Việt Nam còn dư khoảng 2,67 triệu tấn gạo cho xuất khẩu, nhưng không thể chủ quan

21/08/2023 06:53 GMT+7
Bộ Công Thương cho rằng, mặc dù sản lượng gạo đủ để đảm bảo an ninh lương thực nội địa và dư để xuất khẩu nhưng không vì vậy mà chủ quan.

Việt Nam còn dư khoảng 2,67 triệu tấn gạo cho xuất khẩu 

Theo Bộ Công Thương, tình hình thương mại lương thực toàn cầu đang rất phức tạp, do nhiều nước đã có lệnh cấm xuất khẩu gạo, như Ấn Độ, UAE, Nga. Bên cạnh đó, hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lương thực, ngũ cốc tại nhiều khu vực.

Điều này đã tác động mạnh đến nguồn cung sản lượng gạo toàn cầu, làm quan ngại về các vấn đề an ninh lương thực thế giới cũng như ảnh hưởng đến xu hướng phục hồi kinh tế của nhiều quốc gia khi tình trạng lạm phát chưa được cải thiện.

Việt Nam còn dư khoảng 2,67 triệu tấn gạo cho xuất khẩu, nhưng không thể chủ quan - Ảnh 1.

Việt Nam còn dư khoảng 2,67 triệu tấn gạo cho xuất khẩu. (Ảnh: CT)

Trích dẫn số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương cho biết, năm 2023 cả nước gieo trồng được 7,1 triệu ha, năng suất trung bình đạt 6,07 tấn/ha, sản lượng đạt trên 43,1 triệu tấn, tăng 452.000 tấn so với năm 2022.

Với sản lượng lúa dự kiến như trên, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023.

Trong 7 tháng đầu năm 2023 đã xuất khẩu 4,83 triệu tấn, còn khoảng 2,67 triệu tấn cho xuất khẩu trong 5 tháng còn lại của năm 2023.

Không thể chủ quan

Bộ Công Thương cho rằng, mặc dù sản lượng gạo đủ để đảm bảo an ninh lương thực nội địa và dư để xuất khẩu nhưng không vì vậy mà chủ quan. Trên thực tế, Bộ đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tại địa phương tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tại các địa phương theo dõi sát tình hình giá gạo.

Đồng thời, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo.

Ghi nhận từ một số địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh đã chủ động thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm với mặt hàng gạo.

Đơn cử tại Bến Tre, theo Cục Quản lý thị trường tỉnh này, trước tình hình thị trường gạo trong nước tiềm ẩn nhiều phức tạp, nhằm ổn định nguồn cung ứng gạo cho người tiêu dùng, Cục đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng kiểm tra, kiểm soát địa bàn và kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm về gian lận xuất xứ, bảo vệ thương hiệu gạo Việt Nam.

Điển hình Đội Quản lý thị trường số 1 đã khảo sát, tiến hành kiểm tra tại 6 hộ kinh doanh gạo trên địa bàn huyện Ba Tri và huyện Giồng Trôm, phát hiện vi phạm và tạm giữ trên 75 tấn gạo (gồm gạo phế và gạo trắng).

Trong đó có 10 tấn gạo không có nhãn hàng hóa (không có nhãn gốc) và trên 65 tấn gạo có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

Đội Quản lý thị trường số 1 đã xử lý các vụ việc trên với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính là 79,2 triệu đồng, trị giá hàng hóa 850 triệu đồng. Hiện các hộ kinh doanh đã chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Trong khi đó, tại Kiên Giang, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang cũng có chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo.

Theo đó, ngày 17/8/2023, Đội Quản lý thị trường số 3 đã tiến hành rà soát, giám sát các cơ sở kinh doanh mặt hàng gạo trên địa bàn thành phố Hà Tiên; đồng thời các hộ này đã ký cam kết không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng.

Đặc biệt, cam kết niêm yết giá và bán đúng giá theo quy định, không đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý…

Theo đánh giá chung, việc thực hiện tuyên truyền, giám sát của lực lượng Quản lý thị trường các địa phương đã nâng cao nhận thức về chấp hành các quy định pháp luật về kinh doanh gạo cho các tiểu thương, góp phần tạo sự ổn định trên thị trường gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Công Luận
Cùng chuyên mục