Những"ông lớn" nào hưởng lợi khi VNĐ lên giá?

24/12/2020 06:49 GMT+7
Không giống như những năm trước khi tiền đồng thường mất giá so với USD, năm 2020, tiền đồng đã tăng giá nhẹ khoảng 0,2% so với USD, trong khi thị trường ngoại hối gần như không có áp lực cuối năm. VND tăng giá, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Vietnam Airlines là các doanh nghiệp có dư nợ vay USD lớn sẽ hưởng lợi.

Tiền đồng có thể tăng giá so với USD trong năm 2021

Trong báo cáo công bố mới đây, khối nghiên cứu kinh tế toàn cầu HSBC cho biết, trong suốt năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã có những chỉ đạo kịp thời để đảm bảo thị trường nói chung ổn định và phát triển bền vững.

Vay 5 vạn tỷ USD, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hưởng lợi khi VND lên giá? - Ảnh 1.

VND tăng giá, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Vietnam Airlines là các doanh nghiệp có dư nợ vay USD lớn sẽ hưởng lợi. (Ảnh minh họa)

Chẳng hạn Ngân hàng Nhà nước đã hạ tỷ giá bán USD trong tháng 3/2020, để đáp ứng nhu cầu chính đáng khi thị trường ngoại hối chịu áp lực trong thời kỳ xã hội giãn cách, và giảm tỷ giá mua USD vào tháng 11 khi nguồn cung USD trên thị trường trở lại dồi dào.

Nhìn chung cả năm 2020, diễn biến tỷ giá không giống như những năm trước, vì VND thậm chí đã tăng giá nhẹ khoảng 0,2% so với USD, trong khi thị trường ngoại hối gần như không có áp lực cuối năm.

Vay 5 vạn tỷ USD, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hưởng lợi khi VND lên giá? - Ảnh 2.

Tiền đồng có thể tăng giá so với USD trong năm 2021

Về bức tranh tỷ giá trong năm 2021, HSBC cho biết có cơ sở để kỳ vọng tỷ giá tiếp tục được điều hành theo cơ chế linh hoạt.

Hơn nữa, với việc dự trữ ngoại hối cao kỷ lục, Ngân hàng Nhà nước có đủ công cụ và nguồn lực để điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, đáp ứng cung-cầu thị trường.

Dưới góc nhìn của mình, Công ty Chứng khoán VnDirect (VnDirect) duy trì quan điểm "đồng USD yếu" do Fed tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó, việc đồng nhân dân tệ (NDT) mạnh lên trong những tháng gần đây có thể giúp thu hẹp thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, qua đó hỗ trợ tỷ giá.

Trong nước, VnDirect nhận thấy một số yếu tố hỗ trợ sức mạnh của tiền đồng như kinh tế Việt Nam hồi phục nhanh và áp lực lạm phát giảm trong năm 2021. Bên cạnh đó, cán cân thanh toán, cán cân thương mại được dự báo tiếp tục thặng dư trong năm 2021 và dự trữ ngoại hối gia tăng là những điều kiện củng cố sức mạnh của tiền đồng.

Trong bối cảnh các yếu tố thúc đẩy tiền đồng mạnh hơn đang nổi lên, VnDirect dự báo tiền đồng có thể tăng giá so với USD trong năm 2021, biến động trong biên độ hẹp +/- 0,5%.

Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Vietnam Airlines hưởng lợi khi VND lên giá?

VND lên giá trong năm 2020 và tiếp tục được dự báo tăng vào năm 2021 ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp có dư nợ vay lớn bằng ngoại tệ, đặc biệt là USD.

Vay 5 vạn tỷ USD, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hưởng lợi khi VND lên giá? - Ảnh 3.

Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng dẫn đầu về dư nợ USD (Nguồn: Mirae Asset, Bloomberg và Fiinpro)

Theo thống kê của các nhà phân tích đến từ công ty chứng khoán Mirae Asset, có khoảng 11 doanh nghiệp niêm yết hưởng lợi khi VND tăng giá. Trong đó, có tới 9 doanh nghiệp được thống kê có dư nợ vay bằng ngoại tệ chiếm tỷ trọng trên 41% trong tổng số nợ vay của doanh nghiệp.

Đứng đầu trong bảng thống kê của Mirae Asset, CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (HND) với 3.938 tỷ đồng tổng nợ vay. Tuy nhiên trong đó, có tới 96,06% dư nợ vay bằng đồng USD.

Có tỷ trọng dư nợ bằng USD cao thứ 2 trong danh sách này là CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) với 6.051 tỷ đồng dư nợ USD, trong tổng 6.519 tỷ đồng nợ vay của doanh nghiệp.

Tiếp theo là CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HOSE: DCM) và CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HOSE: NT2) với tỷ trọng nợ vay ngoại tệ chiếm 84,43% và 81,14% tổng nợ vay của doanh nghiệp.

2 cái tên nổi bật có tỷ trọng dư nợ vay ngoại tệ trên dưới 70% là Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (HOSE: HVN) và Tập đoàn Vingroup - CTCP (HOSE: VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Nếu xét về dư nợ theo giá trị tuyệt đối, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi VND tăng giá bởi con số dư nợ USD của Vingroup lên tới hơn 52.000 tỷ đồng. Trong khi đó, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines - HOSE: HVN) cũng có tới trên 24.539 tỷ đồng dư nợ vay USD.

Tiếp theo là CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (NVL) của đại gia Bùi Thành Nhơn với gần 18.670 tỷ đồng nợ vay USD, chiếm 42% tổng nợ vay của Tập đoàn này.

Thực tế, trong 9 tháng đầu năm nay Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (HOSE: HVN) lỗ chênh lệch tỷ giá của HVN chỉ còn xấp xỉ 469 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái 992 tỷ.

Tại Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, không phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá trong khi cùng kỳ năm ngoái là 63 tỷ đồng.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục