Vimedimex: Tài sản bốc hơi gần 2.800 tỷ đồng, kiểm toán lưu ý biến động nhân sự cấp cao

15/04/2022 06:30 GMT+7
Thuyết minh báo cáo tài chính của Vimedimex cho thấy, trong năm 2021, Vimedimex đã trả thù lao cho bà Nguyễn Thị Loan 520 triệu đồng. Đồng thời, chi phí tiền lương của Tổng giám đốc và người quản lý ở Vimedimex nhảy vọt từ gần 2,2 tỷ đồng (năm 2020) lên hơn 6,7 tỷ đồng (năm 2021).

Kiểm toán lưu ý biến động nhân sự cấp cao tại Vimedimex mẹ

CTCP Y Dược phẩm Vimedimex (Vimedimex, HoSE: VMD) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán. Theo đó, Kiểm toán viên của AASC cho rằng, Báo cáo tài chính hợp nhất của Vimedimex đã phản ánh trung thực và hợp lý, trên các khía cạnh trọng yếu tình hình tài chính của Tập đoàn tại ngày 31/12/2021.

Tuy nhiên, Kiểm toán viên của AASC lưu ý đến thông tin biến động thành viên hội động quản trị (HĐQT) và kế hoạch tổ chức Đại hội đồng cổ đông để miễn nhiệm, bầu bổ sung thành viên HĐQT và thực hiện các thủ tục thay đổi người đại diện pháp luật theo quy định.

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch HĐQT Vimedimex mẹ đã được miễn nhiệm ngày 16/11/2021 hiện đang có một số vướng mắc về pháp luật trong hoạt động kinh doanh riêng của bà Loan. Vimedimex mẹ hiện đang thực hiện các thủ tục tổ chức Đại hội đồng cổ đông để tiến hành miễn nhiệm, bầu bổ sung thành viên HĐQT và thực hiện các thủ tục thay đổi người đại diện pháp luật theo quy định.

Thuyết minh báo cáo tài chính của Vimedimex cho thấy, trong năm 2021, Vimedimex đã trả thù lao cho bà Nguyễn Thị Loan 520 triệu đồng.

Tài sản của Vimedimex bốc hơi gần 2.800 tỷ đồng, chi phí quản lý nhảy vọt

Năm 2021, Vimedimex hợp nhất ghi nhận doanh thu bán hàng sụt giảm mạnh, hơn 31% so với năm 2020, đạt mức 12.312 tỷ đồng; lợi nhuận gộp qua đó giảm gần 50%. Dù tiết giảm chi phí tài chính và chi phí bán hàng, nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp nhảy vọt do chi phí lương và thù lao tăng đến từ biến động nhân sự đã khiến cho lợi nhuận trước thuế giảm gần 41%, đạt gần 30 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) năm 2021 đạt 1.368 đồng/cổ phiếu.

Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, doanh thu bán hàng của Vimedimex hợp nhất sụt giảm mạnh đến từ Công ty TNHH MTV Vimedimex Bình Dương. Chi phí tiền lương của Tổng giám đốc và người quản lý nhảy vọt từ gần 2,2 tỷ đồng (năm 2020) lên hơn 6,7 tỷ đồng (năm 2021). Ngoài ra, chi phí dịch vụ mua ngoài trong năm 2021 lên đến gần 51,5 tỷ đồng so với mức 14,2 tỷ đồng của năm 2020.

Tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản của Vimedimex đạt 5.527 tỷ, giảm 33,5% so với hồi đầu năm, tương đương tài sản bốc hơi gần 2.800 tỷ đồng. Báo cáo cho thấy, tổng tài sản Vimedimex sụt giảm mạnh chủ yếu do khoản phải thu của khách hàng, hàng tồn kho và trữ tiền mặt giảm mạnh. Tại thời điểm cuối năm 2021, Vimedimex hợp nhất còn gần 2.551 tỷ đồng hàng tồn kho, chiếm hơn 46% tổng tài sản, chủ yếu là hàng tân dược thuộc Công ty TNHH MTV Vimedimex Bình Dương với giá trị hơn 1.991 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, cuối năm 2021, khoản phải trả người bán ngắn hạn sụt giảm mạnh hơn 43,2%, từ gần 7.372 tỷ đồng, xuống mức 4.180 tỷ đồng. Tuy nhiên, vay nợ ngân hàng tăng thêm 267 tỷ đồng. Thuyết minh cho thấy, công ty phát sinh thêm khoản vay ngắn hạn hơn 267 tỷ đồng tại Ngân hàng TNHH MTV ANZ nhằm tài trợ cho các nhu cầu về vốn lưu động của công ty. 

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VMD với biểu đồ giá tăng 1 mạch từ vùng hơn 24.000 đồng/cp lên đỉnh hơn 82.000 đồng/cp vào cuối tháng 8 đầu tháng 9/2021.

Báo cáo tài chính được kiểm toán - Công ty Cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex công bố báo cáo tài chính hợp nhất. - Ảnh 1.

Cổ phiếu giảm mạnh từ đầu tháng 9/2021

Và sau đó lao dốc không phanh xuống còn khoảng 38.000 đồng/cp. Cổ phiếu VMD đứt mạch tăng trần bốn phiên liên tiếp sau khi Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Thị Loan bị bắt ngày 9/11 với cáo buộc bán đấu giá tài sản gây thiệt hại cho nhà nước khoảng 200 tỷ đồng.

Chốt phiên giao dịch ngày 14/04/2022, cổ phiếu VMD đóng cửa ở mức giá 28.500 đồng/cp.

Đặng Minh Phong
Cùng chuyên mục