Vietjet của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo báo lãi "vượt mặt" Vietnam Airlines

02/08/2019 12:55 GMT+7
Công ty CP Hãng hàng không Vietjet (VJC) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 với lợi nhuận trước thuế đạt 2.398 tỷ đồng, đóng góp không nhỏ vào lợi nhuận doanh thu từ hoạt động bán tái thuê máy bay.

Công ty cổ phần hàng không Vietjet của nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2019 với gần 2.398 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm 2019.

Theo đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vietjet đạt 26.301 tỷ đồng, tăng 23,9% so với nửa đầu năm 2019. Tương ứng, giá vốn hàng bán trong kỳ cũng tăng từ 18.223 tỷ lên 22.846 tỷ đồng, khiến cho lợi nhuận gộp của Vietjet “cộng thêm” 15%, mang về cho hãng hàng không này 3.451 tỷ đồng.

Riêng quý II/2019, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vietjet đạt 12.664 tỷ đồng, tăng tới 46% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu quốc tế gấp 1,7 lần doanh thu nội địa.

vietjet cua ty phu nguyen thi phuong thao bao lai

Nếu xét về lĩnh vực, vận chuyển hành khách có doanh thu lên tới 6.308 tỷ đồng, chiếm gần 50% trong tổng doanh thu. Trong quý này, Vietjet phát sinh khoản doanh thu hơn 3.096 tỷ từ chuyển giao quyền sở hữu và thuê tàu bay, trong khi kỳ trước khoản mục này không ghi nhận doanh thu.

Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động tài chính mang về cho Vietjet trên 254,7 tỷ đồng, tăng gần 86% so với cùng kỳ. Kỳ này, chi phí tài chính là hơn 125 tỷ đồng. Phần lỗ từ công ty liên doanh, liên kết tương đương với cùng kỳ. Trong khi chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng mạnh 52% và 44%.

Quý II/2019, hoạt động tài chính đạt 142 tỷ đồng chủ yếu đến từ lãi tiền gửi và cho vay (123 tỷ đồng); lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái đã thực hiện phát sinh (1,5 tỷ). Chi phí bán hàng tăng 120 tỷ đồng bao gồm chi phí bán hàng tăng 79 tỷ, chi phí tiếp thị tăng 58 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp lại giảm do giảm chi phí khấu hao và chi phí khác.

vietjet cua ty phu nguyen thi phuong thao bao lai

Lợi nhuận khác cũng tăng đột biến và mang về cho Vietjet gần 20 tỷ, gần gấp 10 lần con số của cùng kỳ. Kết quả, 6 tháng, Vietjet của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo ghi nhận gần 2.378 tỷ đồng lãi thuần, cao hơn so với mức 2.157 tỷ của cùng kỳ năm trước.

Với những biến động này, lợi nhuận trước thuế của Vietjet tăng trưởng 11%. Lợi nhuận sau thuế đạt trên 2.084 tỷ đồng.

Điều đáng nói, mặc dù doanh thu hợp nhất của Vietjet thấp hơn Vietnam Airlines nhưng lợi nhuận trước thuế của hãng hàng không tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã vượt hãng hàng không quốc gia.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Vietnam Airlines 6 tháng đầu năm đạt 1.650 tỷ đồng, Vietjet đạt hơn 2.398 tỷ đồng, cao hơn 748 tỷ đồng so với Vietnam Airlines.

Đặc biệt, quý II/2019, nếu không có khoản lợi nhuận khác đột biến, Vietnam Airlines đã phải báo lỗ trong quý này.

Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của Vietjet đạt 44.461 tỷ đồng, tăng so với 39.086 tỷ hồi đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm phần nửa với 22.506 tỷ đồng.

Đáng chú ý, khoản phải thu ngắn hạn của doanh nghiệp tăng thêm 5.400 tỷ lên 15.652 tỷ đồng. Trong đó, phải thu ngắn hạn của khách hàng 5.882 tỷ, tăng gấp đôi đầu năm. Phải thu ngắn hạn khác tăng từ 6.732 tỷ lên 9.115 tỷ đồng, trong đó khoản lớn nhất đến từ tiền đặt cọc mua máy bay hơn 3.300 tỷ đồng; các khoản đóng góp vào quỹ bảo dưỡng máy bay hơn 2.088 tỷ, tăng gần gấp đôi cùng kỳ; chi trả hộ bên liên quan công ty Thái VZ gần 1.098 tỷ đồng, trong khi đầu năm chỉ hơn 682 tỷ đồng; khoản giảm giá mua hàng phải thu 1.433 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với đầu năm.

vietjet cua ty phu nguyen thi phuong thao bao lai

Về nguồn vốn, nợ phải trả tính tới 30/6 là 28.838 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu kỳ và gấp 1,8 lần so với vốn chủ sở hữu doanh nghiệp.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 của Vietjet cũng cho thấy nhiều bất ngờ về dòng tiền. Cụ thể, vay nợ 6 tháng đầu năm của hãng hàng không của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tăng 42% so với đầu năm, từ 5.464 tỷ đồng lên 7.787 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vay nợ ngắn hạn tăng vọt từ 4.892 tỷ đồng lên 7.242 tỷ đồng. Tiền và tương đương tiền cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh từ 7.164 tỷ đồng từ đầu năm xuống còn 5.265 tỷ đồng.

Điểm đáng lưu ý trong báo cáo lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 ghi nhận Vietjet của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo bất ngờ âm hơn 2.270 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái là dương 1.561 tỷ đồng. Trong đó biến động các khoản phải thu ghi nhận sự tăng vọt lên mức âm 6.131 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm 1.763 tỷ đồng.

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư của Vietjet cũng ghi nhận mức sụt giảm mạnh từ mức âm 2.626 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2018 xuống còn mức âm 1.493 tỷ đồng, nguyên nhân trong khi không phát sinh tiền chi đầu tư cho các đơn vị khác.

Lê Thúy (Dân Việt)
Cùng chuyên mục