Xử lý nợ xấu: Ngân hàng kiến nghị sửa đổi linh hoạt hơn quy định điều kiện mua bán nợ của VAMC

31/12/2022 09:51 GMT+7
Tổng Giám đốc Nam A Bank kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sửa đổi có tính linh hoạt hơn đối với quy định trong điều kiện mua bán nợ của VAMC để các ngân hàng nhanh chóng tiếp cận kênh này khi xử lý nợ xấu.

Cảnh báo nguy cơ nợ xấu tăng trong năm 2023

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, nhờ tích cực triển khai các giải pháp đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh nên tỷ lệ nợ xấu nội bảng vẫn ở mức an toàn.

Tính đến nay, nợ xấu nội bảng dưới 2% (1,92%). Dù cơ bản kiểm soát được nợ xấu, nhưng Phó Thống đốc Đào Minh Tú vẫn lưu ý về nguy cơ nợ xấu tăng trong năm 2023.

Báo cáo tài chính quý III/2022 của 27 ngân hàng cũng phần nào phản ánh áp lực nợ xấu tăng ngày càng hiện hữu. Cụ thể, tính đến ngày 30/9/2022, tổng nợ xấu nội bảng của 27 ngân hàng ở mức gần 129,8 nghìn tỷ đồng, tăng 28,4% so với đầu năm.

Xử lý nợ xấu: Ngân hàng kiến nghị sửa đổi linh hoạt hơn quy định điều kiện mua bán nợ của VAMC - Ảnh 1.

Dù cơ bản kiểm soát được nợ xấu, nhưng Phó Thống đốc Đào Minh Tú vẫn lưu ý về nguy cơ nợ xấu tăng trong năm 2023.

Theo nhận định của SSI, các ngân hàng sẽ phải đối mặt với bài toán chất lượng tài sản trong thời gian tới, trong đó áp lực nợ xấu tăng và tăng trích lập dự phòng sẽ tương đối lớn.

Thời gian qua, rất nhiều công ty bất động sản gặp khó khăn trong việc huy động vốn và tái cơ cấu nợ cho hoạt động kinh doanh của mình.

Điều này có thể làm gia tăng rủi ro liên quan đến khả năng trả nợ của những công ty này. Một số công ty đã đề nghị ngân hàng cho tạm hoãn thanh toán gốc và lãi vay.

Do đó, lãnh đạo một ngân hàng cho biết, ngân hàng phải tăng cường triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu, sớm thu hồi vốn để có thêm nguồn vốn cho vay nền kinh tế trong năm 2023.

Theo chia sẻ của vị này, hiện tại ngân hàng đã vận dụng mọi giải pháp để xử lý và thu hồi nợ tồn đọng; tăng cường trích lập dự phòng rủi ro với những khoản nợ có khả năng chuyển xấu và phân loại khách hàng đúng tình trạng khoản nợ theo quy định của Thông tư 14/2021/TT-NHNN.

Ngoài ra, ngân hàng đã thực hiện thoái lãi, ngừng dự thu và trích lập dự phòng đối với các khoản nợ quá hạn, nợ xấu theo quy định của NHNN...

Hiện việc thu hồi xử lý nợ xấu qua thanh lý tài sản bảo đảm đang rất chậm do thanh khoản thị trường bất động sản sụt giảm, tài sản rao bán dù giảm giá mạnh mà vẫn không tìm được người mua.

Mặc dù khó khăn nhưng lãnh đạo ngân hàng cho biết ngân hàng vẫn phải đẩy mạnh hoạt động này bởi đây vẫn là giải pháp chủ chốt giúp các ngân hàng sớm thu hồi được nợ.

Mặt khác, nếu để tình trạng nợ xấu dồn ứ, ảnh hưởng đến khả năng cấp vốn ngân hàng đến nền kinh tế. Chính vì vậy, các ngân hàng kiên trì đấu giá các tài sản dù phải điều chỉnh giá rất nhiều lần, thậm chí phải "cắt lỗ" khoản nợ để sớm thu hồi vốn.

Cho phép dùng trái phiếu đặc biệt tham gia nghiệp vụ thị trường mở

Chia sẻ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 2023, ông Trần Ngọc Tâm - Tổng Giám đốc Nam A Bank cho hay, tỷ lệ nợ xấu nội bảng trung bình giai đoạn 2016 – 2020 của ngân hàng là 0,83%. 2 năm qua do ảnh hưởng nặng nề từ dịch covid -19 và các yếu tố kinh tế vĩ mô phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực nhất định và tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống Nam A Bank đến nay là 1,29%.

Mặc dù tỷ lệ nợ xấu của Nam A Bank cao hơn giai đoạn trước song đây vẫn là con số tích cực, cho thấy ngân hàng đang kiểm soát tốt nợ xấu trong bối cảnh nhiều khó khăn bủa vây nền kinh tế.

Xử lý nợ xấu: Ngân hàng kiến nghị sửa đổi linh hoạt hơn quy định điều kiện mua bán nợ của VAMC - Ảnh 3.

Khách hàng sử dụng dịch vụ của Nam A Bank.

Nói về thành công kiểm soát nợ xấu, theo Tổng Giám đốc Nam A Bank phần là do nợ xấu được xử lý hiệu quả nhờ định hướng và hỗ trợ từ việc kịp thời áp dụng các cơ chế, chính sách xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội; từ cơ chế mua bán nợ với Công ty VAMC, đặc biệt trong giai đoạn 2021-2022 khi nền kinh tế bị ảnh hưởng của Dịch Covid 19.

Tuy nhiên, trước áp lực gia tăng của nợ xấu, đại diện ngân hàng Nam Á kiến nghị Chính phủ, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kéo dài và bổ sung phạm vi xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội trên cơ sở kế thừa và phát huy tính chất đột phá của Nghị quyết 42 hiện nay và áp dụng cho toàn bộ nợ xấu phát sinh của hệ thống các tổ chức tín dụng và nêu rõ thêm cơ chế xử lý tài sản bảo đảm đối với các Dự án bất động sản.

Đồng thời, sửa đổi có tính linh hoạt hơn đối với quy định trong điều kiện mua bán nợ của VAMC nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng nhanh chóng tiếp cận kênh này khi xử lý nợ xấu.

Chẳng hạn như, ngân hàng được bán nợ cho VAMC trong trường hợp tỷ lệ nợ xấu đang dưới 3%, nợ xấu có 1 phần là tài sản bảo đảm hoặc không có tài sản bảo đảm,… Cho phép dùng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành tham gia nghiệp vụ thị trường mở.

Lãnh đạo ngân hàng Nam Á cũng đề nghị bổ sung mục tiêu của Đề án cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, trong đó có giải pháp củng cố, mở rộng và hỗ trợ sự phát triển bền vững cho hệ thống các ngân hàng thương mại (ngoài Big 4), đi cùng xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục