VnDirect “Kinh tế tăng trưởng 7%, cắt giảm thêm lãi suất điều hành”
Công ty chứng khoán VnDirect vừa phát hành Báo cáo "Cập nhật kinh tế vĩ mô – Tăng trưởng kinh tế Q3/2019 vượt kỳ vọng".
Theo VnDirect, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ghi nhận mức tăng cao, đạt mức tăng 7,3% so với cùng kỳ và cao hơn đáng kể sv mức tăng trưởng 6,7% trong Q2/2019.
Mức tăng này đến từ đóng góp cao hơn của lĩnh vực sản xuất công nghiệp (2,3 điểm % so với 2,1 điểm % trong Q2/2019), lĩnh vực tài chính (đóng góp 0,6 điểm % sv. 0,3 điểm % trong Q2/2019) và tiêu dùng trong nước (đóng góp 0,8 điểm % sv mức 0,7 điểm % trong Q2/2019).
Nhờ mức tăng trưởng cao của Q3/2019, tăng trưởng kinh tế 9 tháng đạt 6,98% so với cùng kỳ, mức cao nhất kể từ năm 2010 đến nay.
Trong Q3/2019, ngành nông nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng chậm lại (tăng 1,5% so với cùng kỳ so với mức tăng trưởng 2,0% trong Q2/2019) do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và dịch tả lợn châu Phi. Trong khi đó, hầu hết các nhóm ngành còn lại đều ghi nhận sự cải thiện trong tăng trưởng.
Cụ thể, ngành khai khoáng tăng trưởng 4,5% so với cùng kỳ trong Q3/2019, cao hơn mức tăng 3,2% trong Q2/2019 nhờ tăng trưởng của hoạt động sản xuất than.
Lĩnh vực sản xuất công nghiệp tăng trưởng 11,7% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 10,7% trong Q2/2019 nhờ sự hồi phục của sản xuất hàng điện tử
Lĩnh vực bán lẻ hàng hóa cũng tăng trưởng 8,7% nhờ niềm tin tiêu dùng duy trì ở mức cao trong điều kiện lạm phát thấp (chỉ ở mức 2,23% trong Q3/2019 so với mức tăng 2,65% trong Q2/2019).
Với tín hiệu tích cực từ quý 3/2019, cộng với việc Việt Nam ghi nhận thặng dư ngân sách khoảng 66,5 nghìn tỷ đồng, do đó, dư địa tài khóa để thúc đẩy chi đầu tư công vẫn còn, VnDirect kỳ vọng điều này sẽ dần phản ánh vào tăng trưởng kinh tế năm 2020.
Theo đó, VnDirect nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 và 2020 lên lần lượt là 7,0% và 6,7% trên cơ sở tăng trưởng lĩnh vực sản xuất duy trì ở mức 11,0% trong năm 2019 và 10,0% trong năm 2020, cùng với tăng trưởng tiêu dùng nội địa được dự báo ở mức 8,5% trong năm 2019 và 8,0% trong năm 2020.
Về chính sách tiền tệ, theo công ty chứng khoán này, rủi ro từ căng thẳng thương mại sẽ vẫn là quan ngại lớn đối với nhà điều hành chính sách, do đó, việc cắt giảm thêm lãi suất điều hành là khả thi trong bối cảnh tiền đồng khá ổn định.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi tại buổi họp báo thông tin về Điều hành chính sách tiền tệ quý 3/2019, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thừa nhận, hiện có nhiều yếu tố tác động tới chính sách điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, những tác động từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng là một trong số đó.
"Tuy nhiên, việc giảm lãi suất nữa hay không là bài toán của riêng mỗi quốc gia và chúng ta phải dựa vào tình hình kinh tế nội tại để đưa ra những quyết sách phù hợp và mang lại hiệu quả lợi ích cao nhất cho nền kinh tế", Phó Thống đốc khẳng định