Trung Quốc tăng mua đến 93,1% tổng lượng sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam
Giá sắn lát và tinh bột sắn xuất khẩu của Việt Nam vẫn được giữ ổn định
Từ đầu tháng 12/2022 đến nay, giá sắn tươi tại một số tỉnh, thành phố phía Bắc có xu hướng giảm do đang vào vụ thu hoạch; trong khi giá sắn tại một số tỉnh, thành phố phía Nam như Tây Ninh lại tăng nhẹ do nhiều nhà máy chưa đủ nguyên liệu để sản xuất. Hiện giá sắn nguyên liệu (trữ bột 30%) tại Tây Ninh dao động quanh mức 2.750 – 2.900 đồng/kg. Giá sắn lát và tinh bột sắn xuất khẩu của Việt Nam vẫn được giữ ổn định so với cuối tháng 11/2022.
Giá tinh bột thành phẩm bán ra của các nhà máy tạm chững, nhiều nhà máy đồng loạt tạm ngưng chào giá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nhằm kìm đà giảm giá. Mặc dù Trung Quốc nới lỏng kiểm soát dịch bệnh nhưng nhu cầu tinh bột sắn qua đường biên mậu với Việt Nam vẫn khá chậm. Mặc dù giá tinh bột ngô nội địa Trung Quốc tăng, nhưng phía Trung Quốc vẫn trả giá tinh bột sắn Việt Nam ở mức thấp, gây bất lợi cho tính bền vững cây sắn vụ tiếp theo.
Trong khi đó, nhiều nhà máy nhỏ tại Việt Nam không có đủ nguồn lực tài chính, cũng như sản phẩm cạnh tranh buộc phải điều tiết lượng sản xuất phù hợp.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 11/2022, Việt Nam xuất khẩu được gần 294,91 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 122,98 triệu USD, tăng 23,6% về lượng và tăng 19,7% về trị giá so với tháng 10/2022; So với tháng 11/2021 tăng 7,5% về lượng, nhưng giảm 2,1% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn ở mức 417 USD/tấn, giảm 3,2% so với tháng 10/2022 và giảm 6,6% so với tháng 11/2021. Lũy kế 11 tháng năm 2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt gần 2,86 triệu tấn, trị giá 1,25 tỷ USD, tăng 9,5% về lượng và tăng 17,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tháng 11/2022, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 93,1% tổng lượng sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước, với 274,53 nghìn tấn, trị giá 114,03 triệu USD, tăng 32,3% về lượng và tăng 27,9% về trị giá tháng 10/2022; So với tháng 11/2021 tăng 5% về lượng, nhưng giảm 4,7% về trị giá. Lũy kế 11 tháng năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 2,6 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá gần 1,14 tỷ USD, tăng 6,6% về lượng và tăng 14,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Năm 2022, sắn và các sản phẩm từ sắn là một trong số ít mặt hàng nông sản vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cả về lượng và kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, vùng nguyên liệu sắn đang đứng trước nguy cơ bị thu hẹp do các loại bệnh dịch, nhất là bệnh khảm lá sắn, làm ảnh hưởng lớn đến cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất. Diện tích cây sắn của cả nước đạt khoảng 530.000 ha. Bệnh khảm lá sắn gây hại ngày càng tăng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng các vùng nguyên liệu là thực trạng đáng lo ngại đối với ngành sắn Việt Nam. Trong năm 2022, tính đến nay, bệnh khảm lá xuất hiện ở 19 tỉnh, diện tích nhiễm bệnh trên 70.000 ha, tăng khoảng 2.000 ha so với cùng kỳ năm 2021. Diện tích bị khảm lá vẫn tăng, số tỉnh trồng sắn bị nhiễm bệnh khảm lá không giảm. Các nhà máy đối diện với nguy cơ tiếp tục thiếu nguyên liệu cho vụ sản xuất 2022/23.
Dự báo thời gian tới nhu cầu của thị trường Trung Quốc đối với sắn và tinh bột sắn vẫn cao, đây sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này. Tuy nhiên, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc cũng bị cạnh tranh từ các nước Thái Lan, Campuchia và Lào, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc tăng nhập khẩu sắn từ Lào và Campuchia.
Tinh bột sắn Việt vẫn giữ vững thị phần tại Trung Quốc
Cho đến nay, thị phần tinh bột sắn của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc vẫn giữ được đà tăng. Với sắn: Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 10 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu sắn (HS 071410) của Trung Quốc đạt trên 1,85 tỷ USD, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm 2021. Thái Lan, Việt Nam và Lào là 3 thị trường cung cấp sắn lớn nhất cho Trung Quốc trong 10 tháng năm 2022.
Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp sắn cho Trung Quốc trong 10 tháng năm 2022 với 152,99 triệu USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần sắn của Việt Nam chiếm 8,26% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắn của Trung Quốc, thấp hơn so với mức 9,97% của 10 tháng năm 2021.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu sắn lát của Thái Lan trong 10 tháng năm 2022 với kim ngạch đạt 1,69 tỷ USD, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần sắn của Thái Lan chiếm 91,34% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắn của Trung Quốc, tăng so với mức 89,45% của 10 tháng năm 2021.
Về tinh bột sắn: Trong 10 tháng năm 2022, nhập khẩu tinh bột sắn của Trung Quốc tăng đáng kể. Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 10 tháng năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 3,47 triệu tấn tinh bột sắn (HS 11081400), trị giá 1,81 tỷ USD, tăng 23,3% về lượng và tăng 34,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ Thái Lan, Việt Nam, Lào và Campuchia. Trừ Thái Lan, nhập khẩu tinh bột sắn từ các thị trường này đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, Thái Lan vẫn là thị trường lớn nhất cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc. Trong 10 tháng năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 1,95 triệu tấn tinh bột sắn từ Thái Lan, trị giá 1,04 tỷ USD, giảm 4,4% về lượng, nhưng tăng 5,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần tinh bột sắn của Thái Lan chiếm 56,24% trong tổng lượng tinh bột sắn nhập khẩu của Trung Quốc, giảm mạnh so với mức 72,55% của 10 tháng năm 2021.
Trong khi đó, Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu tinh bột sắn từ Việt Nam. Trong 10 tháng năm 2022, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc với 1,31 triệu tấn, trị giá 665,99 triệu USD, tăng tới 164,7% về lượng và tăng 190,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 37,68%, tăng mạnh so với mức 17,56% của 10 tháng năm 2021.
Qua số liệu thống kê cho thấy, trong 10 tháng năm 2022 Trung Quốc có xu hướng tăng nhập khẩu tinh bột sắn từ Việt Nam, Lào và Campuchia, trong khi giảm nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia. Giá nhập khẩu tinh bột sắn từ Việt Nam, Lào và Campuchia vào Trung Quốc trong 10 tháng năm 2022 thấp hơn của Thái Lan. Tại thị trường Trung Quốc, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang bị cạnh tranh với sắn và tinh bột sắn của Thái Lan, Lào và Campuchia.
Để tăng cạnh tranh và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm sắn, các chuyên gia cho rằng, các nhà máy chế biến sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam cần đổi mới công nghệ chế biến để phát triển một cách đa dạng các sản phẩm sắn; tăng cường mở rộng thêm vùng nguyên liệu; giải quyết triệt để vần đề xử lý chất thải trong chế biến sắn, đảm bảo an toàn môi trường.
Để phát triển giá trị của sắn, các địa phương cần nghiên cứu tạo cơ chế để tăng cường liên kết giữa vùng sản xuất và nhà máy chế biến, tổ chức lại sản xuất, tập trung phát triển hợp tác xã tại các vùng sản xuất sắn; đầu tư xây dựng nhà máy phải gắn với xây dựng vùng nguyên liệu.
Thực tế hiện nay, nhu cầu đối với sản phẩm sắn của Trung Quốc vẫn rất cao. Trung Quốc tăng nhập sắn về để làm thức ăn chăn nuôi thay thế cho các nguyên liệu khác đang tăng cao.
Để đẩy mạnh xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn sang Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam không có cách nào khác là nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực tế, Trung Quốc hay thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu (cấm biên, đóng/mở nhiều cửa khẩu, danh sách xuất khẩu, thay đổi quy định nhãn mác bao bì, hạn chế số lượng xe qua cửa khẩu, thời gian mở cửa khẩu ít…) gây ảnh hưởng không nhỏ tới doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong đó có ngành sắn.
Thực tế, dù là ngành hàng xuất khẩu thu về cả tỷ USD mỗi năm, song ngành sắn cũng còn không ít hạn chế, tồn tại gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững. Để tiêu thụ sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam cần nhiều khâu trung gian, chi phí logistics cao nên phải cạnh tranh gay gắt về thị trường xuất khẩu với các nước Thái Lan, Campuchia, Lào…
Thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 95,8% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước đều phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc, điều này dẫn đến thiếu bền vững và bị động. Dự báo năm 2022, Trung Quốc sẽ có nhu cầu nhập khẩu lớn hơn nữa và sẽ nhập khẩu nhiều hơn sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam do điều kiện địa lý thuận lợi. Tuy nhiên, rủi ro cho người nông dân ở chỗ xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc không chỉ khó khăn do chính sách "Zero Covid" mà sắp tới sẽ gặp nhiều khó khăn vì hàng loạt quy định, tiêu chuẩn mới được Cục Hải quan Trung Quốc ban hành và áp dụng từ năm 2022.