Xuất khẩu sang Bỉ tăng vọt, tác động mạnh toàn ngành cà phê Việt Nam

27/04/2022 11:59 GMT+7
Bỉ là thị trường xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 của Việt Nam, tỷ trọng chiếm 11,3% tổng lượng và 10,4% tổng trị giá trong quý I/2022. Xuất khẩu sang thị trường Bỉ bứt phá mạnh đã tác động tích cực lên toàn ngành cà phê.
Xuất khẩu sang Bỉ tăng vọt, tác động mạnh toàn ngành cà phê Việt Nam - Ảnh 1.

Giá cà phê Robusta có xu hướng phục hồi trở lại, song e ngại là sẽ khó bền vững.

Giá cà phê tăng nhẹ trở lại, sau phiên lao dốc không phanh

Giá cà phê Robusta có xu hướng phục hồi trở lại, song e ngại là sẽ khó bền vững. Lo ngại lạm phát vượt mức và rủi ro tăng cao khi xung đột vũ trang Nga và Ukraine có thể kéo lùi đà tăng trưởng kinh tế thế giới do các chính sách cấm vận của phương Tây. Trong khi đó, số ca lây nhiễm Covid-19 ở mức cao và các ngân hàng trung ương lớn đang xem xét để thắt chặt các biện pháp kích thích kinh tế và nâng cao lãi suất cơ bản tại các phiên họp chính sách sắp tới. 

Áp lực bán cà phê của niên vụ 2021/22 từ các nước sản xuất vẫn tiếp tục, trong khi một số nước sản xuất chính như Brazil và Indonesia đã bước vào thu hoạch vụ mùa mới của năm nay với các dự báo ban đầu rất lạc quan cũng khiến xu hướng đầu cơ trên các thị trường bị chững lại. Điều này kết hợp với khả năng nâng lãi suất cơ bản sắp tới đã khiến các nhà đầu tư tiếp tục thận trọng trong việc cân đối, thanh lý trên các thị trường kỳ hạn nói chung. 

Theo báo cáo từ các tổ chức cà phê quốc tế, dự kiến mức tiêu thụ cà phê của Brazil trong niên vụ 2021/22 sẽ giảm lần đầu tiên trong hơn 10 năm qua do suy thoái kinh tế, tỷ lệ lạm phát cao và giá cả tăng cao đã tác động tiêu cực lên nhu cầu tiêu dùng. 

Dữ liệu thương mại của chính phủ Indonesia cũng cho thấy, xuất khẩu cà phê Robusta trong tháng 3/2022 đạt 126.740 bao, giảm 119.991 bao (tương đương mức giảm 48,6%) so với tháng 3/2021. Kết thúc niên vụ cà phê theo truyền thống (từ tháng 4/2021 đến tháng 3/2022), Indonesia xuất khẩu đạt 4.568.248 bao, tăng 1.327.903 bao (tăng gần 41%) so với niên vụ cà phê 2020/21.

Dù chốt phiên vẫn còn giảm, nhưng trong phiên giao dịch ngày 26/4, giá cà phê Robusta đã bắt đầu điều chỉnh tăng nhẹ trở lại, sau phiên lao dốc không phanh của ngày hôm trước. Thị trường cũng kỳ vọng giá cà phê London sẽ được cải thiện đáng kể trong những ngày sắp tới do nhu cầu tiêu thụ loại cà phê "vị đắng” vẫn còn cao.

Trong khi đó, giá cà phê Arabica đã tăng trong phiên gần nhất, dù đã trải qua một phiên sụt giảm kéo dài trước đó do USDX (chỉ số giá đô la Mỹ) tăng mạnh khiến tỷ giá đồng Real (của Brazil) giảm mạnh, khuyến khích nông dân Brazil đẩy mạnh việc bán các loại hàng nông sản xuất khẩu. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch cà phê của Brazil không nhiều, do lượng tồn kho gối vụ không dồi dào, trong khi phần lớn đầu cơ trên sàn New Yorrk vẫn đứng bên ngoài thị trường theo dõi.

Giao dịch thương mại trên thị trường nội địa Việt Nam tiếp tục trầm lắng, hầu hết nhà nông đã thể hiện sự kháng giá khi cho rằng mức giá sàn London vẫn dao động ở mức thấp khiến họ thua lỗ, trong khi vật tư phân bón đầu vào cho sản xuất hiện đã ở mức quá cao.

Đóng cửa phiên giao ngày 26/4, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 5/2022 chỉ còn giảm nhẹ 12 USD (0,58%), giao dịch tại 2.054 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 7/2022 giảm 12 USD (0,58%) giao dịch tại 2.061 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình.

Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York quay đầu điều chỉnh tăng, kỳ hạn giao tháng 7/2022 tăng 0,45 Cent (0,2%), giao dịch tại 221,15 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 9/2022 tăng 0,35 Cent/lb (0.16%), giao dịch tại 221,0 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình khá.

Xuất khẩu sang Bỉ tăng vọt, tác động mạnh toàn ngành cà phê Việt Nam - Ảnh 2.

Cập nhật: 27/04/2022 lúc 11:30:01

Cập nhật lúc 11 giờ 30 trưa nay (27/4), giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London vẫn hiển thị giảm, còn giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York vẫn ở xu hướng tăng.

Xuất khẩu sang Bỉ tăng vọt, tác động mạnh toàn ngành cà phê

Xuất khẩu sang Bỉ tăng vọt, tác động mạnh toàn ngành cà phê Việt Nam - Ảnh 3.

So với cùng kỳ vài năm trước thì quý I/2022 có kết quả sản xuất, kinh doanh vào loại tốt nhất.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) kết quả kinh doanh của ngành cà phê Việt Nam trong quý I/2022 có nhiều điểm tích cực. So với cùng kỳ vài năm trước thì quý I/2022 có kết quả sản xuất, kinh doanh vào loại tốt nhất. Quý I xuất khẩu cà phê sang thị trường Bỉ tăng vọt chưa từng thấy đã tác động mạnh tới toàn ngành cà phê. 

Bỉ là thị trường xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 của Việt Nam, tỷ trọng chiếm 11,3% tổng lượng và 10,4% tổng trị giá trong quý I/2022. Xuất khẩu cà phê sang thị trường Bỉ bứt phá mạnh đã tác động tích cực lên toàn ngành. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Bỉ trong tháng 3/2022 đạt 29,2 nghìn tấn, trị giá 61,7 triệu USD, tăng 440,7% về lượng và tăng 571% về trị giá so với tháng 3/2021. Tính chung quý I/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Bỉ đạt 65,7 nghìn tấn, trị giá 135,3 triệu USD, tăng 446,8% về lượng và tăng 580% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Diễn biến giá: Tháng 3/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang Bỉ đạt mức 2.111 USD/tấn, tăng 24,1% so với tháng 3/2021. Tính chung quý I/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang Bỉ đạt mức 2.054 USD/tấn, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu sang Bỉ tăng vọt, tác động mạnh toàn ngành cà phê Việt Nam - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Xuất khẩu sang Bỉ tăng vọt, tác động mạnh toàn ngành cà phê Việt Nam - Ảnh 5.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Về chủng loại: Việt Nam xuất khẩu chủ yếu cà phê Robusta sang Bỉ. Trong 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê Robusta sang Bỉ đạt xấp xỉ 34,5 nghìn tấn, trị giá 65 triệu USD, tăng 466,1% về lượng và tăng 577% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, chủng loại cà phê Arabica có tốc độ xuất khẩu tăng tới 544,8% về lượng và tăng 890,5% về trị giá, nhưng lượng đạt mức thấp.

Thực tế, Bỉ là nhà nhập khẩu cà phê nhân lớn thứ ba của châu Âu. Hơn 96% lượng cà phê nhập khẩu của Bỉ có nguồn gốc trực tiếp từ các nước sản xuất cà phê, nguồn cung trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ (Eurostat thống kê năm 2021). 

Bỉ cũng là nước tái xuất khẩu cà phê nhân lớn nhất ở châu Âu. Bỉ chủ yếu tái xuất khẩu sang các nước láng giềng: Hà Lan chiếm 55% lượng cà phê nhân tái xuất của Bỉ vào năm 2020. Các nhà nhập khẩu cà phê quy mô lớn và chuyên biệt của Hà Lan thường sử dụng các cảng của Bỉ cho hoạt động của họ. Các thị trường tái xuất khẩu khác của Bỉ là Pháp (25%) và Đức (4,1%). 

Bỉ còn là một trung tâm thương mại cà phê quan trọng ở châu Âu. Một phần lớn cà phê được giao dịch trên thế giới đến cảng Antwerp, nơi được sử dụng cho mục đích trung chuyển. Đây là nơi lưu trữ cà phê lớn nhất trên thế giới, cho phép lưu trữ hơn 250 nghìn tấn cà phê. Cảng Antwerp chiếm khoảng 50% hoạt động kinh doanh hậu cần cà phê của châu Âu. Trong khi đó, cảng Zeebrugge là một điểm nhập cảnh quan trọng khác của cà phê ở Bỉ. Cảng này cung cấp một cơ sở lưu trữ hiện đại được kiểm soát nhiệt độ và một cơ sở phân phối cà phê nhân cho phần còn lại của châu Âu bằng đường sắt, đường bộ và đường biển. Đầu năm 2021, hai cảng này đã sáp nhập, điều này sẽ củng cố hơn nữa vị thế của Bỉ như một trung tâm thương mại cà phê quan trọng ở châu Âu. Sau khi hoàn thành, các cảng sẽ hoạt động dưới tên "Cảng Antwerp-Bruges".

Do đó, Bỉ sẽ vẫn là một trong những điểm đến quan trọng nhất đối với các nhà xuất khẩu cà phê muốn vào các thị trường mục tiêu khác ở châu Âu. Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu, năm 2021, Bỉ nhập khẩu cà phê đạt gần 380,1 nghìn tấn, trị giá 1,21 tỷ EUR (1,3 tỷ USD), tăng 7,9% về lượng và tăng 23,5% về trị giá so với năm 2020.

Năm 2021, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Bỉ đạt mức 3.182 EUR/tấn (3.440 USD/tấn), tăng 14,4% so với năm 2020. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Bỉ từ Brazil tăng 16,4%, lên mức 2.277 EUR/tấn (2.462 USD/tấn); từ Việt Nam tăng 17,4%, lên mức 1.638 EUR/tấn (1.771 USD/tấn); từ Honduras tăng 18,4%, lên mức 2.911 EUR/tấn (3.147 USD/tấn).

Năm 2021, Bỉ nhập khẩu cà phê chủ yếu từ nguồn cung ngoại khối EU. Số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu cho biết, nhập khẩu cà phê của Bỉ từ thị trường ngoại khối đạt 336,62 nghìn tấn, trị giá 855,32 triệu EUR (924,6 triệu USD), tăng 9,2% về lượng và tăng 27,9% về trị giá so với năm 2020. 

Năm 2021, Bỉ nhập khẩu cà phê từ Brazil đạt 126,9 nghìn tấn, trị giá 289 triệu EUR (312,43 triệu USD), tăng 51,6% về lượng và tăng 79,4% về trị giá so với năm 2020. Thị phần cà phê của Brazil trong tổng lượng nhập khẩu của Bỉ tăng từ 23,76% năm 2020 tăng lên 33,39% trong năm 2021. Ngược lại, Bỉ giảm nhập khẩu cà phê từ Việt Nam với mức giảm 25,2% về lượng và giảm 20,9% về trị giá so với năm 2020, đạt 45,6 nghìn tấn, trị giá 74,73 triệu EUR (80,79 triệu USD). Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Bỉ giảm từ 17,32% trong năm 2020 xuống 12% trong năm 2021. Ba tháng đầu năm nay, Bỉ mới tăng mạnh trở lại việc mua cà phê của Việt Nam như đã nêu trên.

Xuất khẩu sang Bỉ tăng vọt, tác động mạnh toàn ngành cà phê Việt Nam - Ảnh 6.

Nguồn: Cơ quan Thống kê châu Âu

Xuất khẩu sang Bỉ tăng vọt, tác động mạnh toàn ngành cà phê Việt Nam - Ảnh 7.

Nguồn: Cơ quan Thống kê châu Âu

 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục