Thị trường cà phê biến động rất mạnh trước tác động trái chiều của nguồn cung

26/04/2022 16:47 GMT+7
Thị trường cà phê đang biến động rất mạnh trước tác động trái chiều của nguồn cung cà phê trong ngắn và trung hạn...

Thị trường cà phê biến động rất mạnh

Kết thúc phiên ngày 25/4, lực bán áp đảo trên bảng giá của thị trường cà phê. Giá cà phê đồng loạt lao dốc mạnh trên cả hai sàn. Trong đó, hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 7 giảm 2,8% về mức 2.207 USD/tấn, hợp đồng Robusta cùng kỳ hạn thấp hơn 2,4% ở mức 2.066 USD/tấn, theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam.

Thị trường cà phê biến động rất mạnh trước tác động trái chiều của nguồn cung - Ảnh 1.

Thị trường cà phê kéo dài khoảng đi ngang trước tác động trái chiều của nguồn cung trong ngắn và trung hạn.

Giá cà phê Arabica hiện vẫn đang giằng co trước tác động trái chiều nhau của thông tin liên quan đến nguồn cung. Việc sản lượng cà phê Arabica niên vụ 22/23 của Brazil được dự báo thấp thứ 2 trong tổng cộng 9 năm được mùa đã hỗ trợ giá liên tục neo ở mức cao. Ngoài ra, các khu vực trồng Arabica chính của Brazil sẽ ít có mưa trong 2 tuần tới, từ đó phần nào củng cố lo ngại về nguồn cung trong trung và dài hạn trong khi tại Colombia, mùa vụ cà phê đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi hiện tượng thời tiết LaNina với những cơn mưa lớn gây ra tình trạng lũ lụt.

Tuy nhiên trong ngắn hạn, giá Arabica đang mất đi yếu tố hỗ trợ đến từ đồng nội tệ Reals của Brazil, từ đó người nông dân có thể đẩy mạnh bán hàng niên vụ 21/22 trong giai đoạn này. Ngoài ra, tồn kho Arabica trên Sở ICE duy trì ổn định đà tăng sẽ khiến yếu tố hỗ trợ cứng của giá mặt hàng này trong giai đoạn vừa qua suy yếu.

Đối với mặt hàng Robusta, mặc dù chịu áp lực bán mạnh trong phiên hôm qua, giá vẫn đang đi ngang. Do các  thông tin về nguồn cung tại Việt Nam và các nước Nam Mỹ đã phần nào phản ánh lên giá, nên diễn biến trên thị trường Robusta sẽ bị chi phối chủ yếu bởi mặt hàng cùng nhóm là Arabica.

Nguồn cung cà phê Robusta tăng và áp lực đáo hạn hợp đồng quyền chọn kỳ hạn tháng 5/2022. Trong khi đó, Robusta của 3 nhà sản xuất lớn Việt Nam, Brazil và Indonesia gần sát nhau về thời kỳ thu hoạch đã gây áp lực lên việc tiêu thụ do nguồn cung quá dồi dào. Điều này có thể khiến giá cà phê Robusta tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng cà phê thế giới trong niên vụ 2021 - 2022 giảm 8,5 triệu bao (tương ứng giảm 4,8%) so với niên vụ 2020 - 2021 xuống còn 167,5 triệu bao (loại 60 kg/bao).

Áp lực bán cà phê của niên vụ 2021-2022 từ các nước sản xuất vẫn tiếp tục, trong khi một số nước sản xuất chính như Brazil và Indonesia đã bước vào thu hoạch vụ mùa mới của năm nay với các dự báo ban đầu rất lạc quan cũng khiến xu hướng đầu cơ trên các thị trường bị chững lại.

Điều này kết hợp với khả năng nâng lãi suất cơ bản sắp tới đã khiến các nhà đầu tư tiếp tục thận trọng trong việc cân đối, thanh lý trên các thị trường kỳ hạn nói chung.

Dự kiến mức tiêu thụ cà phê của Brazil trong niên vụ 2021-2022 sẽ giảm lần đầu tiên trong hơn 10 năm qua do suy thoái kinh tế, tỷ lệ lạm phát cao và giá cả tăng cao đã tác động tiêu cực lên nhu cầu tiêu dùng.

Trong khi đó, dữ liệu thương mại của chính phủ Indonesia cho thấy, xuất khẩu cà phê Robusta trong tháng 3 đạt 126.740 bao, giảm 119.991 bao (tương đương mức giảm 48,6%) so với tháng 3/2021.

Kết thúc niên vụ cà phê (từ tháng 4/2021 đến tháng 3/2022), Indonesia xuất khẩu đạt 4,5 triệu bao, tăng tăng gần 41% so với niên vụ cà phê 2020-2021.

Tính đến ngày 21/4, tồn kho đạt chuẩn trên hai sàn so với báo cáo tuần trước như sau: Robusta London đạt 93.490 tấn, giảm từ 93.700 tấn, Arabica New York đạt 66.007 tấn , tăng so với 64.645 tấn. Như vậy, tồn kho đạt chuẩn Robusta có tuần thứ ba liên tiếp giảm, giúp giá London trở lại tình trạng giá đảo trước đó (giá tháng 5/22 cao hơn 7/22).

Thị trường cà phê biến động rất mạnh trước tác động trái chiều của nguồn cung - Ảnh 2.

Giá cà phê trong nước sáng nay giảm mạnh 1.000 đồng/kg.

Người nông dân trồng cà phê đang chịu áp lực trước chi phí 

Ở thị trường trong nước, trong quý I, người nông dân trồng cà phê đang chịu áp lực trước chi phí phân bón và xăng dầu tăng cao. Theo phản ánh của một số người trồng, giá một số loại phân bón thậm chí tăng 40 – 50%. Một số hộ phải cắt giảm tần suất bón phân để tiết giảm chi phí . Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng khiến chi phí tưới tiêu, vận chuyển cũng tăng theo, đặc biệt khi các tỉnh trồng cà phê đang bước vào mùa khô.

Giá cà phê trong nước sáng nay giảm mạnh 1.000 đồng/kg, giá cao nhất tại tỉnh Đắk Lắk là 40.500 đồng/kg, giá thấp nhất  tại tỉnh Lâm Đồng là 39.800 đồng/kg. 

Cụ thể, mở cửa phiên giao dịch hôm nay giá cà phê ở Lâm Đồng giảm 1.000 đồng/kg, tại Bảo Lộc, Lâm Hà ở mức 39.900 đồng/kg, tại Di Linh ở ngưỡng 39.800 đồng/kg.

Giá cà phê tại Đắk Lắk giảm 1.000 đồng/kg, cụ thể ở tại Cư M'gar ở mức 40,500 đồng/kg, tại Buôn Hồ giá cà phê ở ngưỡng 40,400đồng/kg.

Giá cà phê tại Gia Lai giảm 1.000 đồng/kg, giá ở Pleiku là 40,400 đồng/kg, và Ia Grai giao dịch quanh mức 40,400 đồng/kg.

Giá cà phê tại Đắk Nông giảm 1.000 đồng/kg, dao động ở ngưỡng 40,400 đồng/kg.

Giá cà phê tại Kon Tum giảm 1.000 đồng/kg, dao động ở  40,300 đồng/kg.

Giá cà phê giao tại cảng TP.HCM giảm 1.000 đồng/kg, dao động ở  ngưỡng  44.400 đồng/kg.

Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 2.140 USD/tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, giảm 6 USD/tấn (tương đương mức giảm 0,3%) so với ngày 9/4.

Các chuyên gia nhận định, hiện đầu cơ thể hiện sự thận trọng trước những bất ổn rủi ro của thị trường, nên sẽ đợi tới phút cuối mới quyết định lựa chọn xu hướng đầu cơ cho riêng mình.

Do vậy thị trường trong tuần này, rất khó để đoán định xu hướng. Với thị trường trong nước, tuần này ngay trước kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 4 ngày, nên nhiều khả năng không có sự đột phá mà chờ đợi sang đầu tháng 5/2022.

Khảo sát phiên giao dịch chiều ngày 26/4, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 5/2022 tăng 15 USD/tấn ở mức 2.056 USD/tấn, giao tháng 7/2022 giảm 5 USD/tấn ở mức 2.061 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 5/2022 tăng 1,15 cent/lb, ở mức 221,95 cent/lb, giao tháng 7/2022 tăng 1,15 cent/lb, ở mức 221,85 cent/lb.

Thị trường cà phê biến động rất mạnh trước tác động trái chiều của nguồn cung - Ảnh 3.

Cập nhật: 26/04/2022 lúc 15:54:10

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 3/2022 đạt kỷ lục trên 211 nghìn tấn, trị giá 474,44 triệu USD, tăng 51,4% về lượng và tăng 47,7% về trị giá so với tháng 2/2022; so với tháng 3/2021 tăng 24,4% về lượng và tăng 52% về trị giá. Tính chung quý I/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 581,7 nghìn tấn, trị giá 1,3 tỷ USD, tăng 28,3% về lượng và tăng 60,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Thị trường cà phê biến động rất mạnh trước tác động trái chiều của nguồn cung - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Thị trường cà phê biến động rất mạnh trước tác động trái chiều của nguồn cung - Ảnh 5.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Thị trường cà phê biến động rất mạnh trước tác động trái chiều của nguồn cung - Ảnh 6.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Tháng 3/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.248 USD/tấn, giảm 2,5% so với tháng 2/2022, nhưng tăng 22,2% so với tháng 3/2021. Tính chung quý I/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.230 USD/tấn, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 3/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang nhiều thị trường chính tăng so với cùng kỳ năm 2021, trừ xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Anh và Nga giảm. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê sang một số thị trường chính tăng mạnh như: Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha, Ý. Quý I/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chính tăng so với quý I/2021, ngoại trừ Hoa Kỳ và Nga giảm.

Cục Xuất nhập khẩu dự báo thị trường cà phê toàn cầu sẽ tiếp tục chịu sức ép trong tháng 4 và 5. Dòng vốn đầu cơ chảy mạnh vào dầu thô do căng thẳng địa chính trị chưa có dấu hiệu lắng dịu. Dù giá cà phê đang biến động rất mạnh, song các chuyên gia Cục này nhận định, về dài hạn, giá cà phê thế giới được dự đoán sẽ được hỗ trợ bởi các thông tin sản lượng nước lớn giảm trong khi nhu cầu đang dần phục hồi trở lại trên thị trường thế giới.

 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục