Xuất khẩu Trung Quốc tháng 8 đột ngột giảm trước áp lực thuế quan từ Mỹ

08/09/2019 13:13 GMT+7
Số liệu vừa được Bắc Kinh công bố hôm 8.9 cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ giảm trong tháng 8 vừa qua, trong khi kim ngạch nhập khẩu chứng kiến tháng giảm thứ 4 liên tiếp. Những dữ liệu này không chỉ phản ánh sự giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mà còn thổi phồng tầm quan trọng của những công cụ kích thích kinh tế trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ Trung leo thang.

Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tháng 8 đột ngột giảm

Xuất khẩu của Trung Quốc đột ngột giảm trong khi nhập khẩu vẫn suy yếu

Trung Quốc đã báo cáo thặng dư thương mại 34,84 tỷ đô la vào tháng trước, so với thặng dư 45,06 tỷ đô la trong tháng Bảy. Các nhà phân tích đã dự báo thặng dư 43 tỷ đô la cho tháng Tám.

Cụ thể, theo số liệu từ Cục Hải quan Trung Quốc, thặng dư thương mại tháng 8 của nước này dạt 34,84 tỷ USD, giảm mạnh so với mức thặng dư 45,06 tỷ USD hồi tháng 7. Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 của Trung Quốc giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm lớn nhất kể từ hồi tháng 6 khi đàm phán Mỹ Trung đổ bể.

Mức giảm này gây bất ngờ cho thị trường bởi các nhà phân tích Reuters từng dự đoán kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tháng 8 tăng ít nhất 2,0%. Hồi tháng trước, trong cuộc thăm dò ý kiến chuyên gia do Reuters tổ chức, các nhà phân tích đã kỳ vọng áp lực thuế quan có hiệu lực từ 1.9 sẽ thúc đẩy xuất khẩu tháng 8 của Trung Quốc tăng tốc, một xu hướng thường thấy trước mỗi đợt thuế quan. Nhưng kỳ vọng đó đã không xảy ra. 

Cùng với xuất khẩu, nhập khẩu của Trung Quốc cũng chứng kiến tháng giảm thứ 4 liên tiếp với mức giảm 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương mức giảm hồi tháng 7. Sự suy yếu của nhập khẩu được đổ lỗi cho nhu cầu trong nước giảm sút. Các số liệu nghiên cứu đều chỉ ra chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh của Trung Quốc vẫn chưa thoát khỏi tình trạng suy yếu bất chấp những nỗ lực kích thích thúc đẩy tăng trưởng từ Bắc Kinh.

Giờ đây, đa số các chuyên gia đều tỏ ra quan ngại về kim ngạch thương mại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từ nay đến cuối năm. Bằng chứng là các đơn hàng xuất khẩu của Doanh nghiệp khu vực tư nhân và nhà nước đều đang giảm. Mức thuế quan tiếp theo của Mỹ có hiệu lực vào 1.10 và 15.12 tới đây chắc chắn sẽ khiến tình hình tồi tệ hơn nữa.

Sau những dữ liệu suy yếu này, Bắc Kinh dự kiến sẽ tung ra nhiều biện pháp hỗ trợ, kích thích kinh tế trong những tuần tiếp theo để ngăn chặn rủi ro suy thoái khi mà áp lực thuế quan từ Washington ngày càng mạnh mẽ. Chính phủ Trung Quốc được cho là đang xem xét thực hiện cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2015, bên cạnh việc cải cách cơ chế lãi suất cho vay hồi tháng trước.

Thặng dư thương mại Trung Quốc - Mỹ giảm nhưng xung đột vẫn nóng

Đàm phán Mỹ Trung sẽ tái khởi động vào đầu tháng 10

Cũng theo số liệu từ Cục Hải quan Trung Quốc, thặng dư thương mại Trung Quốc với Mỹ trong tháng 8 đạt 26,95 tỷ USD, giảm hơn 1 tỷ USD từ mức 27,97 tỷ USD hồi tháng 7. Tính trong 8 tháng đầu năm 2019, tổng thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ vẫn lên tới 194,45 tỷ USD, nổi bật sự mất cân bằng vốn là một trong những vấn đề cốt lõi thổi bùng xung đột thương mại Mỹ Trung. 

Dự kiến, vào đầu tháng 10 tới, hai phái đoàn đàm phán Mỹ và Trung Quốc sẽ tái thiết lập đàm phán thương mại tại Washington, thảo luận toàn bộ mọi tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Và chắc chắn, vấn đề thâm hụt thương mại của Mỹ sẽ được nhấn mạnh đặc biệt bên cạnh các xung đột liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ...

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow hôm 6.8 cho hay Mỹ muốn có một tiến bộ nhất định trong lần đàm phán tới, nhưng đồng thời cảnh báo rằng xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể mất hàng thập kỷ để giải quyết. Hiện chưa có dấu hiệu cho thấy chiến tranh thuế quan Mỹ Trung sẽ hạ nhiệt dù cho đàm phán thương mại đang tiến đến gần.

Thùy Dung
Tags:
Cùng chuyên mục