Xuất khẩu đồ gỗ sang Trung Quốc bất ngờ tăng đột biến gần 50%

20/11/2022 18:36 GMT+7
Đáng chú ý, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Trung Quốc trong 10 tháng năm 2022 tăng rất mạnh, đạt 1,8 tỷ USD, tăng 48,4% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm đồ nội thất bằng gỗ tới thị trường Trung Quốc rất khả quan.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Trung Quốc rất khả quan

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 10/2022 đạt 1,2 tỷ USD, tăng 7,6% so với tháng 9/2022 và tăng 25,8% so với tháng 10/2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 775,1 triệu USD, tăng 5,5% so với tháng 9/2022 và tăng 23% so với tháng 10/2021.

Tính chung 10 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 13,5 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 9,4 tỷ USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu đồ gỗ sang Trung Quốc bất ngờ tăng đột biến gần 50% - Ảnh 1.

Xuất khẩu đồ gỗ sang Trung Quốc bất ngờ tăng đột biến gần 50%.

10 tháng năm 2022, gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới các thị trường chính đều tăng trưởng khá, trong đó trị giá xuất khẩu tới Hoa Kỳ cao nhất, đạt 7,4 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu tới Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh góp phần thúc đẩy ngành gỗ tăng trưởng khả quan trong năm 2022. Tuy nhiên, trước tình trạng lạm phát gia tăng, nhu cầu tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ sẽ chững lại. Theo Viện Quản lý cung ứng Hoa Kỳ (ISM), đồ nội thất và sản phẩm gỗ là hai trong số các ngành sản xuất báo cáo sự sụt giảm trong tháng 10/2022. Theo đó, khả năng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Hoa Kỳ trong 2 tháng cuối năm 2022 kém khả quan. 

Đáng chú ý, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Trung Quốc trong 10 tháng năm 2022 tăng rất mạnh, đạt 1,8 tỷ USD, tăng 48,4% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm đồ nội thất bằng gỗ tới thị trường Trung Quốc rất khả quan. Theo nguồn mordorintelligence.com, Trung Quốc có nhu cầu rất cao về đồ nội thất do dân số đông. Bên cạnh đó nhu cầu khả dụng ngày càng tăng của người tiêu dùng đang thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp đồ nội thất Trung Quốc, khi khách hàng sẵn sàng chi nhiều hơn cho các sản phẩm đồ nội thất. Đô thị hóa nhanh chóng cũng là một số yếu tố chính khác góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành nội thất ở Trung Quốc. 

Ngoài ra, gỗ và sản phẩm gỗ còn xuất khẩu nhiều tới các thị trường khác trong 10 tháng năm 2022 như Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Anh, Úc… Trong cơ cấu các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính, chỉ có trị giá xuất khẩu tới thị trường Anh giảm, đạt 197,2 triệu USD, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu đồ gỗ sang Trung Quốc bất ngờ tăng đột biến gần 50% - Ảnh 2.

Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan

Năm nay, xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam sang các thị trường thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng rất khó khăn và ngành gỗ đã phải nỗ lực hết sức.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), EU nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ các thị trường ngoài khối trong 6 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 1 triệu tấn, trị giá 3,47 tỷ Eur (tương đương 3,5 tỷ USD), giảm 6,9% về lượng nhưng tăng 21,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của EU từ các thị trường ngoài khối tăng mạnh là do giá nhập khẩu tăng cao, bởi tác động của chi phí nguyên liệu, vận chuyển gia tăng, khiến các thị trường sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này phải tăng giá sản phẩm.

Trung Quốc là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ ngoài khối lớn nhất cho EU trong 6 tháng đầu năm 2022, đạt 432,3 nghìn tấn, trị giá 1,48 tỷ Eur (tương đương 1,5 tỷ USD), giảm 6,4% về lượng, nhưng tăng 19,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Việc áp dụng chính sách “Zero Covid” khiến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc bị gián đoạn. 

Xuất khẩu đồ gỗ sang Trung Quốc bất ngờ tăng đột biến gần 50% - Ảnh 3.

Trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 10/2022 đạt 1,2 tỷ USD, tăng 7,6% so với tháng 9/2022 và tăng 25,8% so với tháng 10/2021.

Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ ngoài khối lớn thứ 2 cho EU trong 6 tháng đầu năm 2022, đạt 87,5 nghìn tấn, trị giá 407,1 triệu Eur (tương đương 411,1 triệu USD), tăng 1% về lượng và tăng 36,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Mặt hàng nhập khẩu EU nhập khẩu chủ yếu mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, ghế khung gỗ và mặt hàng đồ nội thất phòng ngủ từ các thị trường ngoài khối trong nửa đầu năm 2022, với lượng nhập khẩu 3 mặt hàng này chiếm 94,2% tổng lượng đồ nội thất bằng gỗ của EU. Đây đều là những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, tuy nhiên lượng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 9,1% tổng lượng nhập khẩu 3 mặt hàng này, do vậy còn rất nhiều dư địa để các doanh nghiệp ngành hàng này khai thác. 

Để thúc đẩy xuất khẩu, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết, luôn phải tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường và đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững tại châu Âu. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành gỗ cần nhanh chóng đầu tư nguồn lực cải tiến sản xuất, điều kiện lao động, nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu của thị trường để sản phẩm gỗ Việt Nam mở rộng thị phần tại thị trường EU.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục