Xăng 4 lần tăng giá, gạo "đội chợ", CPI tháng 8 lập đỉnh
Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) cho biết, giá xăng dầu, giá gạo trong nước tăng theo giá thế giới, giá nhà ở thuê tăng theo nhu cầu là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2023 tăng 0,88% so với tháng trước.
So với tháng 12/2022, CPI tháng 8 tăng 2,02% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,96%. Bình quân 8 tháng năm 2023, CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,57%.
So với tháng trước, CPI tháng 8/2023 tăng 0,88% (Khu vực thành thị tăng 0,87%; khu vực nông thôn tăng 0,89%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; riêng nhóm bưu chính, viễn thông giá giảm 0,17%.
Về các mặt hàng tăng giá trong tháng 8, khiến CPI tăng mạnh, theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giao thông tăng cao nhất hơn 3,85% so với tháng trước, khiến CPI chung tăng 0,37%, do nguyên nhân của nhóm hàng này tăng cao là do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước vào ngày 01/8/2023, 11/8/2023 và 21/8/2023 làm cho giá xăng tăng 9,85% so với tháng trước; giá dầu diezen tăng 15,9%.
Giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 3,79% so với tháng trước, trong đó giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 15,71%; đường sắt tăng 3,58%; đường bộ tăng 0,68%; vé xe buýt tăng 0,53%; taxi tăng 0,1%.
So với thời điểm tháng 12/2022, nhóm mặt hàng giao thông tăng 4,88%, trong đó giá xăng dầu tăng 10,62% do từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã điều chỉnh 24 đợt làm cho giá xăng A95 tăng 3.200 đồng/lít; xăng E5 tăng 3.360 đồng/lít và dầu diezen tăng 750 đồng/lít.
Chỉ số giá vé máy bay tăng 71,82%; giá vé tàu hỏa tăng 31,3%; giá vé ô tô khách tăng 8,94% do nhu cầu đi du lịch trong dịp Lễ, Tết, dịp hè của người dân tăng cao, tác động làm CPI chung tăng 0,09%
Nhóm mặt hàng thứ 2 là lương thực, thực phẩm tăng 3,28% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá nhóm gạo tăng 4,41%. Giá gạo trong nước tăng cao theo giá gạo xuất khẩu do lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, Nga, UAE, xung đột chính trị và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đã khiến thị trường gạo toàn cầu diễn biến phức tạp.
Trong tháng, giá gạo tẻ thường dao động từ 14.000-16.700 đồng/kg; giá gạo Bắc Hương từ 19.000-22.500 đồng/kg; giá gạo tẻ ngon Nàng Thơm chợ Đào từ 19.500-20.900 đồng/kg; giá gạo nếp từ 25.500-34.800 đồng/kg.
Giá gạo tăng tác động đến giá các mặt hàng lương thực chế biến và ngũ cốc khác như giá khoai tăng 4,37%; ngô tăng 1,81%; bún, bánh phở, bánh đa tăng 1,17%; bột mỳ tăng 0,66%; miến tăng 0,65%; mỳ sợi, mỳ, phở, cháo ăn liền tăng 0,31%; bột ngô tăng 0,16%.
Trong tháng, chỉ số giáo dục đóng góp vào tăng CPI với mức 0,96% so với tháng trước, chủ yếu do năm học 2023-2024 học sinh khối lớp 4, 8, 11 bắt đầu học chương trình sách giáo khoa mới, theo đó giá sách giáo khoa tăng 3,37% so với tháng trước; giá vở, giấy viết các loại tăng 1,17%; giá bút viết các loại tăng 1,03%. Bên cạnh đó, giá dịch vụ giáo dục tăng 0,82% do một số trường dân lập, tư thục tăng học phí năm học 2023-2024.
Chỉ số giá nhóm giáo dục bình quân 8 tháng năm 2023 tăng 7,28% so với cùng kỳ năm trước do một số địa phương đã tăng học phí trở lại từ tháng 9/2022 sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021-2022, tác động làm CPI chung tăng 0,45 điểm phần trăm.
Một nhóm hàng khác tăng giá là chỉ số giá diện, theo Tổng cục Thống kê, giá điện sinh hoạt tăng 3,99%, làm tác động làm CPI chung tăng 0,13% do nhu cầu sử dụng điện tăng và từ ngày 04/5/2023, EVN điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân tăng 3%.