VDSC: Phát triển khu công nghiệp có quỹ đất sạch lớn tiếp tục hưởng lợi

02/01/2020 14:07 GMT+7
VDSC cho rằng ảnh hưởng từ thương chiến Mỹ - Trung, nhu cầu cho thuê khu công nghiệp tiếp tục tăng cao, doanh nghiệp hưởng lợi. Kinh Bắc, Viglacera, Becamex hay Cao su Phước Hòa được đánh giá có quỹ đất rộng lớn trên 1.000 ha.

Báo cáo triển vọng thị trường 2020 của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng nhu cầu thuê đất sẽ tiếp tục cao và đây có thể sẽ là một năm phát đạt cho các nhà phát triển khu công nghiệp có quỹ đất sạch lớn. 

Luận điểm này xuất phát từ số liệu 11 tháng năm 2019 khi vốn FDI giải ngân tăng 3% nhưng số lượng các công ty tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam tăng 30%. Sự biến động này đến từ việc chuyển dịch các nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam. Các đối tác tiềm năng chủ yếu đến từ các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong và Singapore.

VDSC đánh giá Hà Nội và TP HCM vẫn là thị trường tâm điểm, lần lượt chiếm 22% và 17% vốn đầu tư, tiếp theo là Bình Dương, Đồng Nai hay Bắc Ninh.

Môi trường kinh doanh tại Việt Nam rất tiềm năng và hấp dẫn, với chi phí lao động thấp hơn 52% mức trung bình của Trung Quốc và 23% các nước trong khu vực ASEAN. Việt Nam xếp thứ 69 vào năm 2018 về môi trường kinh doanh, sau Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc.

VDSC: Phát triển khu công nghiệp có quỹ đất sạch lớn tiếp tục hưởng lợi - Ảnh 1.

Dựa trên sự phân tích, VDSC đánh giá cao triển vọng của Kinh Bắc (HoSE: KBC) hay Viglacera (HoSE: VGC) với quỹ đất cho thuê lần lượt 1.182 ha và 953 ha. Những quỹ đất này tập trung chủ yếu tại các khu công nghiệp phía Bắc với vị trí thuận lợi, thuộc các tỉnh như Bắc Ninh, Hải Phòng. Điều này sẽ giúp KBC và VGC nắm bắt tốt hơn nhu cầu cho thuê từ các doanh nghiệp điện tử và doanh nghiệp sản xuất phụ tùng linh kiện.

Tại khu vực miền Nam, Becamex (UPCoM: BCM) và Cao su Phước Hòa (HoSE: PHR) cũng sở hữu quỹ đất công nghiệp khổng lồ, rộng hơn 1.000 ha, nằm chủ yếu ở tỉnh Bình Dương. Khách thuê chính là các doanh nghiệp gỗ, bao gồm cả trong nước và nước ngoài. Ngoài ra, cơ cấu khách thuê cũng rất đa dạng đến từ nhiều ngành bao gồm vận tải, điện, cơ khí, gỗ và hàng tiêu dùng.

Tuy nhiên, ngành này cũng đối mặt với các rủi ro như dòng vốn nước ngoài chậm lại do tình trạng bất ổn toàn cầu; cản trở ban đầu do chi phí chuyển dịch nhà máy tăng cao; quy định thủ tục gây chậm trễ trong việc triển khai và tăng chi phí giải phóng mặt bằng.

Người Đồng Hành
Cùng chuyên mục