Xu hướng đầu tư mới dịch chuyển mạnh vào Phú Quốc, vì đâu?
Phú Quốc có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế
Hội thảo do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với các đơn vị đã nhận được nhiều ý kiến từ các chuyên gia kinh tế về việc đầu tư bất động sản tại TP.Phú Quốc. Đưa ra quan điểm của mình về việc phát triển TP.Phú Quốc thành đô thị biển đảo xanh sạch đẹp, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế đã đưa ra bốn ưu điểm để phát triển TP.Phú Quốc.
Thứ nhất, Phú Quốc là hòn đảo đặc biệt của nước ta, có nguồn nước ngọt phong phú, tài nguyên biển đảo đẹp. Thứ hai, đây là đô thị biển đảo đầu tiên của Việt Nam.
Thứ ba, Phú Quốc là thành phố cực kỳ mở, mang tính quốc tế cao, cả về mặt dân số, kinh tế, văn hoá. Thứ tư, thị trường bất động sản Phú Quốc có nhiều tiềm năng nhưng cơ cấu sản phẩm đang bị lệch: Thiếu bất động sản lưỡng dụng vừa ở vừa cho thuê; mới có bất động sản nghỉ dưỡng 3, 4 sao, còn cao cấp rất ít.
Về chính sách phát triển TP.Phú Quốc, TS. Phong cho rằng: "Cần có quy hoạch chung bao quát, những quy hoạch riêng chi tiết và cần có tổ chức đấu thầu tầm cao, tránh lắt nhắt, điều chỉnh nhiều lần".
Hiện, các dự án bất động sản ở Phú Quốc vẫn thiếu tính bản địa, dân tộc cũng như tính văn hoá mới. Do đó, yêu cầu kiến trúc quy hoạch mang tính quốc tế cao hơn, đa văn hoá hơn cũng như giữ được tính bản địa.
Tiếp đó, cần có chính sách quản lý, cơ chế thu hồi dự án để đảm bảo thị trường bền vững cũng như đảm bảo yếu tố an ninh quốc phòng. Phú Quốc cần được áp dụng các chính sách kinh tế, xã hội ở mức mới và cao nhất. Cần có cơ chế riêng về xây dựng dự án bất động sản lưỡng dụng, thậm chí là cơ chế riêng khuyến khích xây dựng phát triển tại các đảo nhỏ. Đồng thời, công khai, minh bạch các yếu tố quy hoạch từ chung đến riêng.
Ngoài ra, cần sử dụng ngân sách Nhà nước để xây dựng các yếu tố hạ tầng kỹ thuật cơ bản như nguồn nước, nguồn điện và các hạ tầng công nghiệp.
Trong khi đó, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng: "Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập TP.Phú Quốc - thành phố biển đảo duy nhất hiện nay".
Trong quy hoạch Phú Quốc, cần phải chú trọng tới 4 trụ cột chính, Cụ thể: Thứ nhất, trụ cột về công nghiệp giải trí: Hiện Phú Quốc mới có nền công nghiệp mang tính cơ bản, chưa có công nghiệp giải trí biển đảo thực sự. Điều này đòi hỏi phải có thời gian, tiềm năng lớn để phát triển giải trí theo hướng giải trí biển đảo xanh, thông minh.
Thứ hai, trụ cột về du lịch nghỉ dưỡng: Đến thời điểm hiện tại, Phú Quốc đã thu hút đầu tư được khoảng 16,7 tỷ USD và việc đầu tư đó đã đạt kết quả tốt. Mức độ phát triển kinh tế với hiệu quả cao, đóng góp 40% nguồn thu cho Kiên Giang. Đây là những nền tảng giúp cho Phú Quốc trở thành đô thị đặc sắc trong tương lai.
Thứ ba, trụ cột để xây dựng Phú Quốc thành trung tâm tài chính mới của khu vực. Đây quả thực là vấn đề không đơn giản. Các quốc gia thường xây dựng trung tâm tài chính quốc gia rồi mới xây dựng trung tâm khu vực, tạo điều kiện cho các chuyên gia tới làm việc. Tuy nhiên, việc phát triển Phú Quốc thành trung tâm tài chính phải nhằm phục vụ các hoạt động tài chính, bằng việc phát triển du lịch, công nghệ giải trí, nghiên cứu khoa học. Cần xây dựng hạ tầng, các tuyến đường, hệ thống internet tốt nhất.
Thứ tư, trụ cột để trở thành thành phố biển đảo đặc sắc, cần có trung tâm kinh tế biển. Phú Quốc có đầy đủ điều kiện để phát triển kinh tế biển, ngoài công nghiệp, du lịch, giải trí cần phải cụ thể hóa, phát triển thương mại, logistics, phục vụ cơ sở hạ tầng biển.
PGS. TS. Thịnh cho biết, phát triển kinh tế biển ở đây là mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo an ninh quốc phòng trong điều kiện hoạt động ở những điều kiện khác nhau.
Về quy hoạch Kiên Giang trình Thủ tướng mới đây, "chúng tôi cho rằng cần có quy hoạch ổn định 40 - 50 năm và trở thành đường hướng để việc đầu tư phát triển đi theo hướng đó", PGS. TS. Thịnh đưa ra góc nhìn về hướng phát triển TP.Phú Quốc.
Phú Quốc là một viên ngọc - càng mài càng sáng
Cũng theo PGS. TS. Thịnh, việc phát triển đô thị, đầu tư bất động sản trở thành mục tiêu quan trọng nhưng cần phù hợp với sự phát triển trong dài hạn của thành phố thông minh và công nghệ cao. Ciệc phát triển bất động sản, kinh tế Phú Quốc chính là bài toán cấp bách với sự phát triển của cả nền kinh tế trong tương lai.
Đánh giá về sự phát triển của TP.Phú Quốc, PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội, Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng: "Phú Quốc là thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam trên chủ trương, quyết định. Một thành phố đảo đúng nghĩa là như thế nào thì vẫn còn những tranh luận".
PGS. TS. Hồi đánh giá, cần nhìn vào lộ trình để có cách thức thực hiện an toàn và quy hoạch sẽ bám sát vào đó để điều chỉnh sao cho linh hoạt. Mặt khác, khi cơ quan quản lý đưa ra nhiều thông điệp, đề ra những nguyên tắc thì các doanh nghiệp của chúng ta có thể phát triển đúng hướng và mang tính bền vững.
"Phú Quốc là một viên ngọc và ngọc thì càng mài càng sáng, tuy nhiên nếu mài không cẩn thận, ngọc cũng sẽ "tối", không phát huy được giá trị vốn có", PGS. TS. Hồi nhận xét.
Theo PGS. TS. Hồi, trong quy hoạch TP.Phú Quốc vấn đề nước là vấn đề cần quan tâm tại Phú Quốc, chúng ta không nên biến Đảo Ngọc thành đảo ngập. Cần đặt ra tư duy cho các nhà làm quy hoạch, không xây dựng một cách vô tội vạ, thay vào đó cần bảo tồn các yếu tố cũ và xây dựng yếu tố mới một cách đúng hướng.
Sở dĩ Phú Quốc phát triển đến ngày hôm nay là nhờ có sự đóng góp của các nhà đầu tư chiến lược, nhưng phát triển về đường dài thế nào sẽ cần bàn luận thêm nhiều vấn đề.
Phú Quốc có lợi thế về biển đảo, cần phát triển trên 2 yếu tố: Tính trội riêng với các đảo để phát triển; tính liên kết giữa đảo và biển với các đảo, khu vực biển xung quanh.
Bên cạnh đó, sự chuyển dịch về địa chính trị trong khu vực khiến khu vực Phú Quốc cũng cần có cách nhìn mới. Theo đó, việc hướng tới thu hút các nhà đầu tư trong nước sẽ tốt hơn các nhà đầu tư nước ngoài tại khu vực này. Theo đó việc xây dựng và phát triển đô thị, nghỉ dưỡng tại Phú Quốc đã được cân nhắc kỹ.
PGS. TS. Hồi nhấn mạnh: "Phú Quốc là phần lãnh thổ thiêng liêng của đất nước, doanh nghiệp phát triển được thì rất đáng hoan nghênh".
Cuối cùng, phát triển đô thị phải gắn liền với kinh tế đô thị, do đó, Phú Quốc cần đô thị cho người dân ở. Ngoài những khu dân cư, đô thị hiện hữu thì cần các khu dân cư mới - đây là khía cạnh khai thác kinh tế khá tốt.
"Chúng ta đã phát triển ra biển chứ không còn chỉ đứng trên bờ nữa, tuy nhiên, phát triển Phú Quốc không nên lấn biển như nhiều tỉnh thành đang làm, vì tại Phú Quốc còn nhiều dư địa phát triển với đất và rừng", PGS. TS. Hồi chia sẻ.