Những con số thống kê về hàng trăm ca virus corona bùng phát tại Hàn Quốc, Italy và Iran đã dập tắt hy vọng dịch bệnh được kiểm soát kịp thời , chuỗi cung ứng toàn cầu nhanh chóng phục hồi và suy thoái kinh tế toàn cầu được đẩy lùi. Trong một phiên giao dịch đầy hoảng loạn hôm 24/2, chứng khoán Mỹ đã giảm sâu, Dow Jones mất hơn 1.000 điểm, ngày tồi tệ nhất kể từ tháng 2/2018, khi thương chiến Mỹ Trung bùng nổ.
Tại Hàn Quốc, quốc gia sản xuất ô tô, thiết bị điện tử và máy móc lớn của Châu Á, 893 ca nhiễm virus corona đã được xác nhận. Tại Italy, số ca nhiễm virus corona tăng vọt lên hơn 220 trường hợp với 5 ca tử vong, trở thành tâm chấn dịch bệnh giữa lòng Châu Âu. Các quan chức Italy đã buộc phải phong tỏa hàng chục thị trấn, thành phố; đóng cửa trường học, hủy bỏ một số sự kiện thể thao và dừng hoạt động nhiều công trình công cộng.
Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới cũng đang vật lộn trong cuộc chiến với virus corona khi số ca nhiễm virus đã tăng lên 851. Trong đó, 691 trường hợp là hành khách trên du thuyền Princess Diamond đang được cách ly tại thành phố cảng Yokohama kể từ hôm 3/2.
Như vậy, 4/12 nền kinh tế hàng đầu thế giới là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Italy chiếm khoảng 27% tổng GDP toàn cầu đang phải chống chọi với dịch virus corona. Thêm một nền kinh tế khác là Đức dù vẫn đang kiểm soát tốt dịch virus corona nhưng cũng đứng trên bờ vực suy thoái kinh tế do những tác động cộng hưởng tiêu cực của dịch bệnh đến thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Iran, một trong những quốc gia trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới cũng đang đối diện khủng hoảng dịch bệnh khi số ca nhiễm virus corona được chính phủ xác nhận lên tới 66 trong khi số ca tử vong được báo cáo là 12. Một nguồn tin từ quan chức giấu tên ở Tehran đăng trên South China Morning Post cho hay số ca tử vong thực tế tại quốc gia này có thể đã lên tới 50 người.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc đang dần được kiểm soát, số ca nhiễm mới virus corona giảm thì sự tăng đột biến các trường hợp dương tính ở những quốc gia khác đang báo hiệu một giai đoạn mới trong cuộc chiến toàn cầu chống virus corona. Song song với đó, những rủi ro với người lao động, doanh nghiệp và nền kinh tế toàn cầu cũng lớn lên rõ rệt.898gtf
“Dịch virus corona có thể chưa phải đại dịch sức khỏe, nhưng nó là đại dịch kinh tế” - Diane Swonk, nhà kinh tế học Grant Thornton.
Giới chuyên gia từng kỳ vọng rằng những nỗ lực kiểm dịch mạnh mẽ của Trung Quốc sẽ ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của virus corona, đập tan nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên toàn thế giới. Kiểm soát sớm dịch bệnh đồng nghĩa với việc các nhà máy Trung Quốc sẽ nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo vận hành bình thường trong quý II. Theo kịch bản lạc quan như vậy, bà Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF nhận định tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ chỉ giảm khoảng 0,1% so với dự kiến trước đó.
Tuy nhiên giờ đây, khi dịch bệnh bùng phát tại nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Italy và Iran, IMF sẽ phải xem xét “những kịch bản thảm khốc hơn” như bà bà Kristalina Georgieva từng cảnh báo.
Các thị trường chứng khoán trước đó từng lạc quan và gần như loại bỏ mối đe dọa từ dịch virus corona, minh chứng là S&P 500 và Nasdaq Composite tại Mỹ vẫn lên mức cao nhất mọi thời đại hôm 20/2. Nhưng khi dịch virus corona bùng phát tại Hàn Quốc, Italy, Iran và nhiều quốc gia khác, giới đầu tư không còn giữ được tâm lý lạc quan này.
Dịch virus corona bùng phát tại nhiều quốc gia ngoài Trung Quốc
Dow Jones bay hơn 1.000 điểm trong phiên giao dịch 24/2 trên thị trường chứng khoán Mỹ. Tại Nhật, các chỉ số Nikkei 225 và Topix đều giảm sâu gần 4%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 3,9%. Tại Italy, chỉ số thị trường chính giảm mạnh 5% tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch. Hang Seng của Hồng Kông và European Stoxx 600 của Châu Âu đều tụt dốc mạnh. Sự hoảng loạn của giới đầu tư phản ánh nguy cơ rõ rệt hơn với nền kinh tế toàn cầu.
Virus corona bùng phát ở Trung Quốc khiến 80% nền kinh tế nước này “tê liệt” nhiều tuần dự kiến chỉ làm giảm tốc độ tăng trưởng của nước này trong quý I và cả năm 2020. Nhưng với những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng GDP chậm hơn nhiều so với Trung Quốc như Đức, Italy hay Nhật Bản, sự bùng phát của dịch virus corona có thể đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.
“Khi dịch virus corona bị giới hạn bùng phát tại Trung Quốc và một số quốc gia láng giềng, nó chỉ là vấn đề kinh tế của Châu Á. Nhưng sự lây lan virus corona tại Italy giờ đây đã biến dịch bệnh này thành vấn đề của Châu Á - Âu nói riêng và toàn cầu nói chung, với nguy cơ đảo lộn chuỗi cung ứng trong nhiều tháng, nhiều năm tiếp theo” - trích nhận định của chiến lược gia Kevin Giddis tại Raymond James.
Trong quý IV/2019, tăng trưởng GDP Italy đã giảm 0,3%. Giờ đây, khi dịch virus corona bùng phát khiến nhiều thị trấn, thành phố Italy rơi vào tình trạng bị phong tỏa, nhiều nhà phân tích đã cảnh báo nguy cơ suy thoái với nền kinh tế lớn thứ 9 thế giới. Phần lớn các ca nhiễm virus corona tại Italy nằm ở phía Bắc Lombardy, nơi có thủ phủ là thành phố Milan, trung tâm tài chính, kinh đô thời trang cao cấp của nước Ý. Các nhà sản xuất ô tô danh tiếng như Ferrari, Fiat Chrysler cũng có nhà máy nằm ở khu vực này.
Italy thành tâm chấn dịch virus corona tại Châu Âu
Tại Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới cũng đang phải vật lộn với nguy cơ suy thoái kinh tế. Hồi quý IV/2019, GDP Nhật Bản giảm 1,6% so với quý liền trước sau đợt tăng thuế tiêu dùng của chính phủ và những tác động tiêu cực từ thương chiến Mỹ Trung, thương chiến Nhật Hàn…
Đức, nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới và nền kinh tế lớn nhất Châu Âu vốn đã chững lại ngay cả khi dịch virus corona chưa bùng phát. Các công ty sản xuất ô tô của Đức hiện phụ thuộc nhiều vào thị trường ô tô Trung Quốc, trong khi nhu cầu ô tô tại Trung Quốc đại lục gần như đang tê liệt giữa đại dịch. Các nhà kinh tế tại ngân hàng Berenberg dự kiến kinh tế Đức sẽ tăng trưởng âm trong quý I/2020.
Hàn Quốc cũng ở vị thế không mấy dễ chịu khi Trung Quốc hiện là đối tác xuất khẩu lớn nhất của nước này. Các nhà nghiên cứu Oxford Economics đã cảnh báo cả kim ngạch xuất khẩu và sản xuất công nghiệp của Hàn Quốc sẽ chịu tác động tiêu cực vì dịch virus corona bùng phát tại Trung Quốc. Hàn Quốc hôm 23/2 cũng nâng mức cảnh báo dịch virus corona lên mức cao nhất, cấp 4 trong thang cảnh báo khẩn cấp quốc gia khi số ca nhiễm virus corona tăng vọt.
Còn Trung Quốc, quốc gia tâm chấn dịch virus corona với 77.658 ca nhiễm virus corona và 2.663 ca tử vong được xác nhận, IMF dự kiến tăng trưởng GDP nước này năm 2020 có thể giảm xuống 5,6%, mức thấp kỷ lục trong nhiều thập kỷ. Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng GDP quý I/2020 của Trung Quốc đạt dưới 4,5%. Ông Zhang Jiahui, chuyên gia kinh tế Trung Quốc nhận định nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể thiệt hại 1.000 tỷ NDT (khoảng 143,1 tỷ US) tương đương 1% GDP quốc gia trong quý I do dịch virus corona.
Không chỉ ảnh hưởng đến hàng loạt nền kinh tế lớn trên thế giới, dịch virus corona còn tác động sâu sắc đến nội bộ ngành nói riêng và chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế tuần trước cảnh báo dịch virus corona có thể thổi bay 29 tỷ USD doanh thu của các hãng hàng không trên toàn cầu. Nhu cầu vận tải hàng không cũng giảm mạnh 4,7%, lần giảm đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.
Trong bối cảnh như vậy, các ngân hàng Trung Ương lớn đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của dịch bệnh để kịp thời đưa ra những biện pháp hỗ trợ, tránh đẩy nền kinh tế vào địa hạt suy thoái.
Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng tại Grant Thornton, cho biết hôm 24/2 trên Twitter rằng ngày càng nhiều nhà kinh tế đồng thuận với dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sắp điều chỉnh hạ lãi suất để đối phó với những tác động kinh tế từ dịch virus corona. Động thái này có thể đến ngay đầu tháng 3. “Dịch virus corona có thể chưa phải đại dịch sức khỏe, nhưng nó là đại dịch kinh tế” - chuyên gia Diane Swonk cho hay.