TS. Nguyễn Đình Cung chỉ ra cách thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân

29/07/2020 15:42 GMT+7
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương CIEM cho rằng, coi quyền sử dụng đất nông nghiệp là một loại tài sản không chỉ là công cụ sản xuất. Đó là cách thức tốt nhất bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nông dân.

Sáng 29/7, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Tọa đàm đối thoại chính sách: "Đối thoại về thể chế kinh tế thị trường Việt Nam".

Tọa đàm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045. Do đó, việc đánh giá nền kinh tế thị trường Việt Nam là một trong những nội dung quan trọng và có ý nghĩa.

TS. Nguyễn Đình Cung chỉ ra cách thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân - Ảnh 1.

Tọa đàm đối thoại chính sách: "Đối thoại về thể chế kinh tế thị trường Việt Nam" sáng 29/7

Doanh nghiệp tư nhân đóng góp chưa đến 10% GDP, làm sao có kinh tế thị trường?

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, xây dựng nền kinh tế thị trường là mong muốn chung được nhắc đến từ lâu ở Việt Nam và thực tế đã được cụ thể hóa bằng hệ thống luật pháp, các văn bản…

Tuy nhiên, ở Việt Nam để xóa được khoảng cách từ văn bản chính sách cho đến hành động, cũng phải dùng "nhất tiền tệ, nhì quan hệ". Vì vậy, qua thực tế trải nghiệm và qua các cuộc điều tra khảo sát, bà Lan cho rằng, "khoảng cách từ miệng đến tay còn xa vời lắm".

Bà Lan cho rằng, còn rất nhiều vấn đề để trở thành nền kinh tế thị trường thực sự, đúng nghĩa. Cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam gồm có: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI và khối tư nhân. Nhưng các chính sách hiện nay chủ yếu là ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI, còn lại "doanh nghiệp tư nhân thì chẳng được cái gì".

Mặc dù, những năm gần đây, Việt Nam đã có một số doanh nghiệp tư nhân phát triển lớn mạnh nhưng sự phát triển này được là nhờ có mối quan hệ thân hữu. Bởi, nếu không có mối quan hệ, các doanh nghiệp này rất khó tiếp cận được với nguồn lực đầu tư của nhà nước và không có cách nào để lớn được. Do đó, theo bà Lan, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI đóng góp phần lớn trong cơ cấu GDP của Việt Nam. "Trong khi đó, mức độ đóng góp của khối doanh nghiệp tư nhân chưa đến 10% thì làm sao chúng ta có nền kinh tế thị trường", bà Lan đặt câu hỏi.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương CIEM lại nhìn nhận, Nhà nước của chúng ta hiện nay là Nhà nước sở hữu và kiểm soát, thì thị trường không thể vận hành được.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, muốn có kinh tế thị trường thì con đường cải cách chuyển đổi sang kinh tế thị trường phải kết thúc. "30 năm qua chúng ta vẫn nói rằng đang trên con đường cải cách chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Tôi mong rằng nhiệm kỳ này ta kết thúc cho xong. Chứ 40 năm có khi vẫn đang chuyển sang kinh tế thị trường rồi coi chừng 50 năm cũng vẫn đang trên con đường chuyển sang kinh tế thị trường", ông Cung nhấn mạnh.

Cũng theo TS. Nguyễn Đình Cung, ở cấp độ kinh tế thị trường, rõ ràng, vai trò Nhà nước và vai trò thị trường không thể tách rời, không thể đối nghịch nhau mà phải bổ sung cho nhau. Như vậy, cần đánh giá cả trên yếu tố mức độ phát triển thị trường của nền kinh tế và cả hiệu lực Chính phủ. Nếu hai chỉ tiêu này đều tốt thì nền kinh tế thị trường của chúng ta được coi là nền kinh tế thị trường tốt.

Tuy nhiên, cả hai chỉ số này của Việt Nam đều chưa tốt. Vì vậy, việc cải cách sẽ nằm ở hai yếu tố, cải cách sở hữu và cải cách vai trò của Nhà nước.

Coi quyền sử dụng đất nông nghiệp là một loại tài sản

TS. Nguyễn Đình Cung chỉ ra cách thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân - Ảnh 3.

TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương CIEM

Bàn về giải pháp phát triển kinh tế thị trường, ông Cung chỉ ra rằng, trụ cột chuyển sang kinh tế thị trường hiện nay, trọng tâm nên đặt vào cải cách thể chế, hoàn thiện khung khổ pháp luật để thúc đẩy phát triển thị trường nhân tố sản xuất.

Thị trường này bao gồm thị trường vốn, thị trường đất đai, thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp, thị trường lao động thị trường khoa học công nghệ và các tài sản nói chung.

Trong đó, đặc biệt quan trọng là thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp, coi quyền sử dụng đất nông nghiệp là một loại tài sản không chỉ là công cụ sản xuất. "Đó là cách thức tốt nhất bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nông dân. Bởi một khi là tài sản của nông dân thì phải đàm phán, thỏa thuận chứ không theo kiểu vẽ ra một quy hoạch nào đó và đến thu hồi. Lúc đó, người nông dân sẽ có quyền lựa chọn một là bán đứt. Hai là tham gia vào quá trình phát triển và rất nhiều lựa chọn khác, chứ không phải chỉ có một lựa chọn giao đất cho nhà đầu tư nào đó để phát triển", TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Tuy nhiên, sự thay đổi của thị trường các nhân tố sản xuất không thể diễn ra được nếu Nhà nước không thay đổi. Nhà nước của chúng ta hiện nay là Nhà nước sở hữu và kiểm soát, thì thị trường không thể vận hành được. Vì vậy, nếu không đột phá đúng chỗ và tìm người đủ năng lực để đột phá, tìm công cụ hợp lý để đột phá thì chúng ta "đột mà không phá".

TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, nên tách hai bộ phận "kinh tế thị trường" và "định hướng xã hội chủ nghĩa", nếu kinh tế thị trường trong định hướng xã hội chủ nghĩa, hoặc định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường thì rất khó chuyển đổi.


Huyền Anh
Cùng chuyên mục