Việt Nam chi 300 triệu USD nhập khẩu thịt lợn ướp lạnh

05/12/2020 07:07 GMT+7
11 tháng 2020, chi nhập khẩu thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh của Việt Nam ước đạt khoảng 300 triệu USD, chủ yếu từ 5 thị trường chủ lực gồm Nga, Brazil, Canada, Hoa Kỳ, Ba Lan.

Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10/2020, Việt Nam nhập khẩu hơn 21.000 tấn thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (mã HS 0203), trị giá 50,72 triệu USD, tăng 861,1% về lượng và tăng 1,245% về trị giá so với tháng 10/2019.

Lũy kế 10 tháng năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 111.500 tấn thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 265,5 triệu USD, tăng 407,3% về lượng và tăng 530,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, Nga, Brazil, Canada, Hoa Kỳ và Ba Lan là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam từ đầu năm tới nay.

Với mức nhập khẩu trung bình mỗi tháng trên 50 triệu USD, ước tính 11 tháng năm 2020, chi nhập khẩu thịt lợn đông lạnh đã vượt 300 triệu USD.

Việt Nam chi 300 triệu USD nhập khẩu thịt lợn ướp lạnh - Ảnh 1.

Cơ cấu thị trường cung cấp thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (mã HS: 0203) cho Việt Nam.

Trên toàn cầu, lượng thịt lợn nhập khẩu cũng theo chiều hướng tăng mạnh trong 11 tháng. Báo cáo thị trường và thương mại thế giới về gia súc – gia cầm mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), khối lượng nhập khẩu thịt lợn trên thế giới trong năm 2020 tăng gần 23% so với năm 2019, lên 10,4 triệu tấn.

Sự tăng trưởng này là nhờ nhu cầu lớn tại Trung Quốc và Việt Nam, với nhập khẩu của Trung Quốc ước tăng tới 96% so với năm 2019, lên 4,8 triệu tấn và Việt Nam tăng nhập khẩu 71%, lên 160.000 tấn.

Tại thị trường trong nước, theo báo cáo nông lâm thuỷ sản từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, trong tháng 11/2020, giá lợn hơi trong nước có xu hướng giảm so với tháng 10/2020 và hiện dao động trong khoảng 65.000 – 74.000 đồng/kg. Mức giá này đã giảm tiếp 2.000 - 4.000 đồng/kg so với cuối tháng 10/2020 nhờ nguồn cung thịt lợn dồi dào hơn.

Ngoài nguồn cung nhập khẩu, nguồn cung thịt lợn trong nước cũng đang ngày càng dồi dào hơn, là tín hiệu tích cực cho thị trường tiêu dùng những tháng cuối năm.

Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, địa phương có ngành chăn nuôi lợn lớn nhất nước cho biết, mục tiêu của tỉnh Đồng Nai đến cuối năm 2020, tổng đàn lợn sẽ khôi phục được 2,5 triệu con như thời điểm trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi và sẽ đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho thị trường.

Để đảm bảo nguồn cung thịt lợn và tính bền vững cho ngành chăn nuôi lợn, Cục Thú y cũng vừa phát đi cảnh báo với các nhà sản xuất chăn nuôi lợn về mức độ gia tăng dịch tả lợn sau hàng loạt các ổ dịch mới trong những tháng gần đây. Dữ liệu từ Cục Thú y cho thấy, từ tháng 10/2020 đến nay, dịch tả lợn đã bùng phát tại 31 tỉnh, thành làm chết 20.500 con lợn, tăng gấp đôi so với các tháng trước đó.

Theo Thế Hoàng/Báo Đầu tư
Cùng chuyên mục