Trung Quốc ngỏ ý siết quản lý hàng loạt lĩnh vực trong 5 năm tới, NĐT "lo sốt vó"

12/08/2021 10:55 GMT+7
Trung Quốc gần đây đã công bố bản kế hoạch 5 năm chi tiết, trong đó bao gồm nội dung siết chặt các quy định pháp lý trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế.

Văn bando Hội đồng Nhà nước và Ủy ban Trung ương Trung Quốc ban hành vào cuối ngày 11/8 tuyên bố các cơ quan chức năng sẽ tích cực phối hợp trong vấn đề siết chặt quy định thực thi pháp luật liên quan đến ngăn chặn độc quyền, đảm bảo an ninh quốc gia. Theo tài liệu này, các lĩnh vực trong phạm vi bị điều chỉnh sẽ bao gồm rộng khắp từ thực phẩm, dược phẩm cho đến trí tuệ nhân tạo.

“Nhu cầu ngày càng tăng của người dân về một cuộc sống tốt đẹp hơn đã đặt ra những yêu cầu mới trong việc thiết lập các quy định giám sát mạnh mẽ hơn, xây dựng chính phủ pháp quyền hoàn thiện hơn” - văn bản cho hay.

Trung Quốc ngỏ ý siết quản lý hàng loạt lĩnh vực trong 5 năm tới, NĐT "lo sốt vó" - Ảnh 1.

Tencent là một trong những công ty chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất từ chiến dịch siết chặt công nghệ thời gian qua của Bắc Kinh (Ảnh: Reuters)

Trước đó, loạt động thái siết chặt quy định với hàng loạt lĩnh vực từ công nghệ, bất động sản cho đến giáo dục của các cơ quan chức năng Trung Quốc đã gây nên một đợt bán tháo chưa từng có trên thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Đợt bán tháo cuối tháng 7 trên thị trường chứng khoán Trung Quốc bắt đầu sau một báo cáo của Bloomberg vào cuối tuần trước tiết lộ các cơ quan quản lý Bắc Kinh đang xem xét mức phạt kỷ lục với gã khổng lồ gọi xe Didi Global, không loại trừ khả năng buộc hủy niêm yết trên thị trường Mỹ.

Sau tin tức khởi đầu này, hàng loạt báo cáo tiêu cực liên tiếp xuất hiện về việc Bắc Kinh siết chặt quy định trong nhiều lĩnh vực kinh doanh. Chẳng hạn, nhiều mã cổ phiếu giáo dục của Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đã lao dốc không phanh khi Bắc Kinh thông qua loạt quy định mới nghiêm cấm các cơ sở giáo dục cung cấp dịch vụ giảng dạy nội dung trong trường học theo hình thức kiếm lợi nhuận, huy động vốn hoặc cổ phần hóa. Sự thay đổi quy chế đã ảnh hưởng đến hàng loạt công ty giáo dục vì lợi nhuận của Trung Quốc. Hàng loạt cổ phiếu giáo dục niêm yết tại Hong Kong cũng giảm mạnh. Cổ phiếu tập đoàn giáo dục & Công nghệ Phương đông Mới, tập đoàn giáo dục BestStudy Trung Quốc và tập đoàn công nghệ Koolearn đều bốc hơi hơn 30% chỉ trong phiên giao dịch 26/7.

Tiếp đó, cơ quan quản lý chống độc quyền Trung Quốc tiếp tục cấm Tencent tham gia các thỏa thuận độc quyền bản quyền âm nhạc do quan ngại hành vi cạnh tranh không công bằng sau khi Tencent mua lại tập đoàn China Music Corporation. Như vậy, sau Alibaba và Meituan, đến lượt gã khổng lồ công nghệ Tencent lọt vào tầm ngắm của Bắc Kinh do vấn đề độc quyền.

Chưa dừng lại ở đó, chỉ ít ngày sau, Cục Quản lý Thị trường Trung Quốc tiếp tục ban hành một hướng dẫn mới với các nền tảng giao hàng thực phẩm, bao gồm mức lương tối thiểu cho nhân viên giao hàng, một động thái có thể gây thiệt hại cho lợi nhuận các gã khổng lồ giao hàng như Meituan hay Ele.me - công ty con của Alibaba.

Loạt động thái thời điểm đó đã khiến hàng loạt chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc, từ Shanghai Composite và Shenzhen Component ở đại lục cho đến Hang Seng Index ở Hong Kong chìm trong sắc đỏ. 

Cho đến nay, mặc dù thị trường đã phục hồi nhưng văn bản mới nhất của Ủy ban Trung ương và Hội đồng Nhà nước Trung Quốc lại tạo tiền đề cho nhiều quan ngại mới với nhà đầu tư.

Những nội dung chính trong văn bản bao gồm: 

1. “Tích cực thúc đẩy hoàn thiện luật pháp” trong các lĩnh vực như an ninh quốc gia, đổi mới công nghệ, y tế công cộng, văn hóa và giáo dục, tôn giáo dân tộc, an toàn sinh học, văn minh sinh thái, phòng ngừa rủi ro, chống độc quyền và các vấn đề liên quan đến nước ngoài

2. “Tăng cường thực thi pháp luật trong các lĩnh vực cốt lõi liên quan đến lợi ích sống còn của người dân” bao gồm thực phẩm và dược phẩm, sức khỏe cộng đồng, tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái, an toàn sản xuất, an ninh lao động, quản lý đô thị, giao thông vận tải, dịch vụ tài chính, giáo dục và đào tạo.

3. Đảm bảo “sự phát triển lành mạnh của các hình thức kinh doanh mới” với “hệ thống luật pháp và quản lý hoàn thiện” liên quan đến nền kinh tế kỹ thuật số, tài chính Internet, trí tuệ nhân tạo, big data, điện toán đám mây…

4. “Khi đã ra quyết định hành chính thì không được tự ý thay đổi, đình chỉ nếu không có thủ tục pháp lý”.

5. Thúc đẩy sử dụng Internet và big data trong thực thi pháp luật: “Tăng cường xây dựng hệ thống 'Internet + giám sát' quốc gia, đồng thời thực hiện tích hợp và tổng hợp dữ liệu từ các nền tảng giám sát vào cuối năm 2022."

6. Thúc đẩy sự minh bạch, công khai  trong các vấn đề của chính phủ.


NTTD
Cùng chuyên mục