Úc kiện Trung Quốc lên WTO

19/06/2021 16:53 GMT+7
Chính phủ Úc hôm 19/6 tuyên bố đang nộp đơn khiếu nại chính thức lên Tổ chức Thương mại Thế giới WTO về việc Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá với rượu vang xuất khẩu, qua đó làm leo thang bất đồng thương mại với EU.

Bộ trưởng Thương mại, Du lịch và Đầu tư Úc Dan Tehan cho hay trong một thông cáo báo chí chung với Bộ trưởng Nông nghiệp David Littleproud: “Chính phủ Úc sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp bảo vệ lợi ích của các nhà sản xuất rượu vang Úc bằng cách sử dụng hệ thống luật đã được thiết lập tại WTO”.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Úc vốn đã trở nên rạn nứt khi chính phủ Úc cấm Huawei sử dụng tham gia cung cấp thiết bị linh kiện cho mạng 5G vào năm 2018. Sau đó, vào đầu năm 2020, căng thẳng tiếp tục leo thang khi Canberra kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc đại dịch Covid-19 bùng phát lần đầu tại Vũ Hán, Trung Quốc.

Úc từ lâu đã được biết đến như đồng minh thân thiết của Mỹ. Chính phủ Trung Quốc sau đó đã đưa ra hàng loạt động thái đáp trả bao gồm áp thuế bán phá giá yến mạch Úc lên tới 80,5%, đồng thời cấm nhập khẩu thịt bò từ hai công ty chế biến thịt hàng đầu đất nước. Tiếp sau đó, hàng loạt mặt hàng xuất khẩu của Úc như gỗ, than… cũng gặp khó khăn khi thâm nhập thị trường Trung Quốc do các biện pháp hạn chế thương mại từ Bắc Kinh.

Năm ngoái, Úc đã đưa ra kháng nghị chính thức lên WTO nhằm xem xét lại quyết định của Trung Quốc về việc áp đặt mức thuế nhập khẩu cao đối với lúa mạch Úc.

Úc kiện Trung Quốc lên WTO - Ảnh 1.

Úc kiện Trung Quốc lên WTO (Ảnh: Reuters)

Trước đó, chính phủ Úc đã chỉ ra rằng mức thuế nhập khẩu rượu vang vào Trung Quốc đã tăng từ 2-3 lần, gây khó khăn lớn cho các nhà xuất khẩu rượu vang Úc. Nguyên nhân là do Bộ Thương mại Trung Quốc hồi tháng 3 đã công bố áp mức thuế chống bán phá giá từ 116,2% đến 218,4% với rượu vang nhập khẩu Úc, thời hạn áp thuế dự kiến kéo dài 5 năm.

Hồi tháng 8 năm ngoái, Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ bắt đầu hai cuộc điều tra về hoạt động bán phá giá và trợ cấp cho các doanh nghiệp rượu vang Úc sau khi nhận được đơn khiếu nại từ Hiệp hội Công nghiệp Rượu Trung Quốc. Đơn khiếu nại chỉ ra rằng chính phủ Úc đã đưa ra 40 chương trình trợ cấp, cho phép các nhà sản xuất rượu Úc cung cấp mặt hàng rượu giá rẻ vào thị trường Trung Quốc, tạo nên môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Trong một tuyên bố, Bộ Thương mại Trung Quốc quyết định sẽ tiến hành điều tra 37 chương trình trợ cấp trên tổng số 40 chương trình bị kiến nghị. Kết thúc cuộc điều tra, phía Trung Quốc đưa ra kết luận hiện tượng bán phá giá gây ra thiệt hại thị trường lớn với ngành công nghiệp rượu trong nước.

Điều này dẫn đến hệ quả là kim ngạch xuất khẩu rượu vang từ Úc sang Trung Quốc trong 4 tháng, từ tháng 12/2020 đến hết tháng 3/2021 đã giảm mạnh xuống 12 triệu AUD từ mức 325 triệu AUD cùng kỳ năm ngoái. Các số liệu trong ngành cho thấy mức thuế quan mới đã khiến các nhà xuất khẩu rượu vang Úc gần như bị đánh bật khỏi thị trường xuất khẩu truyền thống lớn nhất của họ. 

Trung Quốc trước đó là thị trường xuất khẩu rượu vang lớn nhất của Úc, chiếm khoảng 39% tổng các lô hàng xuất khẩu rượu vang trong 9 tháng đầu năm 2020, theo thống kê của hiệp hội rượu Wine Australia. Cả Wine Australia và chính phủ Úc đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc bán phá giá rượu mà Trung Quốc đưa ra.

“Chúng tôi đã làm việc sát sao với ngành công nghiệp rượu vang Úc để nắm bắt những thiệt hại do động thái từ phía Trung Quốc gây ra… Chúng tôi sẽ sớm thông báo về việc có đưa vụ việc thuế rượu vang ra trước WTO vào những tuần tới hay không” - ông Dan Tehan cho hay. 

Trước đó vào tháng 6, Thủ tướng Scott Morrison đã kêu gọi WTO giải quyết tình trạng bế tắc giữa hai nước. Canberra cũng nhận được sự ủng hộ của nhóm G7 về việc củng cố lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh khi Trung Quốc không ngừng bành trướng tầm ảnh hưởng ngày càng tăng trên toàn cầu. 

Dù vậy, Bộ trưởng Thương mại Úc Tehan hồi tháng trước cho hay ông đã gửi thông điệp cho người đồng cấp Trung Quốc, bày tỏ kỳ vọng cải thiện mối quan hệ song phương theo hướng xây dựng. Song song với đó, Úc đang tìm kiếm những thị trường mới cho sản phẩm rượu vang. Hiện Úc đang đàm phán một hiệp định thương mại tự do với Anh và EU.


NTTD
Cùng chuyên mục