Việt Nam cắt giảm thuế nhập khẩu ngô, lúa mì và thịt lợn của Mỹ: Các nhà buôn Mỹ kỳ vọng gì?

29/11/2021 08:27 GMT+7
Việt Nam tuyên bố sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu đối một số mặt hàng nông sản đến từ Hoa Kỳ từ 2022 sẽ mở ra cơ hội cạnh tranh ở thị trường châu Á nói chung và thị trường nội địa Việt Nam nói riêng cho các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ.

Điều chỉnh thuế nhập khẩu loạt nông sản của Hoa Kỳ

Ngày 15/11, Việt Nam công bố nghị định điều chỉnh mức thuế nhập khẩu đối với ngô và lúa mì từ các nước tối huệ quốc (MFN). Theo đó, kể từ 30/12/2021, Việt Nam sẽ điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với lúa mì, ngô và thịt lợn của Hoa Kỳ như sau: giảm thuế nhập khẩu ngô từ mức 5% xuống 2%, lúa mì từ 3% xuống còn 0% (miễn thuế). Thuế nhập khẩu thịt lợn đông lạnh cũng sẽ giảm từ 15% xuống 10%, kể từ ngày 1/7/2022.

Cơ hội chưa từng có cho nông sản Mỹ khi Việt Nam đãi ngộ thuế nhập khẩu nông sản - Ảnh 1.

Sản phẩm thịt heo đông lạnh xuất khẩu của Mỹ. Ảnh: Ag Today

Ông Ryan LeGrand, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội đồng ngũ cốc Mỹ cho biết: "Đây là một tin tuyệt vời đối với các sản phẩm của Mỹ, giúp san bằng sân chơi với các đối thủ cạnh tranh từ Biển Đen và các thành viên ASEAN. Công việc của chúng tôi tại Việt Nam, với sự phối hợp của Cục Nông nghiệp nước ngoài thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ, đã giúp hiện thực hóa điều này. Chúng tôi cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã triển khai những bước quan trọng này để làm cho thương mại tự do và công bằng hơn".

Ông Dave Milligan, chủ tịch NAWG và một người trồng lúa mì từ Cass City, cho biết thêm: "Với khoảng một nửa lượng lúa mì sản xuất để xuất khẩu mỗi năm, chúng tôi rất cần được tăng cường khả năng tiếp cận các thị trường như Việt Nam. NAWG ủng hộ các chính sách thương mại hướng tới cơ hội tích cực cho người trồng lúa mì và khách hàng của họ".

Thị trường ngũ cốc và thịt lợn của Việt Nam luôn là giấc mơ của bất cứ nhà nhập khẩu nào nhờ lượng tiêu thụ và nhu cầu rất lớn. Đánh giá nhiều năm cho thấy thịt lợn chiếm đến hơn 70% tổng lượng thịt tiêu thụ của Việt Nam. 

Mặc dù Việt Nam là một trong những quốc gia sở hữu đàn heo lớn nhất Đông Nam Á, nhưng nhu cầu đối với thịt lợn nhập khẩu đã tăng trong hai năm qua do các trang trại bị tàn phá bởi dịch tả lợn Châu Phi.

Cơ hội chưa từng có cho nông sản Mỹ khi Việt Nam đãi ngộ thuế nhập khẩu nông sản - Ảnh 2.

Các nhà xuất khẩu Mỹ kỳ vọng lớn vào thị trường Việt Nam

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, năm 2020, dù thuế nhập khẩu Việt Nam chưa giảm như kì vọng, xuất khẩu ngô, lúa mì và thịt lợn của Hoa Kỳ sang Việt Nam vẫn đạt trị giá 228 triệu USD. Khối lượng mặt hàng ngũ cốc hòa tan mà Việt Nam nhập khẩu đã tăng mạnh trong giai đoạn 2020-2021 và đạt tổng cộng 1,7 triệu tấn, giúp Việt Nam trở thành thị trường lớn thứ hai của các nhà xuất khẩu mặt hàng này của Mỹ.

Chủ tịch Hiệp hội lúa mì Mỹ Darren Padget cho biết, việc loại bỏ thuế quan là quan trọng đối với nông dân Mỹ vì xuất khẩu lúa mì của Mỹ sang Việt Nam chậm hơn nhiều trong năm nay do nguồn cung thiếu hụt và giá tăng. Động thái này diễn ra sau khi Nhà Trắng cuối tháng 8 vừa qua hứa hẹn giúp các nhà sản xuất nông nghiệp Mỹ cải thiện khả năng tiếp cận thị trường Việt Nam.

Việt Nam nhập khẩu trung bình khoảng 4 triệu tấn lúa mì mỗi năm từ các nước. Trong niên vụ 2020-21, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 500.000 tấn lúa mì các loại của Mỹ trị giá 129 triệu USD, đứng thứ hai về khối lượng chỉ sau Australia nhờ việc tạm thời cắt giảm thuế nhập khẩu lúa mì Hoa Kỳ từ 5% xuống 3% vào tháng 7 năm 2020. 

Cơ hội chưa từng có cho nông sản Mỹ khi Việt Nam đãi ngộ thuế nhập khẩu nông sản - Ảnh 3.

Cánh đồng lúa mì ở Hoa Kỳ. Ảnh: Producer

Đối với thịt heo, Mexico là thị trường tiêu thụ thịt lợn lớn thứ 2 của Mỹ. Năm 2020, các nhà xuất khẩu thịt heo đông lạnh của Mỹ đã xuất sang thị trường Mexico hơn 735.000 tấn, trị giá 1,2 tỷ USD nhờ ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada.

Việt Nam là quốc gia tiêu thụ thịt lợn lớn, nhưng đang phải đối phó với dịch tả lợn châu Phi. Điều này khiến nhu cầu nhập khẩu thịt lợn tăng đáng kể. Ngoài hàng rào thuế, thịt lợn Mỹ phải chịu sự cạnh tranh của Canada, EU, Mexico và các quốc gia khác.

Các nhà phân tích của Mỹ đánh giá, Việt Nam có tổng khối lượng tiêu thụ trong năm chắc chắn cao hơn Mexico. Tuy nhiên, hiện ngành công nghiệp thịt heo của Hoa Kỳ chỉ xuất khẩu được khoảng 25.000 tấn thịt heo trị giá 54 triệu USD sang Việt Nam năm 2020. Kết quả xuất khẩu thịt heo Mỹ vào Việt Nam đạt kết quả chưa tương xứng tiềm năng được cho là do điều kiện về hàng rào thuế quan và phi thuế quan của Việt Nam đối với thịt lợn của Hoa Kỳ chưa đủ thuận lợi cũng như việc thiếu đi các hiệp định thương mại tự do, hiệp định thương mại ưu đãi giữa hai nước.

Cơ hội chưa từng có cho nông sản Mỹ khi Việt Nam đãi ngộ thuế nhập khẩu nông sản - Ảnh 4.

Cảng Mỹ xuất khẩu các loạt hạt ngũ cốc. Ảnh: Grainet

Có thể thấy rằng, với những đãi ngộ về thuế quan chưa từng có đối với các mặt hàng nông sản Mỹ trong tương lai, mối quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ càng trở nên khăng khít – là đề tiền cho những bước tiến tiếp tục hợp tác phát triển của hai nước sau này. Tuy sẽ sớm có được những lợi thế hơn hiện tại ở thị trường Việt Nam, các hiệp hội nông sản Mỹ vẫn tiếp tục thúc giục Hoa Kỳ quay trở lại bàn đàm phán CPTPP - Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương để đạt được những ưu đãi thuế quan sâu và rộng hơn.



Lan Hương
Cùng chuyên mục