp tục tập trung cho vay phân khúc khách hàng người mua nhà ở. Trong đó cho vay mua nhà chiếm 44% cơ cấu dư nợ bán lẻ.

Tín dụng tiêu dùng: "Ế" vốn cũng không thể cho vay bằng mọi giá - Ảnh 2.

Tín dụng tiêu dùng có tăng trưởng hay không còn phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường

Tuy nhiên, nếu xét trên bình diện chung, không dễ tăng được tín dụng tiêu dùng trong năm nay. TS. Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho hay, mức độ tăng trưởng đến đâu phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của nền kinh tế.

Thực tế, nhu cầu vay tiêu dùng của người dân đang rất thấp vì kinh tế khó khăn, việc làm bấp bênh, thu nhập giảm do dịch bệnh. Vì vậy, các ngân hàng, công ty tài chính có muốn cho vay cũng không dễ. Mặt khác, việc đẩy vốn ra thị trường nhưng không hạ chuẩn cho vay, kiểm soát không phát sinh nợ xấu là yêu cầu tiên quyết. Nếu không, nợ xấu sẽ tăng rất nhanh.

Ủng hộ định hướng khuyến khích cho vay tiêu dùng của NHNN, nhưng TS. Võ Trí Thành - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, tín dụng tiêu dùng có tăng trưởng hay không còn phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, chỉ sự nỗ lực cho vay của các ngân hàng, công ty tài chính chưa đủ để kích thích tín dụng tiêu dùng.

Để việc kích thích cho vay tiêu dùng có hiệu quả, cần sự phối hợp của nhiều chính sách, trong đó có chính sách tài khóa. Ví như, muốn kích thích vay tiêu dùng phải làm sao để đảm bảo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động. 

Theo đó, cần phải đẩy nhanh thực hiện gói an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng, đồng thời có thể xem xét đưa ra các gói vay mua nhà ở xã hội với lãi suất thấp và có sự hỗ trợ lãi suất của nhà nước... "Khuyến khích các ngân hàng cho vay tiêu dùng mạnh, nhưng NHNN phải giám sát các chuẩn mực tín dụng đối với các khoản vay tiêu dùng", TS. Thành lưu ý.

TS. Nguyễn Trí Hiếu bổ sung, dù tín dụng tiêu dùng mang khả năng sinh lời cao cho các ngân hàng vì NIM cao hơn cho vay sản xuất kinh doanh nhưng các ngân hàng không dám liều lĩnh cho vay. Bởi nếu cho vay dưới chuẩn, các ngân hàng sẽ đối mặt với rủi ro nợ xấu do ảnh hưởng có tính dây chuyền từ doanh nghiệp, nền kinh tế. Do đó, các ngân hàng phải cân đối giữa lợi nhuận và rủi ro. "Dù "ế" vốn cũng không thể cho vay bằng mọi giá", TS. Hiếu khuyến nghị.



Huyền Anh
Cùng chuyên mục