Tổng thống Donald Trump "dằn mặt" Bắc Kinh: "Không cần thỏa thuận với Trung Quốc trước bầu cử"
Phái đoàn Trung Quốc hủy chuyến thăm nông trại Mỹ, về nước sớm
Việc phái đoàn Trung Quốc trở về nước sớm hơn dự định đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ tụt điểm, làm giảm sự lạc quan vào đàm phán Mỹ Trung diễn ra vào đầu tháng 10 tới. Ông Nicole Rolf, Giám đốc Liên đoàn nông nghiệp Montana cho hay phía Trung Quốc đã không đưa ra lời giải thích vì sao họ hủy chuyến thăm nông trại đã được lên lịch sẵn. Liên đoàn nông nghiệp bang Nebraska cũng cho biết các quan chức Trung Quốc đã hủy chuyến thăm trang trại bang này.
Trước đó, hôm 19/9, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue xác nhận rằng các cuộc tham vấn đang diễn ra một cách tốt đẹp và phái đoàn Trung Quốc sẽ ghé thăm các nông trại Mỹ như một cử chỉ thiện chí của Bắc Kinh với nông dân Mỹ. Phái đoàn Trung Quốc trong đó có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Hàn Tuấn đã lên kế hoạch cho các chuyến thăm nông trại tại Bozeman, Montana, Omaha và Nebraska. Nhưng rồi phía Trung Quốc đã không thực hiện thiện chí đó.
Việc phái đoàn Thứ trưởng hủy các chuyến thăm nông trại Mỹ đã dập tắt kỳ vọng Trung Quốc sẽ tăng mua nông sản Mỹ, điều mà Tổng thống Donald Trump từng nhiều lần ca thán.
Trung Quốc đã góp khoảng 5,9 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản Mỹ năm 2018, theo số liệu từ Cục Điều tra Dân số & Kinh tế Mỹ. Nước này là nhà nhập khẩu đậu nành Mỹ lớn nhất thế giới, với lượng nhập khẩu chiếm tới 60% kim ngạch xuất khẩu đậu nành của Mỹ hồi năm ngoái.
Sau động thái về nước sớm của phái đoàn Thứ trưởng Trung Quốc, tờ Tân Hoa Xã đưa tin Trung Quốc và Mỹ đã có các cuộc thảo luận "mang tính xây dựng" về vấn đề thương mại tại Washington. "Hai nước đồng ý tiếp tục liên lạc để trao đổi các vấn đề liên quan cũng như thảo luận chi tiết về vòng đàm phán thương mại đầu tháng 10 tới". Tân Hoa Xã không đề cập nội dung tham vấn tại Washington.
Về phía Mỹ, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ chỉ ra một tuyên bố vắn tắt cho biết đàm phán Mỹ Trung sẽ chính thức diễn ra vào tháng 10 như dự kiến trước đó. Tuy nhiên, một nguồn tin bên lề của CNBC cho hay phái đoàn Trung Quốc đã không đưa ra bất kỳ đề xuất mới nào để giải quyết những xung đột thương mại cơ bản như quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc, trợ cấp công nghiệp và nhiều rào cản thương mại khác.
Vòng đàm phán diễn ra vào tháng 10 sẽ bao gồm các quan chức hàng đầu của hai nước như Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Câu hỏi đặt ra là liệu hai bên có đạt được những tiến bộ đột phá về một thỏa thuận thương mại hay sẽ tiếp tục áp thuế lên hàng hóa của nhau và kéo dài xung đột thương mại dai dẳng hơn một năm nay?
Theo các chuyên gia thương mại, ngay cả khi Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận thương mại tạm thời trên bàn đàm phán vào tháng 10 tới, thì thương chiến Mỹ Trung đã biến tướng thành cuộc chiến tranh chính trị với ý thức hệ sâu sắc, và nhiều khả năng sẽ mất cả thập kỷ để giải quyết.
Tổng thống Donald Trump "dằn mặt" Bắc Kinh: "Không cần thỏa thuận với Trung Quốc trước bầu cử"
Ngay sau khi phái đoàn Trung Quốc về nước sớm, Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng dằn mặt chính quyền Tập Cận Bình khi tuyên bố ông không cần đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 để có cơ hội tái đắc cử.
"Không, tôi không nghĩ rằng tôi cần một thỏa thuận trước bầu cử" - Donald Trump nói trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng. "Tôi nghĩ rằng công chúng đều biết chúng tôi đang làm rất tốt. Trung Quốc gánh chịu hậu quả nặng nề, còn Mỹ thì không". Nói về mối quan hệ từng rất bền chặt với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Trump tiết lộ: "Giờ đây, chúng tôi đang có một chút "lật mặt" nhau".
Tổng thống Donald Trump cũng khẳng định ông không muốn một thỏa thuận tạm thời với Bắc Kinh, dù hồi tuần trước ông từng cho hay sẽ xem xét khả năng này. "Chúng tôi trông đợi một thỏa thuận toàn diện, không phải một thỏa thuận tạm thời".
Trong "canh bạc" với Bắc Kinh lần này, ông Trump chơi tất tay, hoặc thỏa thuận toàn diện hoặc không gì cả. Trong bối cảnh phái đoàn Trung Quốc hủy chuyến thăm nông trại Mỹ, việc Trump tuyên bố không cần thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh trước bầu cử đã thể hiện quan điểm cứng rắn không nhượng bộ của Washington.
Hồi tuần trước, Donald Trump từng tuyên bố trên Twitter rằng Trung Quốc sẽ mua một lượng lớn nông sản Mỹ. Đó là khi các công ty tư nhân Trung Quốc đặt đơn hàng 600.000 tấn đậu nành, hợp đồng lớn nhất kể từ tháng 6/2019 đến nay. Nhưng giờ đây, phái đoàn Trung Quốc dường như muốn thể hiện điều ngược lại.
Với những diễn biến mới đây, có vẻ xung đột thương mại Mỹ Trung sẽ mất thêm một chặng đường dài để đi đến hồi kết.