Trồng loại quả bán 1 trái bằng 10kg bí xanh, dân Lạng Sơn trúng đậm
Bán 1 trái bằng 10kg bí xanh
Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Chi Lăng (Lạng Sơn), sản lượng na năm 2020 giảm khoảng 1.000 tấn so với năm 2019 do khí hậu bất thuận.
Tuy nhiên, giá na vẫn đạt cao từ 35.000-50.000 đồng/kg, trong đó na hoàng hậu vẫn có giá từ 100.00 - 130.000 đồng/kg.
Tại một vườn na ở huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn), ai cũng bất ngờ về loại na quả to bằng bát cơm ngon, ngọt, bổ dưỡng.
Được biết cách đây 5 năm, một cơ quan chuyên môn ở Hà Nội đã mang tặng cho huyện Chi Lăng giống na lạ này. Sau thời gian trồng, đến năm thứ 3 thì bói quả, mỗi cây chừng 20 trái.
Quả na này được người dân địa phương đặt tên là na Hoàng Hậu, bởi quả to, mắt na sáng mịn, ít hạt; đặc biệt là thời gian bảo quản lâu từ 7 đến 10 ngày.
Giá na Hoàng Hậu từ nhiều năm nay rất hút khách, giá luôn dao động từ 100.000 nghìn đồng/kg trở lên. Thậm chí, nhiều nhà bán lẻ, cứ một quả là 100 ngàn đồng; tương đương với gần 10kg bí xanh.
Na Chi Lăng ngày càng trở nên sôi động khi chính vụ đang đến gần. Theo thống kê của huyện Chi Lăng, đến nay có hàng chục đơn vị, doanh nghiệp liên kết, ký hợp đồng với HTX và người dân địa phương; hứa hẹn một vụ mùa bội thu.
Cấp mã vùng cho na Chi Lăng
Chiều 20/8/2020, tại UBND thị trấn Đồng Mỏ huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đã diễn ra Lễ công bố và trao Chứng nhận mã số vùng trồng na tại huyện Chi Lăng năm 2020.
Toàn tỉnh Lạng Sơn có khoảng 3.376 ha cây na được trồng tập trung thành vùng hàng hóa trên các triền núi đá vôi tại 2 huyện Chi Lăng và Hữu Lũng. Diện tích cây na cho thu hoạch hiện có khoảng 2.876 ha với năng suất bình quân 10 tấn/ha.
Sản lượng bình quân hàng năm ước đạt 28.760 tấn, giá trị sản xuất đạt trên một nghìn tỷ đồng mỗi năm. Cây na của cả 2 huyện Chi Lăng và Hữu Lũng mang thương hiệu chung là “Na Chi Lăng” dần đã trở thành cây trồng chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao, là nguồn thu nhập chính, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo của đồng bào các dân tộc tại các vùng sản xuất na.
Những năm gần đây, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu “Na Chi Lăng” (Lễ phát động trồng và chăm sóc na theo hướng VietGAP; Ngày hội Na Chi Lăng; Tuần lễ kết nối và giới thiệu sản phẩm na Chi Lăng tại Hà Nội...) đã giới thiệu đến đông đảo người tiêu dùng, đồng thời thu hút được nhiều doanh nghiệp trong nước tìm kiếm cơ hội, tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Tuy nhiên đến nay sản phẩm “Na Chi Lăng” chủ yếu tiêu thụ thị trường trong nước, lượng xuất khẩu ra trên thị trường quốc tế vẫn còn rất hạn chế do hạn ngạch theo hợp đồng và phải đảm bảo các quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn mã số vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng...
Năm 2020, Sở Nông nghiệp và PTNT Lạng Sơn giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai chương trình “Chuẩn hóa dữ liệu cấp mã số vùng trồng na bằng hệ thống/tiêu chuẩn OTAS phục vụ nội tiêu và xuất khẩu” nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn phục vụ cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đảm bảo minh bạch trong truy xuất nguồn gốc, ngăn ngừa giả mạo mã số vùng trồng, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Chương trình thực hiện quy mô 40 ha tại 2 địa điểm gồm: thôn Lũng Cút thuộc thị trấn Đồng Mỏ và thôn Giáp Thượng 2 thuộc xã Y Tịch huyện Chi Lăng. Qua các nội dung hoạt động như: đào tạo, tập huấn; khảo sát đánh giá vùng trồng; thẩm định hồ sơ, cấp, xác thực mã số vùng trồng; kiểm tra, giám sát định kỳ; cập nhật dữ liệu lên hệ thống...; đội ngũ cán bộ quản lý từ tỉnh đến cơ sở và các đơn vị chuyên môn đã nắm vững luật pháp quốc tế về hoạt động thương mại, kiến thức thị trường, quản lý các tiêu chuẩn hàng hóa.v.v...
Nông dân tham gia chương trình được trang bị kiến thức về sử dụng phân bón, thuốc BVTV an toàn, hiệu quả hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng./.