Vietnam Airlines lỗ 17.772 tỷ đồng âm vốn chủ sở hữu

01/09/2021 18:42 GMT+7
Báo cáo tài chính hợp nhất của Vietnam Airlines (HVN) ghi nhận lỗ lũy kế lên đến 17.772 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ dẫn tới âm vốn chủ sở hữu hơn 2.750 tỷ đồng.

Việc thua lỗ lần này đã đi vào lịch sử chưa từng có trong quá trình phát triển hoạt động hàng không của Vietnam Airlines. Mặc dù, doanh thu thuần quý II vẫn tăng 9% lên gần 6.537 tỷ đồng, nhưng vẫn không thể lấp được các khoản lỗ từ các khoản chi phí cố định lớn khiến doanh nghiệp bị lỗ gộp hơn 3.497 tỷ, cao hơn mức lỗ 2.865 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Báo cáo của Vietnam Airlines cho thấy, nguồn thu tài chính cũng sụt giảm 84% do giảm lãi chênh lệch tỷ giá. Lãi tiền gửi, tiền cho vay bằng 1/5 cùng kỳ.

Đáng chú ý, Vietnam Airlines không còn ghi nhận nguồn thu từ khoản thanh lý, nhượng bán tài sản cố định như cùng kỳ, tuy nhiên chi phí bán hàng và chi phí tài chính.

Vietnam Airlines báo lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ hơn 4.449 tỷ đồng trong quý II, xấp xỉ mức thua lỗ kỷ lục trong quý đầu năm.

Vietnam Airlines lỗ 17.772 tỷ đồng âm vốn chủ sở hữu - Ảnh 1.

Máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines tại sân bay Nội Bài. Ảnh: P.C

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần giảm gần 44% về mức gần 14.000 tỷ đồng. Lỗ sau thuế thuộc công ty mẹ lên đến 8.421 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 5.144 tỷ.

Do thị trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch Covid-19, Vietnam Airlines đã điều chỉnh các chỉ tiêu tài chính xuống thấp hơn. Doanh thu hợp nhất dự kiến giảm 11,6% xuống còn gần 37.400 tỷ đồng. Hãng hàng không quốc gia dự kiến lỗ ròng hợp nhất 12.908 tỷ đồng.

Kế hoạch này được xây dựng trên giả định Vietnam Airlines hoàn thành bán 11 tàu bay A321, Chính phủ cho phép mở cửa đón khách đến Phú Quốc, áp dụng hộ chiếu vaccine, hoàn thành giải ngân gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng và có các biện pháp hỗ trợ khác của Chính phủ.

Hiện, Vietnam Airlines đang triển khai kế hoạch chào bán 800 triệu cổ phần HVN cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 56,4% với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Đầu tháng 7 vừa qua, hãng hàng không đã ký hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng gồm SeABank, MSB và SHB với tổng số tiền cho vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.

Việc cho vay tái cấp vốn và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nằm trong gói hỗ trợ 12.000 tỷ được Quốc hội thông qua vào tháng 12/2020.


Thế Anh
Cùng chuyên mục