TP.HCM thí điểm đánh thuế bất động sản thứ 2: Có giảm tình trạng đầu cơ nhà đất?
Theo đó, Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM sau 5 năm triển khai dù đạt được một số kết quả nhưng về cơ bản chưa đạt được mục tiêu đề ra, nhất là cơ chế chính sách để huy động nguồn lực, mà dư địa còn rất lớn cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, TP.HCM muốn được quyết định chính sách thuế thu bổ sung đối với quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất của bất động sản thứ 2 trở lên của người dân.
Theo TP. HCM, mục đích của quy định thu thuế bất động sản thứ 2 là thí điểm chính sách về thuế bất động sản làm cơ sở thực tiễn để xây dựng chính sách chung về sau, đồng thời tăng nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách địa phương, hạn chế tình trạng đầu cơ bỏ hoang nhà ở, đất ở trong các dự án bất động sản hiện nay gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Về tỷ lệ điều tiết ngân sách, TP.HCM đề nghị được giữ nguyên tỷ lệ 21% đến hết năm 2025. Đồng thời, TP.HCM kiến nghị không tính vào mức điều tiết các khoản thu từ thuế và phí áp dụng thí điểm (thuế đất ở, nhà ở thứ 2, các loại phí và mức phí mới) quy định tại nghị quyết này. Theo thành phố, quy định này phù hợp với thông lệ quốc tế khi thuế bất động sản thứ 2 chỉ dùng để đầu tư nâng cao phúc lợi người dân tại chính địa phương nơi phát sinh nguồn thu thuế.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá, việc TP.HCM đề xuất thí điểm thu thuế bất động sản thứ 2 trở lên là đi đúng với dự định đánh thuế tài sản của Bộ Tài chính đã nêu ra suốt thời gian qua.
"Sắc thuế đánh vào bất động sản thứ 2 sẽ có tác động tích cực là hạn chế nguy cơ đầu cơ trên thị trường bất động sản, ngăn chặn nhà đầu tư thứ cấp, giá bất động sản sẽ không bị đẩy lên cao, giúp thị trường ngày càng minh bạch", ông Châu nhận định.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, về lý thuyết việc đánh thuế bất động sản thứ 2 là cần thiết, tuy nhiên để có thể làm được điều đó vẫn còn nhiều "bài toán" phải giải quyết.
"Đầu tiên cần làm là có cơ sở dữ liệu nhà đất một cách toàn diện, thống kê, quản lý tài sản của người dân, để đảm bảo công bằng, tránh tình trạng người có 10 căn nhà nhưng nộp thuế có khi thấp hơn người chỉ có một nhà.
Luật sư Đức cũng cho rằng cần đánh thuế tài sản theo lũy tiến với mức khởi điểm rất thấp. Từ đó mới bảo đảm người càng sở hữu nhiều nhà càng bị đánh thuế cao. Cuối cùng là không nên đánh thuế tất cả mọi người, chỉ đánh vào người có khả năng nộp thuế và nên miễn thuế cho hộ nghèo.
Ngoài ra, TP.HCM cũng mong muốn được phân cấp quyết định các nội dung liên quan đến xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà tái định cư, xử lý chung cư cũ, nhà ở trên, ven kênh rạch hiện nay đang gặp rất nhiều vướng mắc liên quan đến nhiều luật như Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật đất đai cùng các văn bản dưới luật khác nhau.