Xuất khẩu phân bón Việt Nam khởi sắc, nhiều doanh nghiệp lãi đậm
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2024 cả nước xuất khẩu 903.095 tấn phân bón các loại, tương ứng giá trị đạt 362,09 triệu USD, tăng 13% về khối lượng, tăng 8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.
Phân bón của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia - chiếm 27,7% trong tổng khối lượng và chiếm 28,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước, đạt 102,23 triệu USD, giảm 14% về lượng, giảm 16,5% kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu tăng trưởng tốt, lợi nhuận nhóm doanh nghiệp phân bón ra sao?
Dữ liệu thống kê 6 tháng đầu năm, 8 doanh nghiệp niêm yết báo lãi trước thuế 3.785,9 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 5 doanh nghiệp tăng trưởng, 2 doanh nghiệp giảm lãi và 1 doanh nghiệp báo lỗ.
Dẫn đầu danh sách thống kê về lợi nhuận là Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC) với kết quả đạt 1.722 tỷ đồng. Dù vậy, mức lợi nhuận này vẫn giảm 6% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, Hóa chất Đức Giang cho biết, công ty có điều chuyển lợi nhuận từ công ty con là Công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang Lào Cai, nhận cổ tức từ CTCP Ắc quy Tia sáng tổng số tiền là 601,9 tỷ đồng. Qua đó, 6 tháng đầu năm, số tiền điều chuyển lợi nhuận chưa phân phối từ công ty con về công ty mẹ là 868,8 tỷ đồng.
Như vậy, nếu không tính đến lợi nhuận được điều chuyển về thì lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm công ty mẹ là 109 tỷ đồng, giảm gần 10% so với cùng kỳ.
Xếp thứ hai về lợi nhuận là CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau; HoSE: DCM). Doanh nghiệp này lãi trước thuế 981 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả kinh doanh tích cực này đến từ việc, "thắng lớn" trong quý II, cùng với lợi nhuận hợp nhất kinh doanh dẫn đến kết quả lợi nhuận sau thuế quý II tăng 97% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, dù chỉ báo lãi trước thuế 112,9 tỷ đồng nhưng CTCP DAP-Vinachem (UPCoM: DDV) lại là doanh nghiệp phân bón có mức tăng trưởng ấn tượng nhất (5276%).
Theo giải trình, DAP-Vinachem cho biết nhờ sản lượng tăng so với cùng kỳ năm trước, thêm khoản phát sinh tăng từ doanh thu một số khoản doanh thu từ việc bán các hóa chất khác như Axit sunfuric, Amoniac. Tuy nhiên, doa doanh thu tăng cao hơn giá vốn nên biên lợi nhuận gộp tăng 134%.
Ngược lại, Đạm Hà Bắc (UPCoM: DHB) là doanh nghiệp duy nhất báo lỗ 99,2 tỷ đồng, giảm lỗ so với cùng kỳ là gần 480 tỷ đồng.
Đạm Hà Bắc giải trình nguyên nhân thua lỗ do tình hình sản xuất không thuận lợi. Thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng và mưa giông nhiều, đặc biệt là sét đánh nhiều lần làm đứt đường dây truyền tải điện của công ty, khiến dây chuyền sản xuất phải ngừng đột xuất.
Khi công ty khắc phục sự cố và chạy máy trở lại, phát hiện các thiết bị bị dò, phải ngừng máy dài ngày để sửa chữa lớn. Thời gian chạy máy giảm 45 ngày so với kế hoạch, không có sản phẩm. Bên cạnh đó, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, đặc biệt là giá than, vẫn giữ ở mức cao, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh.
Đà tăng trưởng sẽ kéo dài trong nửa cuối năm 2024?
Chứng khoán Agribank (Agriseco) đã công bố báo cáo phân tích biến động giá hàng hóa và cơ hội đầu tư giai đoạn cuối năm 2024. Báo cáo chỉ ra, giá urê đã bắt đầu hồi phục sau khi chạm đáy hồi tháng 5/2024 nhờ giá khí đốt tự nhiên hồi phục và Cục tấn công tại biển Đỏ khiến giá vận tải tăng cao.
Theo đánh giá của nhóm chuyên gia, nửa cuối năm nay, giá urê sẽ tăng nhẹ so với hồi tháng 5/2024 do nguồn cung hạn chế do Trung Quốc và Nga vẫn tiếp tục hạn chế xuất khẩu. Ngoài ra, giá các mặt hàng nông sản đang hạ nhiệt, sẽ thúc đẩy nhu cầu trồng trọt, hỗ trợ tiêu thụ urê Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhóm chuyên gia Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhấn mạnh tới Luật Thuế VAT sửa đổi đã được thảo luận tại kỳ họp Quốc Hội thứ 7, và sẽ được biểu quyết để thông qua tại kỳ họp thứ 8 tới đây.
Một trong những điểm sửa đổi lần này là đưa phân bón vào danh mục chịu thuế VAT 5% (từ diện không chịu thuế). Qua đó, nhóm chuyên gia kỳ vọng Luật Thuế VAT sửa đổi sẽ được thông qua, và có hiệu lực từ 1/1/2025.
Hiện tại giá phân bón trong nước cao hơn giá phân bón nhập khẩu, một phần nguyên nhân do giá thành cao hơn khi các doanh nghiệp sản xuất phải chịu thêm chi phí VAT 10% (do không được khấu trừ). Nếu Luật thuế VAT sửa đổi được thông qua, giá thành sản xuất phân bón trong nước có thể giảm, đồng thời giá bán phân bón nhập khẩu sẽ tăng thêm 5% do thuế VAT. Nhóm chuyên gia cho rằng, điều này giúp gia tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất phân bón nội địa.
Trước đó, hồi cuối tháng 6/2024, Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Luật Thuế Giá trị gia tăng (VAT), trong đó, nổi bật lên vấn đề cơ quan soạn thảo (Bộ Tài chính) đề xuất đưa mặt hàng phân bón vào danh mục hàng thuộc diện chịu thuế VAT 5%.
Bộ Tài chính cho rằng việc mặt hàng phân bón không thuộc diện chịu thuế sẽ không được hoàn thuế, số thuế được hoàn là khoảng 1.500 tỷ đồng/năm.
Việc phân bón chịu thuế VAT sẽ giúp mặt hàng này được giảm chi phí do doanh nghiệp được khấu trừ, hoàn thuế; đồng thời, giúp hàng phân bón trong nước cạnh tranh được với hàng nhập khẩu do mặt hàng phân bón nhập khẩu được các nước hoàn thuế.