Trung Quốc sắp sản xuất vắc xin Sputnik-V của Nga
Trong một thông báo hồi đầu tuần, Hualan Biological Engineering cho biết đã đạt được thỏa thuận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin Sputnik-V với Nga. Như vậy, đơn vị sản xuất vắc xin của Hualan sẽ có năng lực cần thiết để sản xuất dòng vắc xin Covid-19 của Nga, với tham vọng nhận đơn đặt hàng ít nhất 100 triệu liều, đủ tiêm chủng cho 50 triệu người dân.
Vắc xin Sputnik -V của Nga vẫn chưa được cấp phép tại Trung Quốc. Quốc gia này cho đến nay chỉ cho phép sử dụng cho các sản phẩm vắc xin Covid-19 được sản xuất trong nước. Một đại diện của Hualan Biological Engineering cho hay vắc xin Sputnik-V được sản xuất ở Trung Quốc theo thỏa thuận mới cũng sẽ được vận chuyển trở lại Nga.
Thỏa thuận này khiến Hualan Biological Engineering trở thành một trong số ít các công ty Trung Quốc giành được hợp đồng sản xuất vắc xin Covid-19 do nước ngoài phát triển.
Fosun Pharmaceutical trước đó cũng công bố một thỏa thuận tương tự để sản xuất vắc xin Covid-19 do Pfizer và BioNTech phát triển cho thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, thời điểm bắt đầu sản xuất vẫn còn là ẩn số.
Công ty con chuyên nghiên cứu vắc xin của Hualan Biological Engineering đã tham gia vào việc phát triển dòng vắc xin Covid-19 riêng, nhưng tiến độ đạt được rất chậm.
Được phát triển bởi Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya của Nga, vắc xin Sputnik-V lần đầu tiên được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở Nga vào tháng 8 năm ngoái. Vào thời điểm đó, nó vẫn chưa hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3, thường được coi là bước cuối cùng và quan trọng nhất trước khi phê duyệt sử dụng. Điều này đã khiến nhiều chuyên gia y tế quốc tế tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả sử dụng của nó.
Nhà phát triển Gamaleya sau đó đã công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 tạm thời trên tạp chí y khoa The Lancet của Anh vào tháng 2. Kết quả cho thấy loại vắc xin này có tỷ lệ hiệu quả lên đến 91,6% và không gây ra phản ứng phụ không mong muốn.
Theo hãng thông tấn nhà nước Sputnik của Nga, tính đến ngày 12/2, vắc xin Sputnik-V đã được chấp thuận sử dụng ở ít nhất 26 quốc gia & vùng lãnh thổ, trải dài từ châu Âu, Mỹ Latinh, Trung Đông, châu Phi, châu Á và Bắc Mỹ.
Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) đang quản lý hoạt động kinh doanh vắc xin Sputnik-V ở nước ngoài, bao gồm tìm kiếm đối tác sản xuất và phân phối. Cho đến nay, RDIF đã ký thỏa thuận với 15 công ty ở 10 quốc gia và vùng lãnh thổ để tạo ra 1,4 tỷ liều vắc xin - đủ để tiêm chủng cho 700 triệu người trên toàn cầu.
Một trong những quốc gia mới nhất muốn triển khai sản xuất vắc xin Sputnik-V là Ấn Độ, quốc gia đang đối diện với làn sóng dịch bệnh tiếp theo. Tuần trước, nhà sản xuất thuốc địa phương Dr Reddy's Laboratories thông báo đã nhận được giấy phép nhập khẩu vắc xin Sputnik-V để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Hôm 20/4, truyền thông Ấn Độ dẫn lời đại sứ Ấn Độ tại Nga cho biết lô vắc xin Sputnik-V đầu tiên sẽ cập bến trong vòng 10 ngày tới.