Trung Quốc thắng đại dịch Covid-19 nhưng bại trên chiến trường kinh tế

25/03/2020 15:29 GMT+7
Những dữ liệu kinh tế mới nhất của Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2020 thậm chí còn tồi tệ hơn cả dự đoán bi quan nhất của giới chuyên gia. Mọi kỳ vọng tăng trưởng GDP gần như bị thổi bay, bởi hệ quả kinh tế khổng lồ mà đại dịch Covid-19 mang lại.
Trung Quốc thắng đại dịch Covid-19 nhưng bại trên chiến trường kinh tế - Ảnh 1.

Những biện pháp phong tỏa kiểm dịch chặt chẽ giúp Trung Quốc chiến thắng dịch Covid-19 nhưng để lại hậu quả kinh tế nặng nề

Ngay cả khi các lệnh phong tỏa đã được dỡ bỏ trên hầu hết cả nước, nền kinh tế Trung Quốc không thể tránh khỏi cú sốc tăng trưởng trong quý đầu tiên. Mới đây nhất, China Beige Book dự đoán tăng trưởng GDP Trung Quốc quý I có thể giảm 10-11% do tác động từ các biện pháp phong tỏa quốc gia để kiểm soát đại dịch.

Doanh số bán lẻ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự bùng phát dịch Covid-19 khi người tiêu dùng giảm thiểu hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội để cách ly tại nhà nhiều tuần liền. Các nhà hàng và dịch vụ ăn uống, vốn đóng góp tới 10% trong doanh số bán lẻ quốc gia, đã chứng kiến doanh thu giảm 43% trong 2 tháng đầu năm

Doanh số các mặt hàng tiêu dùng lâu bền như xe hơi, đồ gia dụng, nội thất… cũng giảm 30% trong cùng kỳ. Thị trường bất động sản, nhất là bất động sản nhà ở, gần như ngừng trệ mọi giao dịch trong thời điểm Trung Quốc phong tỏa nhiều tỉnh thành để kiểm soát dịch bệnh.

Một số doanh nghiệp thương mại điện tử chứng kiến nhu cầu tăng đột biến khi người dân chuyển sang các dịch vụ mua sắm trực tuyến, giao hàng tận nhà. Nhưng sự thiếu hụt lao động, sự gián đoạn dịch vụ hậu cần bởi các biện pháp hạn chế giao thông của chính quyền… là rào cản khiến tăng trưởng doanh số bán hàng không đáng kể.

Tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc đã tăng vọt từ 5,2% vào tháng 12/2019 lên 6,2% trong tháng 2/2020, phá vỡ phạm vi dao động ổn định trong nhiều năm qua. Khi người dân không có việc làm và thu nhập giảm đáng kể vì bệnh dịch, kỳ vọng chi tiêu tiêu dùng tăng trưởng trong những tháng tới là khá ảm đạm. 

Khu vực doanh nghiệp cũng không khá khẩm hơn. Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay 90% doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp chủ lực đã hoạt động trở lại, nhưng chỉ có 60% doanh nghiệp vừa và nhỏ khôi phục hoạt động. Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới là “xương sống” của kinh tế Trung Quốc, sử dụng 80% lao động trên cả nước. Ngay cả khi 100% doanh nghiệp khôi phục hoạt động, việc kỳ nghỉ Tết nguyên đán kéo dài nhiều tuần, lực lượng lao động thiếu hụt và chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn chắc chắn sẽ dẫn đến sự giảm đáng kể trong năng lực sản xuất và đầu tư. Ước tính, đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản đã giảm 16,3% trong 2 tháng đầu năm.

Một báo cáo đã chỉ ra tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã giảm mạnh từ 6,9% hồi tháng 12/2019 xuống -13,5% vào tháng 2/2020. Sản lượng sản xuất giảm mạnh 15,7%, tương xứng với những báo cáo chỉ số quản lý thu mua PMI bước vào lãnh thổ thu hẹp. Ngành khai thác và sản xuất năng lượng có triển vọng sáng sủa hơn do tính chất sử dụng ít lao động, nhưng nhu cầu năng lượng trên toàn cầu đang có xu hướng giảm mạnh do tác động của dịch bệnh và sự phong tỏa ở nhiều quốc gia. 

Do đó, các phân tích từ nhiều tổ chức kinh tế đã chỉ ra rằng tăng trưởng GDP quý I của Trung Quốc giảm tốc mạnh ngay cả khi kinh tế khôi phục trong tháng 3.

Nhìn chung, các dữ liệu kinh tế được công bố đã phản ánh bức tranh toàn cảnh tồi tệ về cú sốc kinh tế tàn khốc mà Trung Quốc phải đối diện sau khi chiến thắng đại dịch Covid-19. Tệ hơn nữa, kinh tế toàn cầu cũng đang tiến gần bờ vực suy thoái khi dịch bệnh tàn phá các quốc gia bên ngoài Trung Quốc, đặc biệt Hàn Quốc, Mỹ, Châu Âu - vốn là những đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc và là những nền kinh tế lớn bậc nhất toàn cầu. Những biện pháp kiểm dịch chặt chẽ của các quốc gia này chắc chắn sẽ gây nên biến động chưa từng có cho thị trường tài chính nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung; qua đó giáng đòn vào nền kinh tế Trung Quốc thông qua cú sốc cầu suy yếu và sự gián đoạn chuỗi cung ứng.

Trung Quốc thắng đại dịch Covid-19 nhưng bại trên chiến trường kinh tế - Ảnh 3.

Chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình đang nỗ lực tung các gói kích thích để bù đắp cú sốc kinh tế, nhưng hiệu quả của nó vẫn vấp phải sự nghi ngờ của giới chuyên gia

Chính quyền Bắc Kinh đứng trước bài toán buộc phải tăng cường nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ để bù đắp cú sốc kinh tế. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc mới đây đã cắt giảm lãi suất cơ bản, đưa tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống mức thấp, phản ánh lập trường chính sách tiền tệ lỏng lẻo hơn cũng như nỗ lực xoa dịu tác động kinh tế từ dịch bệnh.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nghi ngờ chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình liệu có ý định, hoặc có đủ khả năng tung ra những gói kích thích đủ lớn để bù đắp toàn bộ cú sốc kinh tế do đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu hay không. Nhất là khi gánh nặng nợ trên lưng Trung Quốc đã quá lớn, và số nợ khổng lồ từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 vẫn còn đọng lại.

Tất cả các yếu tố dường như đang tạo nên bức tranh u ám hơn về tăng trưởng GDP Trung Quốc trong cả năm 2020, chứ không riêng sự sụt giảm mạnh mẽ trong quý đầu tiên.

(Bài nhận định của Aidan Yao - nhà kinh tế cấp cao châu Á từ AXA Investment Managers đăng trên South China Morning Post)

Thùy Dung
Cùng chuyên mục