VPBankS báo lãi kỷ lục trong quý II, cho vay margin tăng mạnh

Linh Anh
19/07/2025 07:37 GMT +7
Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) công bố báo cáo tài chính quý II/2025 với lợi nhuận trước thuế kỷ lục gần 550 tỷ đồng và dư nợ margin liên tiếp đạt tăng trưởng mạnh.

Cụ thể, trong quý II/2025, VPBankS ghi nhận hoạt động kinh doanh tăng mạnh tại nhiều mảng, với doanh thu hoạt động đạt hơn 1.181 tỷ đồng, tăng gần 83% so với cùng kỳ, lập kỷ lục mới. So với quý liền trước, doanh thu của VPBankS tăng trưởng gần 70%.

Đóng góp hơn một nửa trong doanh thu hoạt động của công ty là lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL), đạt 597 tỷ đồng, gấp gần hai lần so với cùng kỳ. Trong đó, lãi từ bán cổ phiếu niêm yết và trái phiếu chưa niêm yết đều tăng mạnh so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, lãi từ các khoản cho vay và phải thu, chủ yếu đến từ hoạt động cho vay ký quỹ khách hàng (margin) mang lại gần 384 tỷ đồng, tăng 47% so với quý liền trước, cao nhất trong lịch sử VPBankS. Ngoài ra, VPBankS cũng ghi nhận doanh thu 104 tỷ đồng từ hoạt động tư vấn tài chính.

Đáng chú ý, dù doanh thu tăng trưởng đột biến nhưng chi phí hoạt động của VPBankS chỉ đi lên gần 27% so với cùng kỳ. Nhờ kết quả trên, công ty ghi nhận lợi nhuận trước thuế kỷ lục hơn 549 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ và gần 57% so với quý liền trước.

Nếu so sánh với mốc quý II/2022, khi VPBankS chính thức về với hệ sinh thái VPBank, lợi nhuận công ty đã gấp hơn 6 lần.

Trong nửa đầu năm 2025, VPBankS ghi nhận doanh thu hơn 1.885 tỷ đồng, lợi nhuận gần 900 tỷ đồng, cả hai đều là những con số cao nhất từ trước đến nay.

Tính đến hết quý II/2025, dư nợ margin của VPBankS tiếp tục thiết lập kỷ lục mới, đạt 17.635 tỷ đồng, cao hơn 4.875 tỷ đồng (hay 38%) so với thời điểm cuối quý I và 8.188 tỷ đồng so với mốc đầu năm.

Lãnh đạo VPBankS cho biết, đơn vị này đã triển khai hàng loạt gói vay margin với lãi suất cạnh tranh bậc nhất trên thị trường, linh hoạt, dễ tiếp cận được VPBankS triển khai mạnh mẽ ngay từ đầu năm.

Với nguồn vốn chủ sở hữu thuộc nhóm dẫn đầu thị trường, đạt gần 18.200 tỷ đồng tính đến cuối quý II, dư địa cho vay margin còn lại của VPBankS vẫn rất dồi dào, lên đến hơn 18.750 tỷ đồng.

Dư nợ margin và nguồn tiền mặt tăng vọt đã góp phần đưa tổng tài sản của VPBankS tại cuối quý II/2025 lên 50.901 tỷ đồng, gấp gần hai lần so với thời điểm đầu năm.

Dự báo lợi nhuận công ty chứng khoán tăng trưởng 45%, quý III sẽ tiếp tục bứt tốc

Theo ông Đào Hồng Dương – Giám đốc Phân tích Ngành và Cổ phiếu VPBankS, nhìn lại lợi nhuận và doanh thu của các công ty chứng khoán trong 10 năm vừa qua, có thể thấy hai chỉ số này đã tăng vọt vào năm 2021.

Đến 2024, doanh thu bắt đầu vượt qua đỉnh cũ của năm 2021, lợi nhuận sau thuế đạt trên 27.945 tỷ đồng.

So với năm 2021, tính chất lợi nhuận và mô hình hoạt động của các công ty chứng khoán đã có sự khác biệt rất lớn. Lãi từ cho vay và ứng trước của các công ty chứng khoán trong 12 tháng tính đến quý I/2025 ở mức 23.364 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng kép cao, đóng vai trò rất lớn trong cơ cấu lợi nhuận gộp của các công ty chứng khoán. Đây là một trong những động lực chính để đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận ổn định toàn ngành.

Đặc biệt, ông Dương nhận định, hoạt động môi giới của công ty chứng khoán trong năm 2025 sẽ rất mạnh mẽ nhờ hai chất xúc tác là sự trở lại của khối ngoại và việc TTCK Việt Nam được nâng hạng. 

Đông lực tiếp theo của thị trường là sự bùng nổ của hoạt động cho vay ký quỹ (margin). Margin toàn thị trường đang ở mức 280.000 tỷ đồng. Dư nợ 30 công ty chứng khoán có tổng tài sản lớn nhất đang ở mức 263.700 tỷ đồng, tăng rất mạnh. Năm 2021, margin tăng chủ yếu do nhà đầu tư cá nhân, đến 2022 có sự điều chỉnh nhẹ, sau đó lấy lại đà tăng trưởng năm 2023 kéo dài đến quý I/2025.

Tỷ lệ vòng quay giá trị giao dịch trên sàn HoSE/dư nợ margin đang có xu hướng giảm về mức khoảng 20 lần, cho thấy các công ty chứng khoán đang mở rộng danh mục margin cho nhiều mã hơn, ngay cả những cổ phiếu có thanh khoản thấp như yếu tố cơ bản tốt.

Theo đó, vị chuyên gia cho rằng trong năm 2025 – 2026, tăng trưởng margin sẽ có sự phân hóa mạnh. Một số công ty chứng khoán như MBS, KIS, HSC, Mirae Asset đã gần hoặc chạm giới hạn dư nợ cho vay margin gấp 2 vốn chủ sở hữu, khiến dư địa tăng trưởng margin bị hạn chế nếu không nâng vốn chủ sở hữu.

"Dưới những động lực trên, chúng tôi cho rằng ROAA của ngành chứng khoán đang ổn định dần ở mức quanh 4,2%, ít có sự thay đổi khi tài sản tập trung chính vào dư nợ margin, tài sản tài chính có mức độ ổn định cao về trái phiếu, thay vì chênh lệch FVTPL.

Tuy nhiên, ROE của công ty chứng khoán đang có sự biến động nhanh do những thay đổi trong vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán. Những công ty chứng khoán hệ số đòn bẩy cao, tương ứng với hiệu suất sử dụng tài sản cao, sẽ có ROE cao hơn bao gồm: HCM, VND, MBS. Đổi lại ROE cao, các công ty chứng khoán phải duy trì tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu cao", chuyên gia phân tích.

Theo đó, chuyên gia VPBankS dự báo tổng lợi nhuận sau thuế quý II/2025 của công ty chứng khoán niêm yết là 3.657 tỷ đồng, tăng trưởng 45% so với cùng kỳ năm 2024.

Đặc biệt, nếu VN-Index tiếp tục có biến động mạnh theo xu hướng tích cực, tăng trưởng lợi nhuận quý III của ngành chứng khoán có thể mạnh hơn nữa.