Tỷ phú trên đất cằn
Năm 1997, thực hiện chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế phủ xanh đất trống đồi trọc của địa phương, bà Phùng Thị Thơ đã mạnh dạn bàn với gia đình nhận 12ha đất đồi trọc cằn cỗi để xây dựng trang trại vườn - ao - chuồng.
Bà Thơ chia sẻ, bước đầu khởi nghiệp không dễ dàng vì sườn núi Ba Vì thường xuyên bị xói mòn, có lúc bao nhiêu công sức, tiền bạc mất trắng chỉ sau một trận mưa to. Không cam chịu thất bại, bà chủ động tìm đến các chuyên gia về cây trồng, vật nuôi để nghe tư vấn kinh nghiệm, giải pháp phù hợp, rồi tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả ở nhiều nơi.
Sau hơn 20 năm dày công gây dựng, vượt khó, trang trại của bà Phùng Thị Thơ giờ đã đi vào hoạt động ổn định, cho doanh thu 20 tỷ đồng mỗi năm. Với quy mô 14ha, trang trại được quy hoạch khép kín bài bản, gồm: 1ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, 11ha trồng 1.000 cây bưởi Diễn, 25 vạn cây dứa; 1.000m2 chuồng trại nuôi 15 lợn nái, 100 lợn thịt, 10.000 gà thả đồi và các loại đặc sản như nhím, lợn rừng…
Để có thành quả như ngày hôm nay, bà Phùng Thị Thơ không ngừng học hỏi, tìm tòi, đưa công nghệ tiên tiến vào sản xuất như: Đầu tư hệ thống phun, tưới nước tự động để bảo đảm điều kiện tốt nhất cho cây sinh trưởng hay xử lý chất thải vật nuôi bằng chế phẩm vi sinh không gây ảnh hưởng đến môi trường. Trang trại của bà Phùng Thị Thơ cũng là mô hình tiên phong trong áp dụng sản xuất gắn với chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện Ba Vì.
Hiện nay, trang trại đang tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động ở địa phương với mức thu nhập ổn định từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Với những hộ nghèo, hàng năm, gia đình bà chủ động nhận giúp từ 5 - 7 hộ phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Vật Lại Đỗ Viết Hà nhận xét, bà Phùng Thị Thơ không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn là tấm gương về tinh thần tiên phong, dám nghĩ, dám làm. Cùng với tích cực tham gia các cuộc vận động từ thiện nhân đạo, bà Thơ luôn sẵn sàng giúp đỡ các hội viên về vốn, giống, vật tư để phát triển kinh tế. Những việc làm thiết thực đó đã góp phần giúp nhiều nông dân địa phương đổi mới tư duy sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.