Việt Nam được lợi gì khi Mỹ tung gói hỗ trợ 1.900 tỷ USD ?

24/04/2021 08:47 GMT+7
Với gói hỗ trợ 1.900 tỷ USD của Mỹ, dự báo xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng thêm khoảng 2,6 tỷ USD, qua đó giúp GDP Việt Nam năm 2021 (sau đánh giá lại) tăng trưởng thêm 0,8 điểm %. Tuy nhiên, có thể gây áp lực tăng lạm phát và lãi suất đối với Việt Nam.

Các gói hỗ trợ hàng nghìn tỷ USD dưới thời Tổng thống Trumpchính quyền Tổng thống Biden

Trong năm 2020, Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 với gần 20 triệu người nhiễm và gần 350 nghìn ca tử vong (đến hết ngày 21/4/2021, Mỹ có 32,6 triệu người nhiễm và 583 nghìn người tử vong).

Các hoạt động sản xuất, đầu tư, thương mại bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và thu nhập của người dân giảm mạnh; buộc Chính phủ Mỹ và Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ siêu nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế.

Thông kê cho thấy, tính tới thời điểm hiện tại để đối phó với dịch Covid-19, nước Mỹ đã có 3 gói hỗ trợ lớn với tổng giá trị khoảng 5.400 tỷ USD, tương đương khoảng 25,5% GDP năm 2020.

Việt Nam được lợi gì khi Mỹ tung gói hỗ trợ 1.900 tỷ USD - Ảnh 1.

Gói hỗ trợ 1.900 tỷ đã được phê duyệt theo đề xuất của chính quyền Tổng thống Biden

Trong đó, có 2 gói hỗ trợ dưới thời Tổng thống Trump tổng giá trị 3.503 tỷ USD, chiếm 16,7% GDP năm 2019 của Mỹ.

Gói hỗ trợ thứ 3 là gói hỗ trợ được chính quyền Tổng thống Biden đề xuất (khoảng 1.900 tỷ USD) mang tên Kế hoạch giải cứu nước Mỹ - American Rescue Plan - ARP) - đã được phê duyệt.

Ngoài ra, còn 2 gói lớn khác đang xem xét. Nếu 2 đề xuất còn lại này được Quốc hội Mỹ thông qua, tổng giá trị các gói hỗ trợ và đầu tư của Mỹ sẽ lên tới 8.100 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2029, tương đương 38,3% GDP năm 2020.

Tác động đối với Việt Nam

Theo đánh giá của TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV, các gói hỗ trợ của Mỹ (trước mắt là gói 1.900 tỷ USD) sẽ thúc đẩy tiêu dùng, cầu hàng hóa – dịch vụ, từ đó tác động tích cực tới hoạt động xuất khẩu của các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam.

Cụ thể, theo Citi Research (3/2021), kinh tế Mỹ dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh trong quý II/2021 và tiếp tục tăng mạnh trong 3 quý kế tiếp nhờ các gói hỗ trợ này.

Điều này sẽ khiến nhu cầu nhập khẩu của Mỹ tăng lên, đồng nghĩa hoạt động xuất khẩu của các nước Châu Á được hưởng lợi, trong đó Việt Nam là nước hưởng lợi nhiều nhất.

Việt Nam được lợi gì khi Mỹ tung gói hỗ trợ 1.900 tỷ USD - Ảnh 2.

ới gói hỗ trợ 1.900 tỷ USD của Mỹ đang triển khai, dự báo xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng thêm khoảng 2,6 tỷ USD (so với không có gói hỗ trợ)

Dự kiến, nếu tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ đạt 7,7% năm 2021 (như dự báo của Bloomberg Economics) thì GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng thêm 1,085 điểm % hay ít nhất là 0,517 điểm phần %.

Đáng chú ý, với mục tiêu trọng tâm của gói hỗ trợ 1.900 tỷ USD là hỗ trợ tài chính cho các cá nhân và hộ gia đình Mỹ dự kiến đã và sẽ làm tăng nhu cầu tiêu dùng đối với các mặt hàng giày dép, quần áo, đồ nội thất, điện thoại di động và thiết bị điện tử, hải sản…

Đây vốn là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Mỹ (chiếm khoảng 76% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ năm 2020).

Trước đó, trong năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ tăng 25,6% so với năm trước và quý I/2021 tiếp tục tăng 38,9% so với cùng kỳ, giúp Việt Nam trở thành đối tác nhập khẩu lớn thứ 6 của Mỹ.

Theo ước tính của Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, với gói hỗ trợ 1.900 tỷ USD của Mỹ đang triển khai, dự báo xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng thêm khoảng 2,6 tỷ USD (so với không có gói hỗ trợ), qua đó giúp GDP Việt Nam năm 2021 (sau đánh giá lại) tăng trưởng thêm 0,8 điểm % (so với không có gói hỗ trợ).

Việt Nam được lợi gì khi Mỹ tung gói hỗ trợ 1.900 tỷ USD - Ảnh 3.

Tác động thứ 2, đó là các gói hỗ trợ của Mỹ có thể khiến dòng vốn vào thị trường châu Á bị thay đổi.

Citi Research (3/2021) nhận định, kinh tế Mỹ hồi phục nhờ các gói hỗ trợ sẽ tạo áp lực tăng lạm phát và kinh tế Mỹ phục hồi tăng trưởng mạnh, điều này có thể khiến cho lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ cùng giá trị đồng USD tăng lên, kéo theo dòng vốn đầu tư quay lại thị trường Mỹ, khiến cho thanh khoản thị trường tài chính tại các nước Châu Á trở nên căng thẳng hơn.

Thứ ba, các gói hỗ trợ của Mỹ có thể khiến lạm phát toàn cầu tăng, gây áp lực tăng lạm phát và lãi suất đối với các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam.

Xét trong ngắn hạn, các gói hỗ trợ của Mỹ giúp phục hồi nhu cầu sản xuất - tiêu dùng, góp phần khiến giá cả hàng hóa (giá dầu, sắt, thép, nông sản…) tăng lên, từ đó tạo áp lực tăng lạm phát và lãi suất tại các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo Citi Research (4/2021), kinh tế Mỹ và Châu Á hồi phục có thể khiến các nước Châu Á thu hẹp chính sách hỗ trợ cũng làm cho lãi suất có xu hướng tăng lên.

Lãi suất tăng khiến chi phí vay vốn mới cộng với nghĩa vụ trả nợ hiện tại đều tăng, nhất là trong bối cảnh nợ toàn cầu (gồm nợ Chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình) tăng rất nhanh giai đoạn 2019-2021 (một phần là vì tiền rẻ, lãi suất thấp), lên đến mức 365-370%GDP năm 2021.

Thứ tư, chính sách tiền tệ siêu nới lỏng cùng chính sách tài khóa mở rộng với quy mô lớn khiến tình trạng đầu cơ vào thị trường chứng khoán, bất động sản, tiền kỹ thuật số…tăng lên, khiến bất ổn trên thị trường tài chính – tài sản toàn cầu gia tăng.

"Các khoản tiền hỗ trợ quy mô lớn cùng lãi suất ở mức thấp khiến nhiều thị trường chứng khoán trên toàn cầu tăng lên mức cao nhất trong lịch sử.

Tiêu biểu như chỉ số chứng khoán Dow Jones của Mỹ tăng 7,2% năm 2020 và tăng 10,5% từ đầu 2021 năm đến nay; chỉ số MSCI Châu Á-TBD tăng gần 4% từ đầu năm. Tiền kỹ thuật số như giá Bitcoin tăng gần 70% từ đầu năm đến nay. Bất động sản tăng mạnh với giá nhà ở toàn cầu tăng 5,6% năm 2020, mức tăng cao nhất từ năm 2018 và được dự báo tiếp tục tăng,…

IMF, WB đã có nhiều cảnh báo và kêu gọi các quốc gia lưu ý kiểm soát, hợp tác quốc tế để hạn chế rủi ro bong bóng xảy ra", báo cáo đánh giá.


Huyền Anh
Cùng chuyên mục