WTO tê liệt, EU tìm cách tự trả đũa Mỹ trong tranh chấp thương mại
Ủy ban Châu Âu, nơi điều phối chính sách thương mại cho khối 28 quốc gia thành viên, mới đây vừa đề xuất chỉnh sửa luật hiện hành để trả đũa những tranh chấp thương mại ví như thuế quan mà Mỹ áp lên mặt hàng nhôm thép xuất xứ EU hồi năm 2018 khiến thép EU gần như không thể tiến vào thị trường Mỹ.
Đây là phản ứng mới nhất của EU nhằm vào Mỹ và các đối thủ thương mại trong bối cảnh Mỹ làm tê liệt hoàn toàn hệ thống giải quyết tranh chấp thương mại của WTO - vốn được xem như cơ quan trọng tài quốc tế uy tín nhất trong 25 năm qua.
Cơ quan giải quyết tranh chấp thương mại của WTO, nơi đóng vai trò tòa án tối cao giải quyết các tranh chấp quốc tế đã tê liệt hồi đầu tuần khi chỉ còn 1 thành viên duy nhất công tác trong hội đồng kháng cáo. Suốt hơn 2 năm qua kể từ sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nỗ lực ngăn cản WTO bổ nhiệm thành viên mới vào hội đồng phúc thẩm gồm 7 thành viên, khiến hội đồng này chỉ còn 3 thành viên - mức cần thiết tối thiểu để xét xử 1 vụ kiện.
Hôm 10/12 vừa qua là ngày cuối cùng trong nhiệm kỳ của 2 trên 3 thành viên kể trên, đồng nghĩa với việc hội đồng kháng cáo của WTO chỉ còn 1 thành viên duy nhất và không thể tiếp nhận hay xử lý bất cứ vụ kiện tụng nào tiếp theo. Trump gần như đã thành công trong việc bác bỏ thẩm quyền của cơ quan tài phán thương mại số 1 thế giới, theo đó lật ngược hệ thống thương mại toàn cầu bằng một trật tự mà Mỹ nằm ở vị trí trung tâm.
Không có cơ quan phúc thẩm, mọi nỗ lực kháng cáo trong các vụ kiện sẽ rơi vào bế tắc. Do đó, Ủy ban Châu Âu đã đưa ra một đề xuất với nội dung nếu EU giành chiến thắng trong phán quyết của hội đồng xét xử sơ thẩm và đối tác thương mại không kháng cáo thêm, Liên minh Châu Âu sẽ tự áp đặt các biện pháp hạn ngạch và thuế quan thương mại để trả đũa. Thông thường trước đây, các biện pháp trừng phạt được quyết định hởi hội đồng WTO.
Đề xuất của Ủy ban Châu Âu nhắm thẳng tới các quốc gia đang trong tranh chấp thương mại với EU như Nga, Trung Quốc và Mỹ. Trong năm nay, EU cũng đưa ra hàng loạt khiếu nại với Ấn Độ, Colombia, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong bối cảnh hệ thống tài phán của WTO gần như tê liệt, đề xuất của EU cho phép khối thương mại này trả đũa trong các xung đột thương mại như thuế quan trừng phạt mà Mỹ áp lên các khoản trợ cấu Airbus của EU. Một cơ chế như vậy cũng có thể được sử dụng trong khiếu nại chống lại các quốc gia mà EU có hiệp định tự do, như tranh chấp EU - Ukraine về xuất khẩu gỗ.