Xuất khẩu thủy sản Trung Quốc gặp khó
Cụ thể, phí vận chuyển container từ Trung Quốc sang châu Âu tăng 15-20%, sang Mỹ tăng 10%.
Nguyên nhân do các tàu phải đi vòng quanh châu Phi thay vì qua kênh đào Suez, gây chậm trễ vận chuyển. Một nhà xuất khẩu từ Hải Nam cho biết, họ đã đề xuất chia sẻ chi phí với khách hàng, nhưng công ty vận chuyển tiếp tục tăng giá.
Theo Wall Street Journal, việc các tàu chuyển hướng để tránh tấn công của phiến quân Houthi đã khiến giá cước vận chuyển container toàn cầu tăng khoảng 30%. Chi phí vận chuyển dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong mùa hè .
Một số nhà xuất khẩu đặt chỗ trước cho nhiều chuyến hàng để phòng trường hợp Mỹ áp thuế quan mới nếu ông Donald Trump thắng cử tổng thống năm 2024. Nhiều nhà phân tích dự đoán, chi phí vận chuyển cao có thể kéo dài đến tháng 10/2024.
Bên cạnh đó, một giám đốc công ty ở Giang Tô chia sẻ, giá vận chuyển từ Thượng Hải sang châu Âu có thể tăng thêm 35% vào tháng 8/2024.
"Quý thứ ba theo truyền thống là mùa cao điểm của vận tải biển. Tình trạng tắc nghẽn tại các cảng ở châu Phi và Đông Nam Á có khả năng gây ra chậm trễ trong hành trình quay trở lại của container Trung Quốc, do đó các nhà xuất khẩu Trung Quốc nên chuẩn bị sẵn sàng", ông nói thêm.
Trong giai đoạn phong tỏa COVID-19, chi phí vận chuyển hàng hóa đột ngột tăng vọt, dẫn đến chi phí bổ sung cho cả nhà xuất khẩu và người tiêu dùng.
Nhiều cơ hội mở ra với xuất khẩu thủy sản Việt Nam
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, xuất khẩu thủy sản vẫn tăng trưởng 6% trong 5 tháng đầu năm là kết quả đáng khích lệ trên con đường phục hồi và phát triển của ngành.
VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm 2024 sẽ đạt 4,4 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 1,65 tỷ USD; cá tra đạt 910 triệu USD; cá ngừ đạt 457 triệu USD; mực, bạch tuộc đạt 294 triệu USD; cua ghẹ đạt 119 triệu USD; nhuyễn thể có vỏ đạt gần 74 triệu USD.
Những cơ hội lớn cho xuất khẩu thủy sản được lãnh đạo VASEP nhìn nhận vẫn còn khá tích cực. Đặc biệt cơ hội này thể hiện khá rõ ở ngành tôm. Trước hết, tôm Ecuador phải đối mặt với những thách thức đáng kể, bao gồm việc hải quan Trung Quốc tăng cường kiểm tra và từ chối dán nhãn sulfite, thuế chống trợ cấp mới ở Mỹ... Tôm Ấn Độ thì đang đối mặt nguy cơ bị cấm nhập khẩu vào Mỹ sau khi một nhà máy sản xuất và xuất khẩu tôm lớn của nước này trở thành tâm điểm của một loạt cáo buộc liên quan đến các tài liệu giả mạo, cố tình vận chuyển tôm dương tính với kháng sinh sang Mỹ và ngược đãi công nhân...
Một lợi thế lớn khác của thủy sản Việt Nam là nhu cầu sử dụng sản phẩm giá trị gia tăng ngày càng cao. Tại các triển lãm thủy sản quốc tế ở Mỹ và EU năm nay, các sản phẩm giá trị gia tăng được khách hàng đặc biệt quan tâm. Việt Nam lại có lợi thế về trình độ chế biến thủy sản giá trị gia tăng, tay nghề của người lao động cao.