‘Việt Nam đạt tới tỷ lệ ưu đãi cao nhất từ EVFTA trong số các đối tác’

08/06/2020 10:57 GMT+7
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng với EVFTA, lần đầu tiên Việt Nam đạt tới tỷ lệ ưu đãi cao nhất trong số các đối tác thương mại của mình.

Sáng 8/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Với 457 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết (chiếm 94,6% tổng số đại biểu), đã có 457 phiếu tán thành.

Tại hội nghị Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng hiệu quả hiệp định EVFT hôm qua (7/6), Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định thông qua các FTA thế hệ mới, Việt Nam đã có chiến lược hội nhập hoàn chỉnh khi quan hệ thương mại tự do với 15/20 nền kinh tế lớn nhất của thế giới.

Lợi ích cuối cùng để hoàn chỉnh chiến lược hội nhập

Ông nhấn mạnh với EVFTA, lần đầu tiên Việt Nam đạt tới tỷ lệ ưu đãi cao nhất trong số các đối tác thương mại của Việt Nam. Ngay trong vòng 7 năm đầu tiên khi thực thi Hiệp định, việc cắt giảm thuế quan cho các mặt hàng sản phẩm của Việt Nam sang EU lên tới 97%.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng việc thông qua EVFTA sẽ tạo điều kiện phát triển cho Việt Nam để có thể chủ động ứng phó với các xu thế phát triển, những nguy cơ, tác động mà tình hình đang ngày càng phức tạp chung trên thế giới.

‘Việt Nam đạt tới tỷ lệ ưu đãi cao nhất từ EVFTA trong số các đối tác’ - Ảnh 1.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Hiếu Công.

“EVFTA có thể nói là những điểm nhấn và là những lợi ích cuối để hoàn chỉnh chiến lược hội nhập”, ông nói.

Thông qua hiệp định, Việt Nam có thể làm ăn với 27 quốc gia thành viên EU, quy mô GDP đã lên tới 18.000 tỷ USD. Các quốc gia này đều có trình độ phát triển kinh tế, trình độ công nghệ, quy mô phát triển thị trường cao. Ông đánh giá đây là những đối tác quan trọng hàng đầu của thế giới, đặc biệt đối với Việt Nam là quốc gia đang phát triển.

Theo tính toán, EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm khoảng 2,2-3,3% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện) và khoảng 4,6-5,3% (cho giai đoạn 5 năm tiếp theo). Cho 5 năm tiếp theo, mức tăng thêm khoảng 7,1-7,7%. Ví dụ, GDP năm 2021 tăng trưởng 7% thì EVFTA sẽ giúp tăng trưởng thêm khoảng 2,2-3,3% của mức 7%.

EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ). Thông qua EVFTA, Việt Nam có thể tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người, GDP khoảng 18.000 tỷ USD, chiếm 22% GDP toàn cầu.

Về nhập khẩu, dự kiến nhập khẩu của Việt Nam từ EU sẽ tăng khoảng 33,1% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.

EVFTA cũng là cơ hội để Việt Nam có thể thu hút thêm các nhà đầu tư từ EU trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, dịch vụ.

Về lao động, EVFTA dự kiến giúp tăng thêm khoảng 146.000 việc làm mỗi năm. Về thu ngân sách, dự kiến tổng mức giảm thu từ giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trên 2.500 tỷ đồng, tuy nhiên tăng thu từ thu nội địa dưới tác động của đầu tư, thương mại và tăng trưởng kinh tế khoảng 7.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2030.

Khẳng định vị thế trung tâm khu vực

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định EVFTA là hiệp định toàn diện đồng thời có chất lượng cao bởi nội dung trải rộng và bao phủ lên hầu hết lĩnh vực của các quốc gia.

Ông nhấn mạnh với những yêu cầu và đòi hỏi rất cao thì EVFTA được coi là công cụ và nền tảng quan trọng để giúp các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách và thực thi các biện pháp cùng với mở cửa thị trường, hoàn thiện thể chế pháp luật để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả quản trị quốc gia cũng như tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền theo hướng văn minh dân chủ và phát triển.

Thông qua những yêu cầu và cam kết, các hoạt động cụ thể của từng ngành từng lĩnh vực nền kinh tế cũng sẽ có được những điều kiện thuận lợi để thụ hưởng những ưu đãi trong tiếp cận với thị trường quốc tế về cả tín dụng, thị trường hàng hóa, dịch vụ, đổi mới công nghệ, thị trường lao động…

‘Việt Nam đạt tới tỷ lệ ưu đãi cao nhất từ EVFTA trong số các đối tác’ - Ảnh 2.

Việt Nam và Liên minh châu Âu đã chính thức ký Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) chiều 30/6 tại Hà Nội. Ảnh: Việt Linh.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh những thuận lợi về cải cách thể chế và cơ chế hợp tác song phương sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho Việt Nam trở thành và khẳng định vị thế trung tâm của khu vực trong việc thu hút đầu tư để tiếp tục cải thiện trình độ công nghệ, trình độ nguồn nhân lực, năng suất lao động.

Thêm vào đó là những cơ hội để Việt Nam tham gia vào tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng mới đang bị đứt gãy do Covid-19 và những tình huống mới trong bối cảnh chung của khu vực và toàn cầu.

Ông nhấn mạnh công nghệ, nguồn vốn tín dụng của EU cùng với lao động và nền kinh tế của Việt Nam trong vị thế mới, đang có sức bật mới, tăng trưởng nhanh và bền vững sẽ cho phép chúng ta cộng hưởng để tạo ra chuỗi giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng mà Việt Nam và EU đang kỳ vọng.

Chính vậy, Việt Nam đã trở thành một trong những đối tác đang phát triển đầu tiên của EU được lựa chọn đàm phán ký kết FTA.

Những mốc thời gian chính trong tiến trình phê chuẩn EVFTA

Tháng 10/2010: Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đã đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.

Tháng 6 năm 2012: Bộ trưởng Công Thương Việt Nam và Cao ủy Thương mại EU đã chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.

Tháng 12 năm 2015: Kết thúc đàm phán và bắt đầu rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định.

Tháng 6 năm 2017: Hoàn thành rà soát pháp lý ở cấp kỹ thuật

Tháng 9 năm 2017: EU chính thức đề nghị Việt Nam tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước với nhà đầu tư (ISDS) ra khỏi Hiệp định EVFTA thành một hiệp định riêng do phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do của EU hay từng nước thành viên. Theo đề xuất này, EVFTA sẽ được tách thành hai hiệp định riêng biệt, bao gồm:

- Hiệp định Thương mại tự do bao gồm toàn bộ nội dung EVFTA hiện nay nhưng phần đầu tư sẽ chỉ bao gồm tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài. Với Hiệp định này, EU có quyền phê chuẩn và đưa vào thực thi tạm thời.

- Hiệp định Bảo hộ đầu tư (Hiệp định IPA) bao gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư. Hiệp định IPA này phải được sự phê chuẩn của cả Nghị viện Châu Âu và của Nghị viện các nước thành viên thì mới có thể thực thi.

Ngày 17/10/2018: Ủy ban châu Âu đã chính thức thông qua EVFTA và IPA.

Ngày 25/6/2019: Hội đồng châu Âu đã phê duyệt cho phép ký Hiệp định.

Ngày 30/6/2019: Việt Nam và EU chính thức ký kết EVFTA và IPA.

Ngày 21/1/2020: Ủy ban Thương mại Quốc tế Liên minh châu Âu thông qua khuyến nghị phê chuẩn EVFTA.

Ngày 30/3/2020: Hội đồng châu Âu thông qua Hiệp định EVFTA.

Ngày 8/6/2020: Quốc hội Việt Nam phê chuẩn EVFTA.

Hiếu Công/Zing
Cùng chuyên mục