Tỉnh nào ở Tây Nguyên vươn lên dẫn đầu tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực, có khu du lịch "vạn người mê"?
Kon Tum đi lên từ vùng đất khó
50 năm chỉ là dấu chấm nhỏ trong sự vô tận của thời gian nhưng với tỉnh Kon Tum, đây là 1 cuộc hành trình dài đầy gian nan để vươn mình phát triển, tạo nên vóc dáng lớn và đầy tự hào ở Tây Nguyên.

Lật lại cuộc hành trình đã qua của Kon Tum có thể thấy, cũng như nhiều tỉnh thành khác xuất phát điểm của Kon Tum gần như bằng 0 và được xem là “em út” của khu vực Tây Nguyên.
Cựu chiến binh Trần Thanh Bình, ở tổ 1, phường Quyết Thắng, TP.Kon Tum nhớ lại, tại thời điểm sau khi đất nước được giải phóng và độc lập hoàn toàn, kinh tế của Kon Tum lúc bây giờ gần như chỉ là nông nghiệp và chủ yếu độc canh cây lúa, với cách sản xuất trọc tỉa trên nương rẫy để tự cung lương thực.
Ngay cả hàng chục năm sau đó cùng khó khăn do đặc thù của một địa phương vùng miền núi và những nguyên nhân khác, đối với nhiều người dân ở trung tâm huyện, thị thì 1 bữa ăn có cá, thịt thôi cũng đã là quá xa xỉ và chỉ có trong giấc mơ.

Thế nhưng tất cả giờ đã trở thành quá khứ, đặc biệt là từ khi thành lập tỉnh vào năm 1991 đến nay, nhờ sự quan tâm đầu tư của Trung ương; nỗ lực của của người dân và chính quyền cùng các cấp ngành trong tỉnh, Kon Tum từng bước vươn mình phát triển để tự “may” cho mình một chiếc áo mới ngày một đẹp và khang trang.
Từ chỗ bữa ăn mà cơm, thịt là “xa xỉ”; cây trồng gần như độc canh là lúa; giao thông phần lớn là đường đất, cấp phối; “điện như đóm”; thiếu trường, trạm…Kon Tum hiện đã “thay da đổi thịt” đang trở thành tỉnh năng động, nhiều sáng tạo trong phát triển kinh tế xã hội.
Hạ tầng điện, đường, trường, trạm phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân ngày hoàn thiện và đầy đủ; ngõ cụt giao thông đã bị phá bỏ.

Cơ cấu chuyển đổi cây trồng, ứng dụng KHKT phát triển mạnh mẽ; tiềm năng và lợi thế từng bước được phát huy trở thành các mũi nhọn kinh tế của địa phương.
Kon Tum: “Cánh chim đầu đàn” tốc độ tăng trưởng kinh tế của Tây Nguyên
Theo chính quyền Kon Tum năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP theo giá so sánh 2010) ước khoảng 20.255 tỷ đồng, đạt 97,19% kế hoạch; tốc độ tăng trưởng 8,02%, đạt 97,8% kế hoạch (chỉ tiêu giao 8,2%), đứng thứ 24 cả nước và thứ nhất Khu vực Tây Nguyên.

Trong đó Nông - Lâm - Thủy sản tăng 5,97%, Công nghiệp - Xây dựng tăng 11,73%, Thương mại - Dịch vụ tăng 6,97%; GRDP bình quân đầu người khoảng 68,15 triệu đồng, đạt 106,98% và tăng 8,95 triệu đồng so với năm 2023 (59,2 triệu đồng).
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 30.000 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch và tăng 29,62% so với cùng kỳ, trong đỏ vốn đầu tư từ khu vực tư nhân là 22.500 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch và tăng 31,1% so với cùng kỳ.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn khoảng 4.425 tỷ đồng, đạt 136% dự toán Trung ương giao và bằng 96,2% kế hoạch.



Một kết quả nổi bật khác của Kon Tum nữa đó là hiện trên địa bàn đã và đang hình thành "cánh đồng lớn", vùng sản xuất tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Hiện Kon Tum đã công nhận 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đồng thời xác định được thêm 10 vùng có tiềm năng; các loại cây trồng chủ lực tiếp tục được chú trọng phát triển.
Đến nay tổng diện tích cây cà phê của Kon Tum khoảng 31.550 ha, trong đó cà phê xứ lạnh 4.331 ha; cao su khoảng 81.614 ha; cây Mắc ca khoảng 4.142 ha; cây ăn quả khoảng 12.568 ha…
Đặc biệt sâm Ngọc Linh hiện diện tích đạt khoảng 2.922 ha và cây dược liệu khác khoảng 10.430 ha.


Năm 2024, Kon Tum có 53 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 8 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đến nay, toàn tỉnh có 249 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên còn hiệu lực, 1 sản phẩm đạt 5 sao, 8 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 19 sản phẩm đạt 4 sao và 221 sản phẩm 3 sao.
Ngành du lịch Kon Tum tiếp tục khởi sắc với nhiều chương trình, hoạt động du lịch, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc thu hút đông đảo du khách đến với tỉnh.

Năm 2024 Kon Tum đã thu hút được khoảng 2,3 triệu lượt khách, đạt 135,3% kế hoạch, tăng 53,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách quốc tế khoảng 8.000 lượt, đạt 123,08% kế hoạch.
Riêng
thủ phủ du lịch huyện Kon Plông mà tâm điểm là Măng Đen, đã thu hút được 1,2
triệu lượt khách.