VN-Index áp sát 1.500: KBSV nâng mục tiêu lên 1.530, “sóng” tỷ USD sắp đổ bộ?

H.Anh
18/07/2025 07:00 GMT +7
Các chuyên gia KBSV bảo lưu quan điểm tích cực về tiềm năng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Khi được chấp thuận, thị trường có thể thu hút một lượng vốn đáng kể, lên tới hàng tỷ USD từ các quỹ thụ động và chủ động.

Thị trường chứng khoán Việt Nam có diễn biến tăng tích cực trong nửa đầu 2025 với biến động được chia làm 2 giai đoạn chính.

Giai đoạn đầu kéo dài từ đầu năm đến trước thời điểm công bố thuế quan đối ứng ngày 2/4, chỉ số VN-Index tăng ổn định với động lực đến từ các kỳ vọng về chính sách thúc đẩy kinh tế trong nước, cũng như các kết quả khả quan từ cả bối cảnh vĩ mô lẫn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Giai đoạn 2 thị trường có biến động trồi sụt, giảm sốc cho đến khi thông tin thuế đối ứng tạm hoãn vào ngày 9/4 trước khi phục hồi mạnh mẽ cho đến hết quý II/2025, với sự đóng góp đáng chú ý đến từ nhóm cổ phiếu họ Vingroup.

Tính từ đầu năm đến hết quý II, chỉ số VN-Index tăng 8,9% về điểm số, đồng thời giảm 12% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ.

Trong phiên giao dịch ngày 16/7, chỉ số VN-Index đã tiến sát ngưỡng 1.500 điểm. Cụ thể, VN-Index chốt phiên này tăng 14,54 điểm lên hơn 1.490 điểm. Với mức giá này, VN-Index đã tăng hơn 13% so với đầu năm.

Với diễn biến thị trường ở thời điểm hiện tại, trong báo cáo chiến lược mới công bố, các nhà phân tích tại Chứng khoán KB (KBSV) đã nâng mức dự báo vùng điểm hợp lý của chỉ số VN-Index thời điểm cuối năm 2025 lên 1530 điểm (tăng nhẹ so với mức 1.460 điểm trong báo cáo năm, nhưng tăng mạnh so với mức 1.100 điểm trong báo cáo quý I/2025, được đặt theo kịch bản tiêu cực khi mức thuế đối ứng là 46%).

Theo đó, vùng điểm này tương ứng với mức tăng ước tính 15% so với cùng kỳ năm trước của EPS bình quân các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HSX. Tuy nhiên, mức tăng này thấp hơn dự báo đã được các nhà phân tích đưa ra thời điểm đầu năm ở 16,7%, phản ánh quan điểm thận trọng về tác động của thuế quan lên hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, mức điều chỉnh là không lớn khi mà các chuyên gia nhận thấy các chính sách thúc đẩy kinh tế nội địa của Chính phủ để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% cả năm sẽ mang lại môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước và lĩnh vực đầu tư công.

Về động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2025, theo các nhà phân tích đến từ các chính sách kích thích kinh tế mạnh mẽ của Chính phủ như duy trì mặt bằng lãi suất thấp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đẩy mạnh đầu tư công, kích cầu tiêu dùng trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân và các chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản…

"Trong bối cảnh ổn định vĩ mô hiện đang được đảm bảo với lạm phát, tỷ giá dự báo nằm trong tầm kiểm soát, chúng tôi cho rằng việc đẩy mạnh các chính sách này là hoàn toàn khả thi khi chưa phải lo ngại các cơn gió ngược trong ngắn hạn. Điều này là hết sức cần thiết để đạt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2025 khi mà môi trường bên ngoài có nhiều biến động", báo cáo từ KBSV đề cập.

Về nâng hạng thị trường, các chuyên gia KBSV bảo lưu quan điểm tích cực về tiềm năng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Khi được chấp thuận, thị trường có thể thu hút một lượng vốn đáng kể, ước tính từ 800 triệu đến 1 tỷ USD từ các quỹ thụ động mô phỏng theo chỉ số FTSE, và con số này sẽ còn lớn hơn khi tính cả các bộ chỉ số khác.

Đáng chú ý, dòng vốn từ các quỹ chủ động được dự báo sẽ còn mạnh mẽ hơn, có thể đạt từ 4 - 6 tỷ USD.

Theo đó, các cổ phiếu đầu ngành đáp ứng tiêu chí về vốn hóa và thanh khoản như VCB, MSN, VNM, HPG, VIC, VHM, SSI... sẽ là những ứng viên hàng đầu được thêm vào rổ chỉ số. Bên cạnh đó, các cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng tốt và còn "room" cho khối ngoại cũng sẽ nằm trong tầm ngắm của các quỹ chủ động.

Ngoài ra, nhóm công ty chứng khoán, đặc biệt là những đơn vị có thị phần môi giới cho tổ chức nước ngoài lớn nhất như VCI, HCM, và SSI cũng sẽ hưởng lợi trực tiếp từ sự gia tăng lợi nhuận và phí giao dịch.