Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: FUEVN100 của VinaCapital giảm mạnh sau hơn 1 tuần niêm yết
Kết thúc tuần giao dịch 27-31/7, VN-Index dừng ở mức 789,39 điểm, giảm 30,77 điểm (-3,71%) so với tuần trước. Diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của nhà đầu tư. Nhiều nhóm cổ phiếu như ngân hàng, bất động sản, thực phẩm, dệt may… đều bị bán khá mạnh. Các mã ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index là VCB, SAB và VNM khi lần lượt giảm 5,7%, 7,2% và 3,7%. HNX-Index giảm 1,82 điểm (-1,66%) xuống 107,51 điểm.
Giảm giá
Thị trường xuất hiện tình trạng bán tháo ở phiên giao dịch đầu tuần đã khiến cho nhiều cổ phiếu giảm sàn. Mặc dù thị trường hồi phục ở một vài phiên tiếp theo nhưng đủ để giúp các cổ phiếu lấy lại những phần đã mất.
Trên HoSE, chứng chỉ quỹ ETF VinaCapital VN100 (HoSE: FUEVN100) giảm mạnh nhất với 28,2%. Trong tuần này, FUEVN100 có 4 trên 5 phiên giảm sàn và đóng cửa tuần ở mức 9.600 đồng/cp. FUEVN100 được niêm yết trên HoSE từ ngày 21/7, khối lượng hơn 5,3 triệu chứng chỉ quỹ với mức giá tham chiếu là 12.540 đồng/cp.
Tiếp theo trong danh sách là DAH của Tập đoàn Khách sạn Đông Á (HoSE: DAH) với 25,5%. Trong tháng 7, DAH có 18 trên 23 phiên giảm sàn, mất 65,5% thị giá dù không có nhiều thông tin tác động. Trong bối cảnh giá cổ phiếu giảm mạnh thì ông Nguyễn Văn Thảo, Phó Tổng giám đốc đăng ký mua 1,5 triệu cổ phiếu DAH. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận từ 23/7 đến 21/8.
SJF của Đầu tư Sao Thái Dương (HoSE: SJF) giảm 22,1%. Trước đó, Đầu tư HAFA liên tục bán ra tổng cộng gần 6,5 triệu cổ phiếu SJF, giảm lượng sở hữu từ hơn 9,72 triệu cổ phiếu (12,27%) xuống còn hơn 3,22 triệu cổ phiếu (4,08%) và không còn là cổ đông lớn của Sao Thái Dương. Thời gian giao dịch là từ 29/6 đến 2/7. Cổ phiếu SJF bắt đầu giảm mạnh từ 16/6 đến nay và mất 55,3% giá trị.
Đối với HNX, PJC của Thương mại và Vận tải Petrolimex Hà Nội (HNX: PJC) giảm 25,7%. Năm 2020, công ty đặt mục tiêu doanh thu 755,3 tỷ đồng, giảm 35,3% so với thực hiện năm 2019. Lợi nhuận sau thuế giảm 25,8%, xuống 17,13 tỷ đồng. Công ty sẽ chốt danh sách cổ đông để thực hiện chi trả cổ tức năm 2019 tỷ lệ 7% bằng tiền. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 4/8.
TMX của VICEM Thương mại Xi măng (HNX: TMX) giảm 24,7%. Trước đó, ngày 2/7, America LLC đã bán 1.400 cổ phiếu, giảm số lượng cổ phiếu nắm giữ còn 479.090 đơn vị (7,98%). Sau đó 1 ngày, ông Nguyễn Phan Ngọc Minh đã mua 1.500 cổ phiếu, nâng tỷ lệ nắm giữ từ 6% lên 6,02%. Cổ phiếu TMX có mức thanh khoản khá thấp, khối lượng khớp lệnh trung bình chỉ đạt 100 cổ phiếu/phiên.
TVC của Tập đoàn Quản lý Tài sản Trí Việt (HNX: TVC) mất 24,4%. Doanh nghiệp sẽ phát hành hơn 3,8 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.TVC đã giảm gần 80%, từ mức giá 33.800 đồng/cp (29/5) xuống 6.800 đồng/cp (31/7). Mới đây, Công ty TNHH MTV Tùng Trí Việt, người có liên quan đến Chủ tịch HĐQT tiếp tục đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu TVC sau khi đã mua 500.000 đơn vị. Thời giao giao dịch dự kiến từ 27/7 đến 21/8.
Tại UPCoM, HSM của Hanosimex (UPCoM: HSM) giảm 40% sau 1 phiên do cổ phiếu này đã có 25 phiên liên tiếp không xuất hiện giao dịch. Quý II, công ty ghi nhận doanh thu gần 233,6 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 274 triệu đồng trong khi cùng kỳ lỗ hơn 3,6 tỷ đồng.
PTX của Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Nghệ Tĩnh (HNX: PTX) hay SD8 của Sông Đà 8 (UPCoM: SD8)… đều giảm khá mạnh với mức thanh khoản rất thấp. Trên thị trường không có nhiều thông tin tác động lên cổ phiếu trong giai đoạn này.
Tăng giá
Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu đi ngược lại xu hướng chung của thị trường và có mức tăng khá ấn tượng. Đối với HoSE, DAT của Đầu tư Du lịch và Phát triển Thủy sản (HoSE: DAT) tăng 39,6%. DAT đã có trọn vẹn 5 phiên tăng trần. Tính rộng ra, cổ phiếu này đã tăng trần 31 phiên liên tiếp, từ mức giá 6.820 đồng/cp (18/6) lên 53.800 đồng/cp (31/7). 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu gần 955 tỷ đồng, giảm 8,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế giảm 31,5%, xuống 18,5 tỷ đồng. Với kết quả này, doanh nghiệp đã hoàn thành 47,75% kế hoạch doanh thu và 46,25% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
GIL của Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (HoSE: GIL) tăng 13,8%. Doanh thu quý II của GIL là 916 tỷ đồng, tăng 68,7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 60,5 tỷ đồng tăng 102% so với cùng kỳ tương đương EPS đạt 2.681 đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, GIL đạt 1.638 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 50,6% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 103,3 tỷ đồng tăng 65,3% so với nửa đầu năm 2019. Với kết quả này, GIL đã hoàn thành 82% mục tiêu về doanh thu và cơ bản đã hoàn thành được kế hoạch về lợi nhuận.
Trên HNX, DNM của Tổng Công ty cổ phần Y tế Danameco (HNX: DNM) tăng mạnh nhất với 60%. Danameco đã có 5 phiên tăng trần trong tuần này. Danameco chuyên sản xuất khẩu trang, trang phục chống dịch… sản phẩm có nhu cầu cao trong thời buổi dịch bệnh bùng phát. Công ty thông báo doanh thu quý II tăng 383% lên 239 tỷ đồng, lãi ròng 17,4 tỷ đồng, gấp 6,7 lần cùng kỳ năm trước.
Lũy kế nửa đầu năm, Danameco sản xuất khẩu trang có doanh thu gấp 4,1 lần đạt 366 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gấp 8,5 lần cùng kỳ đạt 25,5 tỷ đồng. Với kết quả này đơn vị đã vượt 5% kế hoạch lợi nhuận năm.
NRC của Bất động sản Netland (HNX: NRC) tăng 22,4%. Công ty sẽ thực hiện chi trả cổ tức năm 2019 bằng tiền, tỷ lệ 5%. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 30/7.
Đối với UPCoM, G20 của Đầu tư Dệt may G.Home (UPCoM: G20) tăng 50%. Cổ phiếu G20 bị hạn chế giao dịch trên UPCoM do chậm công bố thông tin quá 45 ngày so với thời gian quy định chung đối với báo cáo tài chính năm 2019 đã được kiểm toán và không có biện pháp khắc phục.
Các cổ phiếu khác như ATA của NTACO (UPCoM: ATA) tăng 49,3%, SRB của Tập đoàn Sara (UPCoM: SRB) tăng 48,5%... nhưng đều có mức thanh khoản thấp và không có nhiều thông tin hỗ trợ.