Bị WTO xử thua kiện Mỹ, Trung Quốc vẫn quyết áp hạn ngạch nhập khẩu ngũ cốc năm 2020

08/01/2020 06:00 GMT+7
Trung Quốc mới đây vừa công bố hạn ngạch nhập khẩu ngũ cốc năm 2020, tờ South China Morning Post đưa tin, qua đó làm dấy lên nguy cơ căng thẳng leo thang với Mỹ.
Bị WTO xử thua kiện Mỹ, Trung Quốc vẫn quyết áp hạn ngạch nhập khẩu ngũ cốc năm 2020 - Ảnh 1.

Trung Quốc vừa công bố hạn ngạch nhập khẩu ngô, gạo, lúa mì năm 2020

Hôm 7/1, tờ South China Morning Post đưa tin Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc - cơ quan hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu đất nước mới đây công bố hạn ngạch nhập khẩu ngô năm 2020 là 7,2 triệu tấn còn lúa mì 9,636 triệu tấn và gạo 5,32 triệu tấn; bất chấp từng bị Mỹ kiện lên WTO vì hạn ngạch nhập khẩu.

“Hạn ngạch nông sản nói trên áp dụng chung cho tất cả các quốc gia. Chúng tôi sẽ không điều chỉnh hạn ngạch nhập khẩu với một quốc gia cụ thể nào” - Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Nông Thôn Trung Quốc Han Jun phát biểu tại một diễn đàn tổ chức ở Bắc Kinh mới đây.

Mặc dù các loại nông sản được ông Han Jun nhắc đến trên đây đều là những cây trồng không đóng góp kim ngạch nhập khẩu lớn (lúa mì, gạo, ngô) nhưng thông điệp từ chối nâng hạn ngạch nhập khẩu có nguy cơ gây ra sự giận dữ trong phái đoàn thương mại Mỹ, vốn từ lâu đã yêu cầu Trung Quốc cam kết nhập khẩu 40 - 50 tỷ USD nông sản Mỹ như một nội dung của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.

Đáng lưu ý, thuế quan với hàng nhập khẩu dưới mức hạn ngạch có thể thấp tới 1%, nhưng hàng nhập khẩu vượt quá hạn ngạch sẽ đối mặt với mức thuế lên tới 65%. Quy định này không chỉ áp dụng với hàng nhập khẩu từ Mỹ mà còn áp dụng chung cho nhiều quốc gia thành viên của WTO bao gồm Australia, Brazil, Ấn Độ, EU.

Darin Friedrichs, nhà phân tích tại INTL FCStone ước tính rằng giá cả của ngô hiện tại khoảng 175 USD/tấn, tức tổng hạn ngạch nhập khẩu nói trên chỉ rơi vào 1,26 tỷ USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu ngô của Trung Quốc năm 2017 là 900 triệu USD, trong đó chỉ 200 triệu USD chi cho nhập khẩu ngô của Mỹ. Cũng với phép tính tương tự, Darin Friedrichs chỉ ra rằng giá trị nhập khẩu lúa mì của Trung Quốc năm 2020 chỉ khoảng 2,31 tỷ USD. Trong khi năm 2017, Trung Quốc đã nhập 1,3 tỷ USD lúa mì và chỉ 500 triệu USD trong đó dành để mua lúa mì Mỹ.

Con số nhập khẩu chắc chắn sẽ cao hơn nếu Trung Quốc không áp dụng hạn ngạch nhập khẩu, một trong những vấn đề mà Mỹ đã đưa ra trước WTO trong một vụ kiện chống lại Trung Quốc từ thời chủ tịch Obama. WTO hồi tháng 4/2019 từng phán quyết hệ thống hạn ngạch với mức thuế 65% của Trung Quốc với gạo, lúa mì và ngô đã vi phạm các quy định thương mại quốc tế. Bộ Thương mại Trung Quốc khi đó tuyên bố sẽ nghiêm túc nghiên cứu và xem xét lại các vấn đề trong quy định quản lý của WTO.

Nhưng thực tế việc Trung Quốc công bố hạn ngạch nhập khẩu ngũ cốc năm 2020 cho thấy Bắc Kinh không có ý định dỡ bỏ hạn ngạch như Mỹ mong đợi. Có thể lý giải sự chặt chẽ trong thị trường ngũ cốc của Trung Quốc xuất phát từ mối quan ngại sâu sắc của Bắc Kinh về vấn đề an ninh lương thực. Hồi tháng 9/2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tường tuyên bố vựa lúa Trung Quốc phải được nắm trong tay người Trung Quốc, hàm ý tự bản thân Trung Quốc phải có khả năng nuôi sống chính mình, không phụ thuộc vào nguồn lương thực nhập khẩu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 13/12 tuyên bố Trung Quốc đồng ý tăng mua khoảng 40-50 tỷ USD nông sản Mỹ trong 2 năm (tức tổng khối lượng nhập khẩu nông sản trong 2 năm ít nhất 80 tỷ USD) như một phần của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sắp được ký kết. Việc Bắc Kinh áp dụng hạn ngạch nhập khẩu 3 loại nông sản nói trên cũng đặt ra câu hỏi liệu Trung Quốc có đáp ứng đầy đủ cam kết kể trên. Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 dự kiến sẽ được ký kết vào 15/1 tới đây tại Washington.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục