Tổng thống Donald Trump yêu cầu FED hạ lãi suất xuống mức âm, chuyên gia can ngăn
Trump kêu gọi FED giảm lãi suất xuống mức...âm
Trong những dòng tweet của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí gọi các quan chức FED là "những kẻ đần độn", chịu hoàn toàn trách nhiệm cho việc nền kinh tế Mỹ lao dốc. “FED sẽ cắt giảm lãi suất xuống mức 0 hoặc thậm chí là âm. Chúng ta sẽ tiếp tục vay để thanh toán các khoản nợ. Khi đó, tiền lãi vay sẽ giảm xuống và thời hạn vay thì tăng lên đáng kể", ông Trump viết.
“Lạm phát không đạt mức mục tiêu. Powell và FED quá ngây thơ khi ngăn cản nước Mỹ tham gia cuộc chơi theo đúng cái cách những quốc gia khác đang làm. Cơ hội chỉ đến một lần trong đời, và người Mỹ đang bỏ lỡ chúng vì những kẻ đần độn này”.
Phát ngôn viên của FED hiện từ chối bình luận về những lời lẽ quá khích của Tổng thống.
So với những phát ngôn chỉ trích trước đó, động thái mới đây của ông Trump cho thấy một quan điểm mạnh mẽ hơn hẳn. Ông không chỉ đề nghị FED giảm sâu lãi suất, mà còn gợi ý đưa lãi suất xuống mức âm để giải quyết tạm thời các khoản nợ cũ. Mỹ hiện đang gánh trên lưng khoản nợ công khổng lồ 22,5 nghìn tỷ USD, tăng 2,6 nghìn tỷ USD tức 13% trong nhiệm kỳ của Trump. Sự gia tăng của nợ công được đổ lỗi một phần cho chiến dịch cắt giảm thuế quy mô lớn mà ông Trump ban hành thông qua Quốc hội Mỹ năm 2017.
FED nên cắt giảm, nhưng không phải mức âm
Ý tưởng dùng nợ mới để đáo nợ cũ, giải quyết vấn đề nợ cũng được nhận xét là táo bạo và chưa từng có tiền lệ. Mark Zandi, nhà kinh tế từ Moody’s Analytics khẳng định giải pháp này là không khả thi và có thể tạo thành mối quan ngại đặc biệt với những nhà đầu tư, hệ thống tài chính và cả nền kinh tế nói chung.
“Không thể trả trước nợ trái phiếu. Nó như một hợp đồng kỳ hạn được lập giữa kho bạc Nhà nước và các nhà đầu tư, tương tự một khoản nợ của Kho bạc Mỹ”, Mark Zandi phân tích.
Có một lý do khác khiến FED không bao giờ chấp nhận đẩy lãi suất về mức 0. Cắt giảm lãi suất là công cụ ưa thích của các ngân hàng Trung Ương khi đối diện với rủi ro suy thoái. Nếu lãi suất nằm ở vạch 0, FED có thể làm gì nếu một viễn cảnh suy thoái thực sự xảy đến - ông Mark Zandi đặt câu hỏi.
Một nhà phân tích tài chính đến từ Bankrate, ông Greg McBride đúc kết: “Lãi suất 0% không phải liều thuốc chữa bách bệnh cho nền kinh tế”.
Đồng quan điểm với Greg, nhà đầu cơ Jim Cramer từ CNBC nhận định chủ tịch FED Jerome Powell nên cắt giảm lãi suất hơn nữa, nhưng không phải mức lãi suất âm như ông Trump đề xuất.
“Lãi suất âm ư? Không, thị trường không cần lãi suất âm. Đó chỉ là một dấu hiệu thể hiện sự suy yếu của nền kinh tế Mỹ mà thôi.” Jim Cramer cũng chỉ ra những ví dụ về các ngân hàng Trung Ương đang có ý định cắt giảm lãi suất hoặc nới lỏng chính sách tiền tệ, như Ngân hàng Châu Âu ECB là một ví dụ điển hình.
Nhà đầu cơ Jim Cramer: "Thị trường không cần lãi suất âm!"
Ủy ban thị trường mở FOMC thuộc FED sẽ họp vào 17-18/9 tới đây để thảo luận vấn đề lãi suất sau động thái cắt giảm 0,25% hồi tháng 7, lần đầu tiên cắt giảm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Thị trường hiện định giá 91,5% cơ hội FED cắt giảm lãi suất trong tháng 9, theo công cụ đo lường FedWatch.
Dù chủ tịch FED Jerome Powell mới đây khẳng định ông ít nhìn thấy viễn cảnh suy thoái của nền kinh tế Mỹ, nhưng có nhiều lý do hơn thế để FED tiến hành hạ lãi suất. Mức thuế tăng từ 25% lên 30% với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực vào 15.10 tới đây, cùng với mức thuế 15% áp lên 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại vào 15.12 chắc chắn sẽ là những đòn giáng nặng nề vào người tiêu dùng, doanh nghiệp Mỹ. Nhất là khi trong số các mặt hàng mới bị áp thuế, hàng tiêu dùng chiếm tỷ trọng lớn.
Đầu tháng 10 tới, Mỹ và Trung Quốc sẽ chính thức tái khởi động vòng đàm phán thương mại với hy vọng đạt được những bước tiến đột phá. Nhưng nên nhớ, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow, một trong những cố vấn thân cận nhất của ông Trump đã cảnh báo rằng xung đột Mỹ Trung có lẽ sẽ cần tới cả thập kỷ để giải quyết triệt để.