Vĩnh Hoàn (VHC) đặt mục tiêu lãi kỷ lục, rót 500 tỷ đồng đầu tư nhà máy chế biến trái cây tại Đồng Tháp
Công ty CP Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) công bố tài liệu Đại hội cổ đông thường niên năm 2022, đại hội dự kiến tổ chức ngày 20/4 tại TP.HCM.
Năm 2022, Vĩnh Hoàn đặt kế hoạch doanh thu 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.500 tỷ đồng, lần lượt tăng 43,6% và 36,5% so với thực hiện năm 2021.
HĐQT Công ty cũng trình các cổ đông việc trả cổ tức 2021 là 20% bằng tiền, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận 2.000 đồng. Năm 2022, mức cổ tức dự kiến 20% bằng tiền và 20% bằng cổ phiếu.
Cùng với đó, Vĩnh Hoàn dự kiến phát hành không quá 2% vốn điều lệ, tương đương tối đa 3,67 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên công ty với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 89,5% so với giá thị trường hiện tại, thời gian dự kiến trước ngày 31/12/2022. Mỗi 12 tháng cán bộ công nhân viên của công ty được chuyển nhượng 20% số ESOP trên.
Về kế hoạch đầu tư, công ty dự kiến đầu tư 1.530 tỷ đồng trong năm 2022. Trong đó, 100 tỷ đồng xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi; 350 tỷ đồng xây dựng Xưởng chế biến bột cá-mỡ cá và Cải tạo nhà máy tại Công ty Thanh Bình; 150 tỷ đồng đầu tư thêm 1 line sản xuất Collagen, 1 line cho hoạt động R&D và cải tạo nhà máy tại Công ty Vĩnh Hoàn Collagen; 500 tỷ đồng đầu tư nhà máy chế biến trái cây Thành Ngọc; 280 tỷ đồng các khoản đầu tư cho mở rộng vùng nuôi; và 150 tỷ đồng các khoản đầu tư cho cải tạo nhà máy Vĩnh Phước, Vĩnh Hoàn, Sa Giang.
Năm 2021, doanh thu của công ty đạt 9.054 tỷ đồng, vượt 5% so với kế hoạch đề ra, lợi nhuận sau thuế cao hơn chỉ tiêu 57% ở mức 1.099 tỷ đồng. Các kết quả trên tăng lần lượt 26,3% và 52,8% so với thực hiện 2020.
Mới đây, Vĩnh Hoàn đã thông qua phương án bán hơn 1,4 triệu cổ phiếu quỹ để bổ sung nguồn vốn lưu động. Phương thức giao dịch là khớp lệnh và/hoặc thoả thuận.
Thời gian thực hiện dự kiến trong 4/2022 đến tháng 5/2022, sau khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Tạm tính theo thị giá của VHC, Vĩnh Hoàn có thể thu về 135 tỷ đồng nếu bán hết số lượng cổ phiếu quỹ này.
Cổ phiếu VHC đóng cửa phiên 31/3 ở mức giá 94.800 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hoá thị trường ước tính hơn 17.200 tỷ đồng.
Theo Hiệp Hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), sau khi tăng 44% trong tháng 1 và 62% trong tháng 2, xuất khẩu thuỷ sản tháng 3/2022 tăng trưởng chậm hơn nhưng doanh số vẫn cao hơn đáng kể so với 2 tháng đầu năm.
Tính đến hết tháng 3/2022, tổng xuất khẩu thuỷ sản của cả nước ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả xuất khẩu khả quan chủ yếu nhờ cá tra vẫn đang đà hồi phục mạnh, tăng 80% đạt 261 triệu USD trong tháng 3 với các tín hiệu tích cực về nhu cầu ở các thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc, EU.
Luỹ kế tới hết tháng 3/2022, xuất khẩu cá tra ước đạt 646 triệu USD, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2021. Cá tra đang lấy lại vị thế trong cơ cấu sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu, đến nay chiếm 27% giá trị xuất khẩu thuỷ sản.
2 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu xuất khẩu cá tra đạt 1.900 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng tháng 2/2022, Vĩnh Hoàn ghi nhận tổng doanh thu 1.075 tỷ đồng (bao gồm Sa Giang), tăng 137% so với cùng kỳ và tăng 30% so với tháng trước. Sản phẩm chủ lực là cá tra phile tăng 160%, đạt 785 tỷ đồng và chiếm hơn nửa tổng doanh thu trong khi tạp phẩm (miscellanous) tăng mạnh nhất đến 852% lên 118 tỷ đồng.
Về thị trường xuất khẩu, doanh số xuất khẩu vào Mỹ tăng mạnh 221% lên 627 tỷ đồng, Trung Quốc tăng 73%, châu Âu tăng 19%. Trong khi đó, thị trường nội địa (đa phần qua công ty con Sa Giang) đạt 192 tỷ đồng, tăng 147%. So với tháng trước, thị trường Mỹ tăng 89% và Trung Quốc tăng 170%, ngược lại châu Âu giảm 44% và nội địa giảm 5%.