Thị trường tỷ USD, GSM chuẩn bị "chinh phục" 5 khu vực trên thế giới
Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc GSM toàn cầu cho biết, GSM được thành lập nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái di chuyển xanh và thông minh tại Việt Nam, cung cấp cho người dùng thêm lựa chọn để có thể sử dụng xe điện với chi phí hợp lý hơn. GSM ra đời trong bối cảnh ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đã và đang có những tác động xấu tới con người. Sự ra đời của GSM phù hợp với xu thế chung của thế giới và nỗ lực, cam kết của Việt Nam nhằm hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ở góc độ về quy hoạch đô thị, hướng tới phương tiện giao thông xanh, với dịch vụ chuyên nghiệp, chỉn chu, GSM còn góp phần làm thay đổi diện mạo giao thông đô thị. Đồng thời, GSM còn tạo ra mạng lưới kết nối thái di chuyển và du lịch.
Ông Thanh cho biết, sự ủng hộ lớn lao của cộng đồng khi sản phẩm ra đời đã chạm được tới sự trăn trở của người dân. GSM đáp ứng đầy đủ các tiêu chí: dịch vụ di chuyển chất lượng cao, an tâm, an toàn, góp phần bảo vệ môi trường. Đây cũng là lý do, sau 7 tháng đi vào hoạt động GSM đã gặt hái được những thành công vượt bậc, có thể nói chưa từng có của ngành di chuyển Việt Nam.
Theo đó, GSM đã mang đến việc làm và cơ hội phát triển, chuyển đổi xanh cho hơn 20.000 tài xế taxi và xe máy điện. GSM đã có mặt tại 2 quốc gia, Việt Nam và Lào. Theo tính toán dự theo nghiên cứu của EPA, với 70 triệu km xanh di chuyển trong vòng 7 tháng, sẽ tương đương với giảm thải 13,4 triệu kg C02, tương đương hơn 600.000 cây xanh được trồng.
"Đây có thể là con số chưa đủ lớn nhưng nó tác động trực tiếp tới những gì chúng ta đang cố gắng", Tổng Giám đốc GSM nhấn mạnh.
Sau 7 tháng thành lập, GSM đã hợp tác với nhiều tổ chức đang vận hành cho thuê xe điện. Các tổ chức này đang từng bước chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện. GSM cũng hợp tác với ngân hàng để chuyển đổi không chỉ cho GSM mà còn đối tác của GSM. Bài toán của GSM không chỉ ở Việt Nam mà còn ra khu vực.
Giao thông xanh có thể làm ra tiền và phát triển bền vững không?
Chia sẻ tại hội thảo: Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình, do CafeF tổ chức, ông Thanh cho biết, câu trả lời đó đã được giải đáp từ chính câu chuyện ra đời của GSM. Theo thống kê, trung bình doanh thu của một xe taxi và xe máy điện của GSM hiện nay đang bằng một xe xăng, chi phí nhiên liệu và bảo dưỡng chỉ hết 1/3 so với xe xăng. Rõ ràng, giao thông xanh vừa giải quyết yêu cầu phát triển bền vững vừa tiết kiệm chi phí.
Trong khi đó, một dữ liệu khảo sát khác ghi nhận, doanh thu từ thị trường taxi khoảng 600 triệu USD và xe ôm là 2,5 tỷ USD/năm. Khách hàng đang có xu hướng tìm kiếm các dịch vụ chất lượng cao và phát triển bền vững. Con số này cho thấy, cơ hội có lớn cho dịch vụ xe điện chất lượng cao vẫn còn nhiều dư địa phát triển.
Mô hình hoạt động của GSM đang chứng minh được hiệu quả. GSM đang tiếp tục phát triển thêm 27.000 xe taxi điện và 20.000 xe máy điện trong năm 2023 và đã chính thức tiến ra thị trường nước ngoài.
"Chúng tôi dự kiến năm sau vận hành 1.000 xe điện tại Lào. Năm sau mở rộng ra 5 khu vực trên thế giới. Chúng ta không chỉ làm ở Việt Nam mà đi hướng toàn cầu hơn. Đó là điều GSM đang cố gắng theo đuổi", ông Thanh chia sẻ.
Điều này cho thấy, phải thực sự được thị trường và khách hàng đón nhận thì GSM mới có thể đạt được những con số kỷ lục trong một thời gian rất ngắn như vậy, theo Tổng Giám đốc GSM.
Chia sẻ thêm về các mục tiêu chính về giảm phát thải khí nhà kính của Xanh SM từ nay tới năm 2030 và đánh giá về mức độ khả thi của các mục tiêu này, ông Nguyễn Văn Thanh - Tổng Giám đốc GSM toàn cầu cho biết, theo tính toán dự theo nghiên cứu của EPA, với 70 triệu km Xanh di chuyển trong vòng 7 tháng, sẽ tương đương với giảm thải 13,4 triệu kg C02, tương đương hơn 600.000 cây xanh được trồng. Theo kế hoạch, từ năm 2025 trở đi, GSM giảm 400 triệu kg CO2 mỗi năm.
"Dựa trên tính hiệu quả của những phương pháp đang triển khai, chúng tôi cho rằng tính khả thi của kế hoạch này khá cao" - Ông Thanh nói.