Trung Quốc cảnh báo rủi ro vỡ nợ tăng cao

02/04/2021 12:42 GMT+7
Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc hôm 2/3 vừa cảnh báo về những rủi ro tài chính trong nước sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.

Zou Lan, giám đốc bộ phận thị trường tài chính của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBOC nhấn mạnh những rủi ro như sự dao động trên thị trường cổ phiếu trong nước và hàng loạt vụ vỡ nợ trái phiếu thời gian qua đang có nguy cơ gây sức ép lớn lên hệ thống tài chính Trung Quốc.

Theo ông Zou Lan, đại dịch Covid-19 cùng sự biến động dòng vốn quốc tế thời gian qua cũng gây ra những rủi ro lớn cho thị trường tài chính nội địa.

Rủi ro vỡ nợ lớn

“Thị trường cổ phiếu, trái phiếu và hàng hóa đối mặt với rủi ro biến động lớn. Một số ít doanh nghiệp quy mô lớn vẫn đang trong giai đoạn rủi ro, trong khi các doanh nghiệp trung bình và nhỏ đối diện với khó khăn tài chính và nguy cơ vỡ nợ lớn”.

Cũng theo ông Zou Lan, áp lực từ việc giá nhà tăng nóng ở một số thành phố lớn cũng làm tăng nguy cơ vỡ nợ và nhiều rủi ro khác với các doanh nghiệp bất động sản vừa và nhỏ vốn đã có tỷ lệ nợ cao.

Trung Quốc cảnh báo rủi ro vỡ nợ tăng cao - Ảnh 1.

Trung Quốc cảnh báo rủi ro vỡ nợ tăng cao hậu đại dịch Covid-19

Tháng trước, Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 6% cho năm 2021, một con số khiêm tốn, thấp hơn nhiều dự báo của các tổ chức quốc tế. Nhiều nhà kinh tế cho rằng việc đặt mục tiêu tăng trưởng thận trọng như vậy sẽ mang lại cho các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc dư địa lớn hơn để giải quyết nhiều rủi ro dài hạn trong nền kinh tế như gánh nặng nợ nần.

Tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc đã tăng lên mức 285% vào cuối quý III/2020, từ mức 251% bình quân trong giai đoạn 2016-2019, theo báo cáo của Allianz.

Một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đã bắt đầu nghiêm túc xử lý gánh nặng nợ quốc gia là hiện tượng một số doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc vỡ nợ trái phiếu vào năm ngoái - điều vốn rất hiếm xảy ra ở khu vực kinh tế quốc doanh thường được Nhà nước ngầm hỗ trợ.

Trong lịch sử nhiều thập kỷ qua, Bắc Kinh ít khi để các doanh nghiệp nhà nước vỡ nợ. Giới chức nước này tin rằng mối liên hệ giữa các doanh nghiệp quốc doanh và chính phủ là vô cùng quan trọng để duy trì sự ổn định của hoạt động kinh tế. Nhưng cho đến nay, Bắc Kinh dường như đang bỏ mặc những vụ vỡ nợ của các doanh nghiệp nhà nước có tình hình tài chính yếu kém. Việc vỡ nợ hàng loạt sẽ làm suy yếu hệ thống tài chính quốc gia. Nghĩa là cách tiếp cận của Bắc Kinh đang đẩy thị trường trái phiếu Trung Quốc đến bờ vực rủi ro.

Thống kê của Fitch Ratings cho thấy trị giá các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm 2020 đã lên tới 40 tỷ NDT (6,1 tỷ USD), tức bằng tổng trị giá các vụ vỡ nợ trái phiếu trong hai năm qua cộng lại.

Để giúp các công ty phục hồi sau đại dịch Covid-19, Trung Quốc đã nới lỏng đáng kể các hạn chế về tài chính bất chấp nguy cơ nợ xấu tăng lên. Không có gì đáng ngạc nhiên khi doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ trọng lớn trong việc phát hành trái phiếu tín dụng trong 9 tháng đầu năm. Theo Pengyuan International, một cơ quan xếp hạng của Trung Quốc, các công ty quốc doanh đã huy động được tổng cộng 8,5 nghìn tỷ NDT (1,3 nghìn tỷ USD) từ việc phát hành trái phiếu, trong khi con số này ở khu vực tư nhân chỉ là 857 tỷ NDT (131,2 tỷ USD). Khi nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi về mức trước đại dịch, việc siết chặt và giảm gánh nặng nợ được Bắc Kinh coi là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong hoạch định chính sách kinh tế. Theo Nomura, xu hướng vỡ nợ trái phiếu khu vực công ở Trung Quốc sẽ còn tiếp tục trong những năm tới khi Bắc Kinh tập trung vào mục tiêu giảm nợ.

Để trấn an thị trường, các quan chức Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBOC xác nhận trong cuộc họp báo hôm 2/4 rằng sẽ duy trì chính sách tiền tệ ổn định với mức hỗ trợ nhất định cho nền kinh tế thực trong bối cảnh đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu.


NTTD
Cùng chuyên mục