Trung Quốc tìm mọi cách tăng nguồn cung than, xoa dịu cơn khát năng lượng
Chính quyền khu tự trị Nội Mông, một khu vực sản xuất than lớn ở Trung Quốc gần đây đã ban hành miễn trừ giới hạn sản lượng sản xuất cho 72 mỏ than, thời gian miễn trừ kéo dài đến cuối tháng. Trước đó, các mỏ than này bị hạn chế sản lượng ở mức một nửa công suất để đáp ứng mục tiêu khí phát thải nhà kính mà Bắc Kinh đặt ra. Nhưng trước tình hình khủng hoảng điện kéo dài, hạn chế này đã tạm thời được dỡ bỏ.
Các động thái được đưa ra khi Trung Quốc nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng, khắc phục tình trạng thiếu điện khi mùa đông sắp đến. Quốc gia này đang thúc đẩy nhập khẩu năng lượng từ Nga cũng như dỡ bỏ các hạn chế nhập khẩu với than từ Úc trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung.
Năm ngoái, Trung Quốc đã tiêu thụ khoảng 4 tỷ tấn than, trong đó phần lớn được cung cấp bởi nguồn cung trong nước. Nhiên liệu hóa thạch chiếm 70% tổng sản lượng điện của Trung Quốc, trong đó than chiếm tỷ trọng lớn. Ước tính cần khoảng 200 triệu tấn than trong mỗi tháng để đáp ứng nhu cầu điện mùa đông của quốc gia này.
Các khu vực như Nội Mông, Sơn Tây và Thiểm Tây đã ký hợp đồng cung cấp than cho các tỉnh ven biển như Giang Tô và Quảng Đông, nơi được mệnh danh là các trung tâm công nghiệp của đất nước và hiện đang đối diện với tình trạng thiếu điện.
Chính phủ Trung Quốc cũng đang đa dạng hóa các nguồn cung than từ nước ngoài. Trong khoảng thời gian 8 tháng đầu năm, Trung Quốc đã tăng gần 8 lần lượng than nhập khẩu từ Mỹ so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu than từ Colombia cũng tăng gấp 3 lần. Đồng thời, Trung Quốc cũng tìm cách nhập khẩu than từ các thị trường mới như Nam Phi.
Hoạt động nhập khẩu than từ Úc, vốn bị đình trệ trong suốt năm qua khi căng thẳng song phương Trung - Úc leo thang, đang có dấu hiệu khôi phục trở lại.
Các động thái bất thường được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết phần nào tình trạng thiếu điện ở khu vực Đông Bắc Trung Quốc, vốn đang ảnh hưởng nặng nề đến sản lượng nhà máy cũng như sinh hoạt của người dân.
Kể từ tháng 9, Trung Quốc đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ buộc chính quyền nhiều địa phương trên cả nước đã bắt đầu ban hành các chính sách hạn chế sử dụng điện, bao gồm tạm dừng hoạt động sản xuất tại các nhà máy trong những khung giờ nhất định. Các biện pháp được đưa ra trong bối cảnh nguồn cung than để sản xuất điện thiếu hụt, trong khi các chính quyền địa phương phải “chạy deadline” để theo kịp mục tiêu cắt giảm khí thải carbon của chính phủ Trung ương Trung Quốc.
Diễn biến bất ngờ này đã khiến một số tổ chức kinh tế hạ hoặc xem xét hạ dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc trong năm nay. Chẳng hạn, kinh tế trưởng Ting Lu của Nomura đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay từ 8,2% xuống chỉ còn 7,7% khi tình trạng giới hạn sử dụng điện tiếp tục diễn ra trên khắp đất nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng nhà máy.
Tờ CNBC cho hay các nhà lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp Mỹ và châu Âu cũng xác nhận đợt cắt điện mới nhất đang ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư kinh doanh tại Trung Quốc.
“Một số doanh nghiệp nước ngoài đang cân nhắc về việc có nên đầu tư vào Trung Quốc” - trích lời ông Johan Annell, đối tác tại Asia Perspective, một công ty tư vấn cho các doanh nghiệp Bắc Âu tại khu vực Đông Á - Đông Nam Á.
Ông Annell cho hay các khoản đầu tư nước ngoài đã được lên kế hoạch trị giá hàng chục triệu USD vào Trung Quốc đang đứng trước nhiều rào cản do tình trạng cắt điện đột ngột. Dù rằng Trung Quốc vẫn được xem là điểm đầu tư mạnh mẽ cho ngành sản xuất, một số doanh nghiệp đang xem xét dịch chuyển một phần dòng vốn vào thị trường Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, theo ông Annell.